DetailController

Trồng trọt

Ban hành Hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc rừng trồng đối với bảy loài cây trên địa bàn tỉnh

12/04/2023 17:00
Ngày 11/4/2023, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Quyết định số 161/QĐ-SNN về việc ban hành Hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc rừng trồng đối với bảy loại cây trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.

Trong đó, ban hành kèm quyết định là Hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc rừng trồng một số loài cây trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, gồm có:

1. Cây Bạch đàn Urophylla (Eucalyptus urophylla S.T. Blake): Đây là loài cây lâm nghiệp chủ lực, chủ yếu trồng rừng sản xuất tại vùng Tây Bắc. Tại tỉnh Hòa bình Bạch đàn Urophylla đang được trồng tập trung ở các huyện Lương Sơn, Đà Bắc, Lạc Sơn và TP. Hòa Bình. Tại Đà Bắc rừng Bạch đàn thuần loài, mật độ trồng 4.000 cây/ha, tuổi 3 đạt đường kính là 6,1 cm, chiều cao là 10,0 m; Tại Lương Sơn rừng Bạch đàn thuần loài do Công ty Lâm nghiệp Hòa Bình trồng với mật độ 1.600 cây/ha, tuổi 4 đạt đường kính là 10,5 cm, chiều cao là 12,0 m. Có thể lựa chọn Bạch đàn Urophylla để trồng trong vùng quy hoạch rừng sản xuất gỗ nguyên liệu hoặc rừng trồng thâm canh gỗ lớn như Tân Lạc, Yên Thủy, Lương Sơn, Lạc Sơn, Lạc Thủy, Kim Bôi. Riêng Đà Bắc nên lựa chọn Bạch đàn Urophylla thay cho Keo tai tượng ở các khu vực có rét hại.

2. Cây tre bát độ (Dendrocalamus latiflorus Munro): Hòa Bình là một trong những địa phương đã nhập giống tre Bát độ từ Trung Quốc về trồng để lấy măng từ rất sớm (từ năm 1998). Hiện nay tre Bát độ được trồng khá phổ biến ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Hòa Bình nhưng thường là trồng phân tán trong quy mô hộ gia đình. Tre Bát độ là loài không kén đất, có thể mọc được ở độ cao trên 1.000 m so với mực nước biển nhưng lại không chịu được sương muối. Nên trồng chuyên canh ở các huyện vùng thấp, gần cơ sở chế biến măng như Kim Bôi, Lạc Thủy, Yên Thủy. Do là loài tre chuyên măng nên cần chế độ chăm sóc tốt, đầu tư cao; thích hợp với đất ít dốc, màu mỡ, tầng đất dày, đủ ẩm và thoát nước tốt ở các địa thế ven sông, hồ, ven chân đồi. Không trồng loài này trên đất sét nặng, đất chua hoặc nhiều sỏi đá hoặc đất ngập nước lâu ngày.

3. Cây Keo tai tượng (Acacia mangium Willd): là loài cây lâm nghiệp chủ lực, chủ yếu để trồng rừng sản xuất tại vùng Tây Bắc. Cây có thể trồng được ở hầu hết các địa phương thuộc tỉnh Hòa Bình. Mô hình rừng trồng Keo tai tượng thuần loài tại Tân Lạc đang ở tuổi 6, mật độ ban đầu là 2.000 cây/ha, không tỉa thưa. Hiện tại đường kính bình quân (D1.3) đạt 14,14 cm; chiều cao bình quân (Hvn) đạt 10,24 m. Tại Lương Sơn, rừng trồng Keo tai tượng thuần loài có mật độ ban đầu là 1.600 cây/ha, không tỉa thưa, hiện tại đang ở tuổi 4 có D1.3 là 10,00 cm, Hvn là 8,2 m. Các huyện có nhiều diện tích đất rất thích hợp trồng Keo tai tượng sản xuất gỗ lớn là Yên Thủy, Lương Sơn, Lạc Sơn, Lạc Thủy, Kim Bôi. Riêng Đà Bắc là huyện có mùa đông lạnh, nhiều sương muối nên hạn chế trồng Keo tai tượng.

