DetailController

Nông, Lâm, Ngư Nghiệp

Đoàn công tác của huyện Lương Sơn thăm quan, học tập và trao đổi kinh nghiệm thực hiện mô hình dồn điền đổi thửa đất sản xuất nông nghiệp tại huyện Yên Thủy

20/03/2017 00:00
Ngày 17/3/2017, đoàn công tác của UBND huyện Lương Sơn do đồng chí Nguyễn Vũ Chi – Phó Bí thư huyện ủy – chủ tịch UBND huyện Lương Sơn huyện làm trưởng đoàn đã tổ chức đi thăm quan, học tập và trao đổi kinh nghiệm thực hiện mô hình dồn điền đổi thửa đất sản xuất nông nghiệp tại huyện Yên Thủy. Tham gia với đoàn công tác có đồng chí Bùi Văn Dậu – tỉnh ủy viên – Bí thư huyện ủy – Chủ tịch HĐND huyện Lương Sơn, các đồng chí thường trực HĐND huyện, Phó chủ tịch UBND huyện và lãnh đạo 1 số cơ quan, ban ngành đoàn thể của huyện Lương Sơn
Lãnh đạo hai huyện Lương Sơn và Yên Thủy cùng đoàn công tác trao đổi kinh nghiệm trong quá trình thực hiện mô hình dồn điền đổi thửa

Làm việc với đoàn công tác của huyện Lương Sơn, có đ/c Bùi Văn Hải – Phó bí thư huyện ủy – chủ tịch UBND huyện Yên Thủy, các đ/c thường trực HĐND huyện, Phó chủ tịch UBND huyện và lãnh đạo 1 số cơ quan, ban ngành đoàn thể của huyện Yên Thủy.

 Theo báo cáo, đánh giá của UBND huyện Yên Thuỷ: Dồn điền đổi thửa là công việc phức tạp và liên quan trực tiếp đến lợi ích của nông dân, do đó ban đầu mới triển khai thực hiện, huyện cũng gặp rất nhiều khó khăn, nhiều hộ dân không đồng tình ủng hộ. Tuy nhiên nhờ có sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của các cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương, đặc biệt là sự nhiệt tình, tâm huyết của các chi bộ, ban quản lý xóm, các đoàn thể và cán bộ Đảng viên.  Sau 4 năm triển khai thực hiện (từ năm 2013 đến nay) việc đồn điền đổi thửa đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Yên Thủy đã có nhiều kết quả tích cực, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho bà con nông dân, khẳng định dồn điền đổi thửa là chủ trương đúng đắn, phù hợp với yêu cầu thực tiễn, được đa số người dân đồng tình ủng hộ. Cụ thể: từ năm 2013 sau khi chỉ đạo thực hiện thí điểm thành công việc dồn điền đổi thửa đất sản xuất nông nghiệp tại 3 xóm: Hổ 2, Trường Long thuộc xã Ngọc Lương và xóm Ao Hay thuộc xã Yên Trị đến nay huyện Yên Thủy đã có 36 xóm thuộc địa bàn 4 xã thực hiện thành công việc dồn điền đổi thửa. Tổng diện tích đất nông nghiệp đã thực hiện dồn điền đổi thửa là 1.156,7ha. Tổng số hộ tham gia dồn điền đổi thửa là 3.197 hộ. Tổng số thửa khi chưa dồn là 21.908 thửa. Sau khi dồn điền chỉ còn 7.931 thửa, giảm 63,79% số thửa. Các hộ dân đã hiến 16,2 ha đất làm các công trình nội đồng phục vụ cho sản xuất. Ngân sách huyện hỗ trợ để các xóm thực hiện xây dựng các công trình phúc lợi là 2,25 tỷ đồng. Việc dồn điền đổi thửa được huyện Yên Thủy thực hiện theo các bước quy định nhằm đảm bảo sự công khai minh bạch, công bằng, dân chủ trong nhân dân. Nhờ đó, mô hình này của huyện Yên Thủy đã thành công và ngày càng nhận được sự ủng hộ của người dân.

Qua việc dồn điền đổi thửa đã khắc phục được tình trạng manh mún ruộng đất, số thửa đất nông nghiệp bình quân/hộ đã giảm khoảng 64% số thửa, chỉ còn từ 1 – 3 thửa, hình thành những thửa ruộng, những cánh đồng lớn kết hợp xây dựng đường giao thông, kênh mương nội đồng theo quy hoạch nông thôn mới được duyệt, tạo điều kiện thuận lợi đưa cơ giới hóa, áp dụng tiến độ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thuận lợi cho việc tưới tiêu, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh. Từ đó, nâng cao năng xuất cây trồng và thu nhập cho nông dân. Diện tích đất 5%, đất dãn dân, đất nghĩa trang được quy hoạch tập trung thuận tiện cho việc quản lý. Sau đồn điền đổi thửa, việc tổ chức sản xuất, gieo trồng trên thửa đất mới thuận lợi, nhanh chóng hơn đã tạo động lực thúc đẩy nông dân sản xuất và gắn bó với đồng ruộng, giảm được các chi phí sản xuất như: công làm đất, thời gian chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh khoảng 6 triệu đồng/ha/vụ.

Qua việc đồn điền đổi thửa còn nâng cao nhận thức của người dân trong việc tham gia đóng góp xây dựng nông thôn mới thông qua việc tự nguyện hiến đất, đóng góp ngày công lao động, kinh phí để xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất. Phát huy được quyền dân chủ của người dân trong việc quản lý các nguồn kinh phí hỗ trợ từ ngân sách nhà nước và dân đóng góp, theo cơ chế trao quyền chủ động cho cộng đồng dân cư tự bàn bạc, quyết định, thống nhất lựa chọn đầu tư, xây dựng các hạng mục công trình hạ tầng cơ bản, thiết yếu. 

Tại buổi học tập và trao đổi kinh nghiệm thực hiện mô hình dồn điền đổi thửa đất sản xuất nông nghiệp, lãnh đạo của 2 huyện Lương Sơn và Yên Thủy cùng các đồng chí trong đoàn công tác đã trực tiếp trao đổi, tìm hiểu những khó khăn, thuận lợi, học hỏi những kinh nghiệm, kỹ năng, cách làm trong việc thực hiện mô hình. Đoàn công tác của 2 huyện cũng đã đi thăm quan thực tế mô hình này tại xóm Tân Thành – xã Yên Trị của huyện Yên Thủy./.