DetailController

Nông, Lâm, Ngư Nghiệp

Chính sách hỗ trợ nông nghiệp hữu cơ phát triển

20/07/2022 00:00
Theo báo cáo của Chi cục Trồng trọt và BVTV (Sở Nông nghiệp và PTNT), tính đến tháng 6/2022, trên địa bàn tỉnh Hòa Bình có 08 cơ sở được chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ Việt Nam (TCVN 11041:2017) bao gồm: Có 07 cơ sở (04 HTX, 02 tổ hợp tác và 01 doanh nghiệp) sản xuất rau an toàn được chứng nhận với tổng diện tích là 17,1 ha, tổng sản lượng đạt trên 335 tấn/năm. Có 01 cơ sở sản xuất quả có múi được chứng nhận với quy mô 22 ha, sản lượng ước đạt 200 tấn/năm.
Sản xuất hữu cơ đang ngày được khuyến khích vì tạo ra các sản phẩm chất lượng, được thị trường ưa chuộng

Để thúc đẩy nông nghiệp hữu cơ phát triển, thời gian qua Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hợp lý. Thực hiện Nghị định số 109/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ về Nông nghiệp hữu cơ, UBND tỉnh Hòa Bình đã ban hành Quyết định số 519/QĐ-UBND ngày 08/7/2019 Thành lập tổ công tác phát triển nông nghiệp hữu cơ tỉnh Hòa Bình, Quyết định số 2987/QĐ-UBND ngày 30/12/2019 phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ tỉnh Hòa Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Mục tiêu của Đề án là chuyển hóa đất canh tác hiện có sang canh tác đáp ứng các tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ; xây dựng chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản hữu cơ được chứng nhận có lợi thế của địa phương.

Theo Đề án, chính sách đặc thù hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại, hộ gia đình, nhóm hội sản xuất hữu cơ với nội dung, định mức, điều kiện và trình tự hỗ trợ gồm: Hỗ trợ 100% kinh phí xác định các vùng, khu vực đủ điều kiện sản xuất hữu cơ: mức hỗ trợ 10 triệu đồng/chuỗi; Hỗ trợ đào tạo, tập huấn sản xuất hữu cơ, căn cứ Nghị định 83 và các hướng dẫn: hỗ trợ 20 triệu đồng/chuỗi (4 đợt tập huấn/chuỗi X 5 triệu đồng/đợt); Hỗ trợ xây dựng, nhân rộng mô hình sản xuất hữu cơ theo TCVN: Hỗ trợ 70% kinh phí mua chế phẩm sinh học, tương ứng: 15 triệu đồng/ha canh tác quả có múi, cây ăn quả khác; 10 triệu đồng/ha canh tác rau củ quả, mía, chè; 5 triệu đồng/ha canh tác lúa, dược liệu, chuối, giổi, tai chua, ớt rừng; 90 triệu đồng cho 1 chuỗi lợn, bò, gà, cá lồng; 30 triệu đồng cho 1 chuỗi dê; Hỗ trợ một lần 100% chi phí cấp Giấy chứng nhận sản phẩm phù hợp TCVN về nông nghiệp hữu cơ do Tổ chức chứng nhận cấp (cấp lần đầu hoặc cấp lại); mức hỗ trợ tối đa 150 triệu đồng/chuỗi. Kinh phí thực hiện hỗ trợ được bố trí từ nguồn ngân sách nhà nước; lồng ghép từ các Chương trình mục tiêu quốc gia (nông thôn mới, giảm nghèo bền vững) và các nguồn, dự án hợp pháp khác đang được triển khai thực hiện tại tỉnh.

Tuy nhiên, hiện nay diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ vẫn còn khiêm tốn, các khu vực sản xuất hữu cơ bước đầu ở dạng các mô hình, với diện tích sản xuất nhỏ, đang trong quá trình áp dụng thử nghiệm. Các sản phẩm sản xuất được chứng nhận theo tiêu chuẩn hữu cơ chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với tổng diện tích sản xuất trồng trọt của tỉnh, các sản phẩm còn đơn điệu, sản xuất và tiêu thụ dạng tươi, còn rất ít các sản phẩm trồng trọt dạng chế biến. Chi phí trong sản xuất và chứng nhận sản phẩm hữu cơ đáp ứng các tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ của khu vực và thế giới còn quá cao, trong khi đó cần một thời gian chuyển đổi nhất định từ canh tác thông thường sang sản xuất hữu cơ nên người sản xuất rất khó đáp ứng được yêu cầu và không mặn mà với canh tác hữu cơ; Hệ thống thu mua sản phẩm, phân phối và giới thiệu quảng bá các sản phẩm hữu cơ còn yếu, đơn điệu, chưa được nhiều người tiêu dùng biết đến, tiếp cận sử dụng.

Để nông nghiệp hữu cơ phát triển, thời gian tới, ngành nông nghiệp chủ động lồng ghép các mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án với các chương trình mục tiêu quốc gia, kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp của tỉnh giai đoạn 2020 – 2025 để thực hiện có hiệu quả. Tiếp tục duy trì diện tích sản xuất hữu cơ hiện có, mở rộng và chứng nhận diện tích sản xuất hữu cơ mới đáp ứng các tiêu chuẩn hiện hành. Tiếp tục tham mưu, xây dựng chính sách hỗ trợ tổ chức, cá nhân sản xuất hữu cơ; thu hút doanh nghiệp đầu tư lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt sản xuất trồng trọt hữu cơ./.