DetailController

Giáo dục

Bảo vệ an ninh, trật tự trong các đơn vị, trường học

08/03/2024 15:09
Việc xây dựng các giải pháp, đảm bảo an ninh, an toàn trường học là một trong những nhiệm vụ quan trọng mà ngành Giáo dục và Đào tạo luôn quan tâm triển khai thực hiện. Theo đó, trong năm 2024, nhằm tiếp tục nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, góp phần thực hiện hiệu quả phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc và giữ vững ổn định chính trị - xã hội, ngày 04/3/2024, Sở Giáo dục và Đào tạo đã có Công văn số 539/SGDĐT-CTTT&GDTXCN về việc triển khai công tác bảo vệ an ninh, trật tự trong các đơn vị, trường học với 05 giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm.

Trong công tác bảo vệ an ninh chính trị nội bộ, an ninh văn hóa - tư tưởng

Tiếp tục tổ chức quán triệt, tuyên truyền, phổ biến cho cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh, sinh viên, học viên (HSSVHV) thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các văn kiện của Đảng, Nhà nước và của tỉnh về công tác đảm bảo ANTT. Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới. Tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, thành tựu về kinh tế, xã hội và âm mưu, thủ đoạn của các thế lực phản động, đối tượng tiêu cực, chống đối… nhằm nâng cao khả năng “tự đề kháng” và ý thức cảnh giác của cán bộ, đảng viên, giáo viên, nhân viên và HSSVHV trước mọi âm mưu phá hoại, hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, phản động và tội phạm…

Giải quyết dứt điểm đơn thư, khiếu nại, tố cáo đối với cá nhân, tổ chức, nhất là những vấn đề gây mất đoàn kết nội bộ, vấn đề liên quan đến tham nhũng, tiêu cực, không để xảy ra vụ việc phức tạp về ANTT. Phát huy và thực hiện tốt quy chế dân chủ, đảm bảo quyền dân chủ của cán bộ, công chức, viên chức, HSSVHV trong công tác tuyển sinh, tuyển dụng, luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ và công tác xây dựng đơn vị, củng cố tổ chức cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh.

Tăng cường bảo vệ chính trị nội bộ, phòng chống các hoạt động móc nối, thâm nhập nội bộ, cài cắm nội gián; phòng ngừa, ngăn chặn có hiệu quả các biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa". Tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm túc Luật Bảo vệ bí mật nhà nước, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo vệ bí mật nhà nước trong tình hình hiện nay, nhất là những quy định về việc tiếp xúc, quan hệ, làm việc với người nước ngoài; khi ra nước ngoài thăm quan, công tác, học tập; các quy định về phát ngôn,…

Quản lý, kiểm soát, đảm bảo an toàn, an ninh thông tin mạng; phòng, chống hoạt động tấn công mạng; vô hiệu hoá các hoạt động sử dụng internet, mạng xã hội, blog,… để tán phát, truyền bá tư tưởng phản động chống đối, xuyên tạc, bịa đặt, nói xấu cán bộ, chia rẽ đoàn kết, kích động tư tưởng sai trái với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách Nhà nước. Tăng cường công tác bảo vệ bí mật nhà nước trên không gian mạng; rà soát, phát hiện và kịp thời khắc phục lỗ hổng bảo mật trên cổng thông tin điện tử, các website của đơn vị, trường học; không để xảy ra lộ, lọt, mất bí mật nhà nước hoặc lợi dụng không gian mạng để tuyên truyền văn hóa phẩm độc hại. Xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng truyền thông, lợi dụng không gian mạng để tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa…

Phối hợp chặt chẽ trong công tác quản lý nhà nước về hoạt động của các Hội, Đoàn, các tổ chức phi chính phủ (NGO) trong các đơn vị, trường học; kịp thời phát hiện, nhắc nhở, xử lý các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.

