Trong đó, Đề án xác định mục tiêu tổng quát của tỉnh Hòa Bình đến năm 2025 là cơ cấu lại kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng cân đối giữa tăng trưởng theo chiều rộng và chiều sâu, phấn đấu sau năm 2025 phát triển theo chiều sâu. Nâng cao hiệu quả phân bổ và sử dụng vốn đầu tư. Đẩy mạnh phát triển các ngành, sản phẩm tận dụng các lợi thế của địa phương; các ngành, sản phẩm có đóng góp giá trị cao cho nền kinh tế và giá trị gia tăng cao, có hiệu quả và sức cạnh tranh, nâng cao năng suất lao động. Gắn kết tăng trưởng nhanh với tiến bộ xã hội, bảo vệ và chống ô nhiễm môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu để hướng tới phát triển bền vững.
Mục tiêu cụ thể của cơ cấu lại kinh tế là thiết lập các điều kiện nhằm đảm bảo thực hiện mục tiêu đưa Hòa Bình đạt trình độ phát triển kinh tế ở mức trung bình của cả nước với các chỉ tiêu cụ thể: Tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) bình quân 5 năm 2021-2025 tăng từ 9% trở lên; Tốc độ tăng năng suất lao động bình quân 8%/năm; đến năm 2025 đạt 140 triệu đồng/lao động; Tỷ lệ hộ nghèo bình quân giai đoạn 2021-2025 giảm 2,5-3%/năm.
Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, giảm tỷ trọng nông, lâm nghiệp và thủy sản; Đến cuối năm 2025, công nghiệp – xây dựng chiếm khoảng 54%, dịch vụ chiếm khoảng 27%, nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm khoảng 15%, thuế sản phẩm chiếm khoảng 4%; GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 100 triệu đồng; Tỷ trọng năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đóng góp vào tăng trưởng đạt 40%.
Tổng vốn đầu tư toàn xã hội trong giai đoạn 2021-2025 đạt trên 120.000 tỷ đồng (bằng khoảng 32% GRDP), bình quân hàng năm tăng 8,2%. Phấn đấu trong 5 năm thu hút được 280 dự án trong nước với tổng số vốn đăng ký đầu tư khoảng 80.000 tỷ đồng và 30 dự án FDI với tổng vốn đăng ký khoảng 1.000 triệu USD.
Nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, phấn đấu hệ số ICOR trong giai đoạn 2021-2025 đạt khoảng 4,5-5.
Nâng cao sức cạnh tranh của tỉnh thông qua tập trung cải thiện chỉ số xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) thông qua tăng bậc và cải thiện các chỉ số thành phần; phấn đấu trong giai đoạn 2021-2025 mỗi năm tăng tối thiểu 3 bậc chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh (PCI).
Đến năm 2025, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 63%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ khoảng 25%. Kinh tế số chiếm khoảng 20% GRDP.
Đề án cũng xây dựng định hướng về chất lượng tăng trưởng, cơ cấu kinh tế; định hướng cơ cấu lại kinh tế gắn với tăng trưởng các ngành; định hướng chuyển dịch cơ cấu theo vùng; cơ cấu đầu tư công và phân bổ ngân sách Nhà nước; định hướng thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp.
Các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu tập trung vào: Thống nhất về tư tưởng chỉ đạo và triển khai thực hiện; Nâng cao chất lượng lập và quản lý quy hoạch; Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp; Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, khuyến khích áp dụng khoa học công nghệ tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình cơ cấu lại kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng; Tập trung thực hiện kế hoạch đầu tư công, phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế kỹ thuật, đặc biệt là hạ tầng giao thông; Cơ cấu lại các ngành kinh tế, tập trung nâng cao năng suất và giá trị gia tăng của ngành kinh tế; Nâng cao giá trị sản xuất rừng, chăm lo đời sống người trồng, bảo vệ, phát triển rừng; Chuyển dịch cơ cấu theo vùng./.