Trước khi trở thành "bà đỡ" gà, vịt, anh Quân không có nghề nghiệp ổn định, khi đi phụ vữa, lúc thì chạy chợ kiếm tiền lo cho gia đình. Năm 2008, anh xuống huyện Phú Xuyên (Hà Nội) làm phụ vữa, công trình nằm giữa “thủ phủ” gà, vịt giống Đại Xuyên
Qua tìm hiểu, anh thấy hiện nhu cầu con giống của người chăn nuôi rất lớn và làmdịch vụ ấp con giống rất lãi. Anh bỏ phụ vữa, xin vào làm công ở các lò ấp tại Đại Xuyên để "học mót" kinh nghiệm. Hơn nửa năm, khi đã có lưng vốn kỹ thuật, kinh nghiệm, anh về quê vay ngân hàng 20 triệu đồng đầu tư mở nghề ấp gà vịt. Anh dành 10 triệu đồng mua con giống, 10 triệu đồng mua các trang thiết bị cần thiết.
Lúc đầu chưa có tiền mua máy ấp, anh nhập gà vừa nở về nuôi một thời gian rồi bán. "Đầu tiên tôi nuôi thử 500 con gà mới nở, thấy gà chóng lớn và bán có lãi, lứa sau tôi tăng lên 1.500 con, rồi 3.000 - 4.000 con/lứa. Mỗi lứa nuôi khoảng 40 - 45 ngày, trừ chi phí lãi từ 20 - 25 triệu đồng"- anh Quân cho hay.
Tuy nhiên, hồ gà không hề đơn giản, những ngày đầu anh chưa vững kỹ thuật nên gà thường mắc bệnh ỉa chảy, táo bón, mùa mắt... khiến có lứa lỗ vài chục triệu đồng. Không nản, anh học hỏi bạn bè, rồi đọc tài liệu, sách báo tìm cách chữa trị bệnh cho gà. Đến nay, chỉ cần nhìn thấy phân gà, hay dáng đi của gà, vịt là anh “bắt” ra bệnh ngay.
Năm 2010, anh Quân đầu tư 100 triệu đồng mua một máy ấp và xây lò ấp. Lò ấp này mỗi tháng cho ra khoảng 30 vạn gà, vịt con, thu về hàng chục triệu đồng. Anh Quân cho biết, mỗi con gà, quả trứng chỉ lãi 100-200 đồng, nhưng mỗi tháng riêng lò ấp anh lãi từ 15 - 20 triệu đồng.
Điều đặc biệt là, gà, vịt qua tay anh Quân ấp rất khỏe, nhanh lớn nên nhiều khách hàng ưa thích. Nhiều khi anh “cháy” hàng vì công suất lò ấp nhỏ. Anh Lê Văn Dũng - một người thường xuyên mua gà giống của anh Quân cho biết: "Gà, vịt giống của anh Quân sản xuất khỏe, ít bệnh tật, nên nuôi rất nhanh lớn. Tôi mua một lần là tín nhiệm lò này đến bây giờ”.