Tăng cường công tác phối hợp với lực lượng chức năng đảm bảo an toàn hoạt động giảng dạy, học tập, rèn luyện, ngoại khóa,… của các đơn vị, trường học; các hoạt động, các kỳ thi của ngành đặc biệt là kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Trong công tác bảo vệ an ninh kinh tế, bảo vệ tài sản

Tiếp tục thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 12-CT/TW ngày 05/01/2017 của Bộ Chính trị và Kế hoạch số 76-KH/TU ngày 24/3/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đảm bảo an ninh kinh tế trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế;…Thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 31/5/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tạo nguồn thu và tăng cường quản lý và tăng cường quản lý thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2021-2025; đảm bảo quyền lợi của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động. Bổ sung nội quy, quy định đối với các bộ phận liên quan đến tài chính, tài sản có giá trị, kịp thời xem xét, theo dõi, xử lý những cán bộ có biểu hiện bất minh về kinh tế.

Duy trì lực lượng bảo vệ thường trực 24/24h tại trụ sở đơn vị, trường học. Kiểm tra, bổ sung trang thiết bị, hệ thống camera giám sát an ninh, đảm bảo tường rào, ánh sáng, khoá cửa an toàn, niêm phong các phòng máy tính, thí nghiệm - thực hành, phòng học, phòng làm việc trong các ngày nghỉ lễ, Tết, kịp thời phát hiện ngăn chặn các vụ việc trộm cắp, xâm phạm tài sản tại đơn vị, trường học.

Trong công tác giữ gìn trật tự, an toàn xã hội

Tập trung thực hiện nghiêm túc Kết luận số 15-KL/TW ngày 30/9/2021 của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 46-CT/TW, ngày 22/6/2015 của Bộ Chính trị về ”Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm ANTT trong tình hình mớ”"; Chỉ thị số 36-CT/TW ngày 16/8/2019 của Bộ Chính trị về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy; Kết luận số 247-KL/TU ngày 27/01/2022 về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 30- CT/TU, ngày 21/4/2017 về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và tệ nạn cờ bạc, số đề. Rà soát, phát hiện, giải quyết dứt điểm số cán bộ, công chức, viên chức, HSSVHV có liên quan đến ma tuý, cờ bạc, mại dâm; đưa ra khỏi ngành và cơ sở giáo dục những cán bộ, viên chức, HSSVHV nghiện, tái nghiện ma tuý.

Phối hợp với chính quyền và công an địa phương trong việc tham gia các đợt cao điểm tấn công phòng chống tội phạm và bài trừ tệ nạn xã hội. Chủ động giải quyết dứt điểm các vụ việc mâu thuẫn trong nội bộ đơn vị, trường học.

Tăng cường công tác phòng chống cháy nổ, ô nhiễm môi trường, môi sinh, an toàn thực phẩm, xử lý các trường hợp vi phạm trong quản lý vũ khí, vật liệu nổ, pháo nổ, vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông, không để xảy ra các vụ việc phức tạp, ảnh hưởng ANTT trong đơn vị, trường học.

Thực hiện nghiêm các biện pháp phối hợp phòng chống lụt bão, thiên tai và giảm nhẹ tai nạn, thương tích xảy ra trong các đơn vị, trường học. Tiếp tục phối hợp thực hiện tốt nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh.

Năm 2024, yêu cầu 100% các đơn vị, trường học có cấp THCS, THPT phối hợp với Công an các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch, thành lập và triển khai thực hiện có hiệu quả mô hình “Nhà trường an toàn không có ma túy”.

Trong công tác phát động phong trào TDBVANTQ

Tiếp tục quán triệt thực hiện có hiệu quả các văn bản của tỉnh về đẩy mạnh phong trào TDBVANTQ trong tình hình mới. Tiếp tục thực hiện các quy chế phối hợp giữa cơ quan công an với các đơn vị, trường học về công tác đảm bảo ANTT. Các đơn vị, trường học đăng ký xây dựng “điển hình về phong trào TDBVANTQ” theo Kế hoạch số 630/KH-CAT- PV01 ngày 28/12/2022 của Công an tỉnh và Kế hoạch số 111/KH-BCĐ ngày 02/6/2022 của Ban chỉ đạo 09 tỉnh. Gắn nội dung phong trào với nội dung các cuộc vận động, các phong trào thi đua xây dựng nếp sống văn hoá, xây dựng nông thôn mới. Đối với HSSV các trường cao đẳng, trung cấp cần có hình thức quản lý, giáo dục, tổ chức thu hút HSSV tích cực tham gia vào các hoạt động trí tuệ, lành mạnh, nhằm hạn chế những tác động, ảnh hưởng tiêu cực ngoài xã hội.

