DetailController

Nông, Lâm, Ngư Nghiệp

Đoàn công tác của tỉnh Hòa Bình thăm và học tập kinh nghiệm về chương trình OCOP tại tỉnh Quảng Ninh

04/12/2018 00:00
Trong 2 ngày 2-3/12, Đoàn công tác của tỉnh Hòa Bình do đồng chí Trần Văn Tiệp, Giám đốc Sở NN&PTNTN làm trưởng đoàn đã đi thăm và học tập kinh nghiệm xây dựng chương trình OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm) tại tỉnh Quảng Ninh. Tham gia đoàn có lãnh đạo ngành NN&PTNT, thành viên ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới các huyện, sở, ngành.
Đoàn công tác của tỉnh thăm quan cơ sở sản xuất chả mực tại chợ Hòn Gai, thành phố Hạ Long

Nằm trong chương trình, đoàn đã tới thăm cơ sở sản xuất chả mực tại chợ Hòn Gai, thành phố Hạ Long; thăm quan điểm bán hàng OCOP tại siêu thị Big C Hạ Long; thăm cơ sở sản xuất trứng gà tại phường Tân An, thị xã Quảng Yên; thăm mô hình trồng na trái mùa; thăm cơ sở sản xuất rượu mơ của thành phố Uông Bí.

Tại buổi thảo luận với Ban Nông thôn mới tỉnh Quảng Ninh, phía tỉnh bạn đã trao đổi, chia sẻ một số kinh nghiệm thực tiễn trong công tác chỉ đạo triển khai thực hiện chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm của tỉnh. Trong đó, tỉnh Quảng Ninh rất coi trọng và đặc biệt chú trọng xây dựng chương trình OCOP. Chương trình được bắt đầu triển khai trên địa bàn tỉnh từ năm 2013, sau quá trình nghiên cứu, học tập kinh nghiệp từ Nhật Bản và Thái Lan. Tỉnh xác định đây là chương trình phát triển kinh tế trọng tâm và là nút thắt trong xây dựng nông thôn mới. Tỉnh Quảng Ninh xây dựng chương trình với 3 mục tiêu chính: Một là phát triển các hình thức tổ chức sản xuất kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ có lợi thế ở địa bàn xã, phường, thị trấn theo hướng phát triển nội sinh và gia tăng giá trị; hai là thực hiện có hiệu quả nhóm tiêu chí “Kinh tế và hình thức tổ chức sản xuất”; ba là thông qua việc phát triển sản xuất tại các địa bàn nông thôn góp phần hạn chế việc di cư ra thành phố, bảo vệ môi trường và giữ gìn ổn định xã hội nông thôn. Tới nay, tỉnh đã có 332 sản phẩm OCOP, doanh số bán hàng OCOP năm 2017 ước đạt gần 700 tỷ đồng.

Trong quá trình triển khai chương trình OCOP, tỉnh Quảng Ninh đặc biệt chú trọng vai trò của công tác thông tin tuyên truyền. Thông qua báo chí, các phương tiện thông tin đại chúng, các lớp tập huấn, tọa đàm...đã tích cực tuyên truyền đến người nông dân, cộng đồng dân cư để họ chủ động xây dựng sản phẩm và bảo vệ thương hiệu sản phẩm. Bên cạnh đó, tỉnh đã ban hành những chính sách hỗ trợ thiết thực tới nông dân và hỗ trợ doanh nghiệp. Hàng năm đều tổ chức hội chợ OCOP cấp tỉnh giúp quảng bá sản phẩm; hỗ trợ 2 tỷ đồng/điểm bán hàng cấp tỉnh, 1 tỷ đồng/ điểm bán hàng cấp huyện. Tỉnh coi việc xây dựng chương trình OCOP là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, đòi hỏi sự vào cuộc tích cực của các sở, ban, ngành; nêu cao vai trò của người đứng đầu và gắn trách nhiệm của cán bộ vào việc theo dõi hiệu quả điểm bán hàng OCOP. Khi đã xây dựng được sản phẩm thì cơ quan quản lý nhà nước phải chịu trách nhiệm quản lý nhãn hiệu OCOP, đảm bảo chất lượng và giữ gìn, bảo vệ thương hiệu.

Bên cạnh đó, hai tỉnh cũng đã trao đổi thêm về kinh nghiệm trong quá trình xây dựng sản phẩm, cách thức truyền thông, vai trò của doanh nghiệp trong hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP....

*Chương trình OCOP của tỉnh Hòa Bình được triển khai theo Kế hoạch số 125/KH-UBND ngày 20/9/2018 thực hiện “Chương trình mỗi xã một sản phầm (OCOP)” tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2018-2020. Tỉnh phấn đấu tiêu chuẩn hóa ít nhất 25% sản phẩm hiện có của các địa phương (khoảng 50 sản phẩm), triển khai thực hiện từ 10 - 15 làng (bản) văn hóa du lịch. Tập trung vào đa dạng hóa, chế biến sâu các sản phẩm theo chuỗi giá trị, hoàn thiện tổ chức sản xuất theo hướng liên kết giữa hộ sản xuất với hợp tác xác và doanh nghiệp. Củng cố, kiện toàn các tổ chức kinh tế tham gia chương trình OCOP (khoảng 50 tổ chức kinh tế); phát triển mới ít nhất 10 tổ chức kinh tế tham gia chương trình. Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu sản phẩm OCOP cấp tỉnh hỗ trợ tích cực công tác quản lý nhà nước và kết nối thông tin, xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Triển khai các chương trình tập huấn cấp tỉnh và cấp huyện.