DetailController

Uỷ ban nhân dân Tỉnh

Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 – 2030 tỉnh Hòa Bình

25/03/2022 00:00
Ngày 21/3/2022, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 513/QĐ-UBND về kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh Hòa Bình

Kế hoạch được thực hiện nhằm mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa đồng thời phát triển nông nghiệp dựa trên lợi thế của tỉnh, theo hướng hiện đại có năng suất, chất lượng, hiệu quả bền vững và sức cạnh tranh cao, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia, góp phần quan trọng trong việc ổn định kinh tế - xã hội, phòng chống thiên tai, dịch bệnh, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, thực hiện có hiệu quả về giảm phát thải nhà kính. Nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống, vai trò và vị thế của người tham gia sản xuất nông nghiệp; tạo việc làm phi nông nghiệp để phát triển sinh kế đa dạng, giảm nghèo bền vững cho người dân nông thôn, đảm bảo cơ hội phát triển công bằng giữa các địa phương trong tỉnh. Phát triển nông thôn toàn diện, hiện đại gắn với quá trình đô thị hóa, có cơ sở hạ tầng, dịch vụ xã hội đồng bộ và tiệm cận với khu vực đô thị; giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc; xây dựng nông thôn xanh, sạch, đẹp, an ninh, trật tự được đảm bảo. Phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng nông nghiệp sinh thái có hiệu quả cao, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh.

Trong đó đặt mục tiêu cụ thể đến năm 2030: Tốc độ tăng trưởng ngành nông lâm thủy sản: Giai đoạn 2021-2025 đạt bình quân từ 4,5 - 5%/năm; Giai đoạn 2026-2030 đạt bình quân từ 3,5 - 4%/năm. Tốc độ tăng năng suất lao động nông lâm thủy sản đạt bình quân từ 6,5 - 7%/năm.

Mở rộng và phát triển thị trường, nhất là thị trường xuất khẩu. Tốc độ tăng giá trị xuất khẩu nông làm thủy sản đạt bình quân từ 5 - 6%/năm. Nâng cao thu nhập người dân, giảm nghèo bền vững. Thu nhập của cư dân nông thôn cao hơn 2,5 - 3 lần so với năm 2020. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều ở nông thôn giảm bình quân 2 - 2,5%/năm. Tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội giảm xuống dưới 45%, tỷ lệ lao động nông nghiệp được đào tạo đạt trên 65%. Toàn tỉnh có ít nhất 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 60% số đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới.

Phát triển nền nông nghiệp xanh, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm ô nhiễm môi trường nông thôn, phấn đấu giảm phát thải khí nhà kính 10% so với năm 2020. Tỷ lệ che phủ rùng duy trì ổn định ở mức 51,5%, diện tích rừng có chứng chỉ quản lý rừng bền vững đạt 80 nghìn ha.

Tầm nhìn đến năm 2050 tỉnh Hòa Bình sẽ trở thành "Bếp ăn cung cấp thực phẩm sạch chất lượng cao” cho vùng thủ đô Hà Nội. Sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, hiện đại, bền vững và thu hút các Doanh nghiệp, Hợp tác xã, trang trại đầu tư sản xuất nông nghiệp hữu cơ, chất lượng cao, đảm bảo an toàn thực phẩm và an ninh lương thực. Chủ động tham gia chuỗi cung ứng nông sản toàn cầu. Bảo đảm phát triển sản xuất gắn với hiện đại hóa xã hội, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Đến năm 2050 ứng dụng rộng rãi công nghệ cao, thông minh (4.0), số hóa trong nông nghiệp. Đẩy mạnh ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp thông minh trong sản xuất các sản phẩm nông nghiệp chủ lực. Phát huy lợi thế của mỗi tiểu vùng để tiếp tục phát triển các vùng chuyên canh tập trung.  Quan tâm xây dựng và phát triển thương hiệu hàng hóa nông, lâm sản có lợi thế so sánh; tích cực thúc đẩy đưa một số sản phẩm chủ lực của tỉnh vào Chương trình xây dựng thương hiệu nông sản Việt Nam, gắn với chuỗi giá trị trong nước và hướng tới xuất khẩu. Đẩy mạnh thực hiện có chiều sâu và thực chất hơn chương trình OCOP gắn với phát triển du lịch. Phát triển liên kết, hợp tác sản xuất theo chuỗi. Đẩy mạnh phát triển kinh tế trang trại, kinh tế hợp tác; tiếp tục chuyển đổi, thành lập mới và nâng cao năng lực hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp; nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân nông thôn, góp phần đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.