Theo Báo cáo của Ủy ban nhân dân huyện Đà Bắc, đến nay, toàn huyện có 47 trường công lập và 1 cơ sở mầm non tư thục trực thuộc Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện quản lý. Giai đoạn 2016-2020, huyện đã sắp nhập 15 trường Tiểu học và Trung học cơ sở, sáp nhập 26 điểm trường. Số trường học đạt chuẩn Quốc gia tính đến tháng 2/2022 là 25/47 trường công lập, đạt tỷ lệ 53,19%. Tại khối các trường Trung học Phổ thông, Phổ thông Dân tộc Nội trú, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp- Giáo dục thường xuyên, có 6 đơn vị trường với tổng số 70 lớp và 2.240 học sinh, học viên.
Những năm qua, huyện Đà Bắc đã triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm khắc phục khó khăn, tạo chuyển biến tích cực trong công tác Giáo dục và Đào tạo. Tỷ lệ huy động trẻ ra lớp đạt 98,8%. Chất lượng giáo dục đại trà, giáo dục mũi nhọn từng bước được nâng cao. Ngành thường xuyên rà soát, bổ sung, bố trí hợp lý số lượng giáo viên, nhân viên đảm bảo yêu cầu công việc ở các đơn vị trường học. Tuy nhiên, nhìn chung, chất lượng giáo dục của huyện còn ở mức thấp so với mặt bằng chung của tỉnh. Huyện còn thiếu cục bộ giáo viên, nhất là giáo viên dạy bộ môn Tiếng Anh và Tin học; cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học chưa đáp ứng yêu cầu để thực hiện tốt Chương trình Giáo dục phổ thông mới; công tác thu hút các nguồn vốn đầu tư cho giáo dục đạt thấp.
Tại buổi làm việc, các đại biểu tập trung thảo luận và đưa ra các giải pháp khắc phục khó khăn cho ngành Giáo dục và Đào tạo. Đồng thời, Ủy ban nhân dân huyện đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh và các sở, ngành quan tâm đến việc thu hút, đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư lĩnh vực Giáo dục và Đào tạo; kiến nghị xem xét việc giao định mức giáo viên/lớp, học sinh/lớp phù hợp với đặc thù miền núi có nhiều điểm trường; ưu tiên nguồn lực đầu tư cho giáo dục vùng cao, nhất là đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Văn Chương, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ghi nhận nỗ lực của Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội nói chung và Giáo dục và Đào tạo của huyện nói riêng. Để phát huy những kết quả đạt được và khắc phục những hạn chế, khó khăn, đồng chí Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Cấp ủy, chính quyền huyện Đà Bắc tiếp tục quan tâm chỉ đạo, ưu tiên đầu tư cho giáo dục. Trong đó, nâng cao chất lượng giáo dục; rà soát, bố trí đủ số lượng giáo viên tại các trường/điểm trường. Chú trọng công tác quy hoạch, đảm bảo phát triển quy mô trường, lớp học đến năm 2030 gắn với lộ trình xây dựng nông thôn mới và tiêu chí trường đạt chuẩn quốc gia. Quan tâm thực hiện các cơ chế đặc thù dành cho giáo dục vùng khó. Đẩy mạnh xã hội hóa, ưu tiên nguồn lực đầu tư hạ tầng, cơ sở vật chất, trang thiết bị cho giáo dục đáp ứng yêu cầu thực hiện đổi mới Giáo dục và Đào tạo. Đồng chí Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh giao Sở Nội vụ, Sở Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu, tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh kiến nghị với Bộ Nội vụ bổ sung chỉ tiêu biên chế cho ngành./.