Các đơn vị, trường học chủ động rà soát, đánh giá, kết thúc các mô hình hoạt động kém hiệu quả; tiếp tục xây dựng, phát huy có hiệu quả hoạt động của các mô hình về xây dựng cơ quan, đơn vị, trường học an toàn; xây dựng, nhân rộng các mô hình trong phong trào TDBVANTQ. Xây dựng và diễn tập các phương án bảo vệ đơn vị, trường học. Củng cố, duy trì có hiệu quả các câu lạc bộ, các mô hình tự quản về ANTT gắn kết với việc phòng, chống dịch bệnh,... Thông qua phong trào lựa chọn mô hình hoạt động hay, có hiệu quả để tổ chức, trao đổi kinh nghiệm và nhân rộng.

Căn cứ vào đặc điểm tình hình, các đơn vị, trường học xây dựng kế hoạch tổ chức "Ngày hội TDBVANTQ" năm 2024 đảm bảo thiết thực, hiệu quả, trang trọng, tiết kiệm. Có hình thức biểu dương, khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân, những người tốt, việc tốt, có thành tích xuất sắc trong phong trào TDBVANTQ, nhằm động viên, nhân rộng và thúc đẩy phong trào.

Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Thông tư số 124/2021/TT-BCA ngày 28/12/2021 của Bộ Công an. Các đơn vị, trường học tổ chức cho 100% cán bộ, viên chức ký cam kết giao ước thi đua thực hiện tốt các nội quy, quy chế và xây dựng đơn vị, trường học đạt tiêu chuẩn "An toàn về ANTT"; đăng ký thực hiện tiêu chuẩn “An toàn về ANTT” và hình thức thi đua khen thưởng năm 2024 gửi về Công an các huyện, thành phố (Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 09 cấp huyện).

Tiếp tục đăng ký xây dựng cơ quan, cơ sở giáo dục điển hình về phong trào TDBVANTQ năm 2024. Củng cố các tổ chức đội cờ đỏ, sao đỏ, thanh niên xung kích ANTT trong trường học, xây dựng chương trình nội dung hoạt động và chỉ đạo cụ thể, gắn trách nhiệm và quyền lợi của mỗi cán bộ, giáo viên, HSSVHV, góp phần tích cực làm tốt công tác bảo vệ ANTT, thông qua phong trào để lựa chọn, khen thưởng các đơn vị, trường học thực hiện tốt công tác bảo vệ ANTT và phong trào TDBVANTQ.

Trong công tác xây dựng lực lượng bảo vệ cơ quan, cơ sở giáo dục

Thủ trưởng các đơn vị, trường học thường xuyên quản lý chặt chẽ đội ngũ cán bộ bảo vệ về chính trị, tư tưởng và chương trình công tác. Xây dựng nội quy, quy chế hoạt động, chế độ giao ban, giao ca trực của lực lượng bảo vệ... Thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo ngày, tuần, tháng và đột xuất. Tham mưu cho lãnh đạo đơn vị giải quyết các vụ liên quan đến ANTT ngay tại cơ sở. Xây dựng tốt mối quan hệ phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an các cấp, lực lượng bảo vệ cơ sở, địa phương nơi trường học đứng chân. Thường xuyên thông báo, trao đổi tình hình có liên quan đến công tác ANTT tại đơn vị, trường học để phối hợp giải quyết. Xây dựng lực lượng bảo vệ đơn vị, trường học đủ về số lượng và có chất lượng, đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Thường xuyên bổ sung phương tiện, công cụ hỗ trợ phục vụ công tác bảo vệ theo quy định tại Nghị định số 06/NĐ-CP ngày 09/01/2013 của Chính phủ. Rà soát, tập hợp, đề xuất Công an huyện/thành phố và tỉnh mở lớp bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ pháp luật cho lực lượng bảo vệ cơ sở giáo dục. Chấm dứt hợp đồng hoặc chuyển nhiệm vụ khác đối với nhân viên bảo vệ yếu kém về phẩm chất, năng lực, không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao…./.