Được biết, toàn tỉnh hiện có 21.125 ha đất vườn, trong đó, diện tích đã cải tạo khoảng 6.349 ha, diện tích vườn tạp là 12.381 ha, còn lại khoảng 2.395 ha chưa trồng cây. Theo đánh giá sơ bộ của Sở NN&PTNT, toàn bộ diện tích đất vườn cho thu nhập khoảng 480 tỷ đồng/năm, trong đó diện tích đã cải tạo cho thu nhập trung bình 58 triệu đồng/ha, diện tích vườn tạp chỉ cho thu nhập trung bình 10,8 triệu đồng/ha. Trong khi đó, thực tế cho thấy tại nhiều địa phương có diện tích vườn tạp đã được cải tạo bằng trồng cây ăn quả như cam, quýt, bưởi, chanh, nhãn… cho thấy hiệu quả sử dụng đất cao hơn rất nhiều: các vùng chuyên canh cây ăn quả - mà tiền thân là những vườn tạp – cho thu nhập bình quân 400 – 600 triệu đồng/ha/vụ.
Kết quả trên cho thấy việc trồng cây phù hợp có giá trị gia tăng và phát triển bền vững đã mang tới hiệu quả kinh tế cao, khẳng định chủ trương cải tạo vườn tạp là đúng. Đồng thời, từ xuất phát điểm đầu tiên là cải tạo vườn tạp trong từng hộ gia đình, sẽ nhân rộng thành phong trào mạnh mẽ và rộng khắp trên phạm vi toàn tỉnh, dần tạo thành những vùng sản xuất hàng hóa có tính chuyên canh cao. Đây cũng chính là chỉ đạo xuyên suốt của UBND tỉnh khi phê duyệt Đề án cải tạo vườn tạp trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đến năm 2020; là chủ trương của BTV Tỉnh ủy khi ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU về cải tạo vườn tạp trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2016 – 2020 với mục tiêu đề ra là: Hàng năm, toàn tỉnh sẽ phấn đấu cải tạo khoảng 1,2 nghìn ha vườn tạp thành vườn có hiệu quả kinh tế cao, lợi nhuận thu được tăng 2,5 – 3 lần so với năm 2015. Phấn đấu đến năm 2020, toàn tỉnh cải tạo thành công trên 6.000 ha vườn tạp (tương đương 50% tổng diện tích vườn tạp trên địa bàn), với hiệu quả kinh tế tăng gấp 3 lần so với năm 2015. Để đạt mục tiêu đề ra, BTV Tỉnh ủy chỉ đạo UBND các huyện, thành phố ngay trong năm 2016 cần khẩn trương chỉ đạo xây dựng mỗi xã có 1 - 2 mô hình điểm về cải tạo vườn tạp để nhân rộng ra toàn xã trong những năm tiếp theo. Cùng với việc triển khai chính sách nâng cao hiệu quả sử dụng đất vườn đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh, các địa phương xây dựng lộ trình cải tạo vườn tạp phù hợp, từng bước tạo thành vùng, liên vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Về cơ chế chính sách đầu tư và hỗ trợ cải tạo vườn tạp, BTV Tỉnh ủy chỉ đạo: Hỗ trợ xây dựng và nâng cấp hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất vườn trồng cây; xây dựng các điểm trình diễn; chuyển giao kỹ thuật cải tạo, thâm canh cây trồng; hỗ trợ sau đầu tư 10 triệu đồng/ha cho hộ nông dân thực hiện cải tạo vườn tạp; hỗ trợ sau đầu tư 2 triệu đồng/ha cho doanh nghiệp tham gia tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị với nông dân thông qua hợp đồng. Ngoài ra, BTV Tỉnh ủy cũng chỉ đạo các địa phương chủ động lồng ghép các chương trình, dự án gắn với kế hoạch cải tạo vườn tạp, tăng cường nguồn vốn và mức vay tín dụng thông qua các tổ chức CT-XH để có nguồn lực cải tạo vườn tạp. Những quyết sách mới trong vấn đề cải tạo vườn tạp sẽ tạo động lực quan trọng để các địa phương nâng cao hiệu quả thâm canh cây trồng, thúc đẩy nông nghiệp phát triển mạnh mẽ theo hướng sản xuất hàng hóa có giá trị kinh tế cao và bền vững./.