4. Cây Lát hoa (Chukrasia tabularis A.Juss): Đây là loài cây Lâm nghiệp chính, được xác định là loài cây chủ yếu trồng rừng tại vùng Tây Bắc. Tại tỉnh Hòa Bình Lát hoa đang được trồng tập trung tại các huyện Kim Bôi, Lạc Sơn, Cao Phong và Mai Châu. Tại Kim Bôi rừng Lát hoa trồng với mật độ 1.800 cây/ha, 14 tuổi có đường kính là 14,8 cm, chiều cao 14,7 m; tại Lạc Thủy rừng Lát hoa trồng với mật độ 1.600 cây/ha, 13 tuổi có đường kính là 13,7 cm, chiều cao 13,6 m. Các huyện Cao Phong, Kim Bôi, Đà Bắc, Lạc Sơn và Mai Châu là những nơi có nhiều diện tích đất lâm nghiệp phù hợp với trồng rừng Lát Hoa.

5. Cây Luồng (Dendrocalamus membranaceus Munro): Luồng là loài cây chủ yếu trồng rừng tại vùng Tây Bắc. Tại tỉnh Hòa Bình Luồng được trồng khá phổ biến ở nhiều địa phương, đặc biệt là khu vực lòng hồ thủy điện Hòa Bình. Luồng được trồng phân tán hoặc tập trung thành diện tích lớn để khai thác măng và thân cây. Nhìn chung Luồng có thể sinh trưởng tại tất cả các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, nơi có đất ẩm, tầng dày, đặc biệt là đất ven chân đồi, gần sông, hồ. Luồng là cây sinh trưởng và phát triển nhanh, nếu được chăm sóc, nuôi dưỡng đúng kỹ thuật thì sau khi trồng từ 4-5 năm là đã cho thu hoạch, sau 8-9 năm thì cho thu hoạch với sản lượng ổn định.

6. Cây Mỡ (Manglietia conifera Dandy) là loài cây Lâm nghiệp chính, là loài cây chủ yếu để trồng rừng tại vùng Tây Bắc. Mỡ thích hợp với vùng cao của tỉnh Hòa Bình, tại các huyện Mai Châu, Đà Bắc nơi có khí hậu mát mẻ, ít ảnh hưởng của gió Lào, mọc tốt trên đất còn tính chất đất rừng, chậm phát triển trên đất khô hạn, úng nước, không trồng được trên đất cỏ tranh, đồi trọc. Tại Đà Bắc rừng Mỡ trồng thuần loài đã qua tỉa thưa một lần lúc cây ở tuổi 8 (cường độ tỉa thưa 50%). Hiện tại rừng đang ở tuổi 14, mật độ hiện tại là 625 cây/ha, có đường kính đạt trên 19 cm, chiều cao đạt 20 m, rừng phát triển tốt.

7. Cây Sưa (Dalbergia tonkinensis Prain): là cây họ đậu, có biên độ sinh thái rộng, đang được trồng phân tán tại nhiều địa phương của tỉnh Hòa Bình. Tại Lạc Thủy mô hình rừng trồng Sưa thuần loài 14 tuổi, mật độ trồng ban đầu là 520 cây/ha, không tỉa thưa có đường kính bình quân đạt 12,25 cm, tăng trưởng đường kính bình quân là 0,88 cm/năm, chiều cao bình quân đạt 7,56 m, tăng trưởng chiều cao bình quân là 0,54 m/năm. Nhìn chung Sưa có thể sinh trưởng và phát triển ở nhiều kiện lập địa khác nhau, nhưng những nơi có lượng mưa thấp như ở huyện Đà Bắc (1.570 mm/năm) nên hạn chế trồng Sưa tập trung với diện tích lớn. Có thế trồng thành rừng, trồng xen với cây khác, nhưng thích hợp nhất là trồng phân tán, trồng trong vườn hộ, nơi thuân tiện cho việc chăm sóc và bảo vệ.