DetailController

Uỷ ban nhân dân Tỉnh

Đẩy mạnh thực hiện Đề án Tái canh cây ăn quả có múi tỉnh Hòa Bình

21/03/2022 00:00
Những năm qua, diện tích cây ăn quả có múi của tỉnh Hòa Bình không ngừng tăng lên. Đến nay, toàn tỉnh có trên 12 nghìn ha, trong đó diện tích kinh doanh khoảng 7.500 ha, ước sản lượng hơn 160 ngàn tấn. Trên địa bàn tỉnh đã hình thành những vùng sản xuất hàng hóa lớn, tập trung, có điều kiện thâm canh cao, có năng suất và chất lượng tốt, cho giá trị kinh tế khoảng 300 – 350 triệu đồng/ha/năm, thuộc diện cao nhất toàn quốc. Sản phẩm cây ăn quả có múi đã được xác định là 1 trong 9 loại nông sản chủ lực của tỉnh, đây cũng là một trong số ít sản phẩm nông nghiệp của tỉnh có khả năng chi phối thị trường các tỉnh phía Bắc.

Để phát triển bền vững và gia tăng chuỗi giá trị trong sản xuất cây ăn quả có múi tập trung, đồng bộ khâu tổ chức sản xuất đến thu hái, sơ chế, chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm. Tháng 9/2021 UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2078 về việc Phê duyệt Đề án tái canh cây ăn quả có múi tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030 (sau đây gọi tắt là đề án). Đến nay, một số nội dung đề án đã được triển khai thực hiện như: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã công nhận 227 cây đầu dòng của 9 giống cây có múi đang trồng phổ biến trong tỉnh. Số lượng cây đầu dòng này hàng năm có khả năng cung cấp trên 350 ngàn mắt ghép làm vật liệu nhân giống. Đã nghiệm thu bàn giao, đưa vào sử dụng hệ thống nhân giống 3 cấp theo Tiêu chuẩn quốc gia tại Trung tâm Giống cây trồng, Vật nuôi và Thủy sản của tỉnh. Hệ thống nhân giống 3 cấp này cùng với nguồn vật liệu nhân giống đã được công nhận sẽ cung ứng đủ nhu cầu về giống cây ăn quả có múi đáp ứng đầy đủ quy định pháp luật hiện hành.

Bên cạnh những vấn đề đã nêu, trong niên vụ 2021-2022 giá các mặt hàng quả có múi, đặc biệt giá cam thương phẩm đã tăng khá cao. Dự kiến sản lượng cam các tỉnh phía Bắc trong vài năm tới còn xuống thấp, đây là cơ hội cho diện tích cam đang kinh doanh của tỉnh Hòa Bình tăng thu nhập; đồng thời khuyến khích người sản xuất tái đầu tư trồng cam. Để thực hiện có hiệu quả, đảm bảo tiến độ của Đề án; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các địa phương căn cứ vào nhu cầu thực tế, xây dựng kế hoạch, bố trí kinh phí từ các nguồn để thực hiện Đề án. Khuyến khích và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực phát triển cây có múi trên địa bàn huyện. Có cơ chế hỗ trợ cho các HTX, doang nghiệp đầu tư vào lĩnh vực liên kết sản xuất gắn với sơ chế, chế biến sản phẩm phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Tiếp tục lựa chọn, đề nghị công nhận cây đầu dòng, vườn cây đầu dòng, nhất là với một số giống bưởi, cam hiện còn chưa có hay có ít nguồn vật liệu nhân giống (Bưởi Diễn, Bưởi Da xanh, Bưởi đỏ, cam V2).

Riêng đối với huyện Cao Phong, trên cơ sở quỹ đất đã thực hiện luân canh cây trồng khác để lập kế hoạch cụ thể diện tích trồng tái canh cây cam trong năm 2022 và những năm tiếp theo, từ đó có kế hoạch đặt hàng sản xuất, cung ứng cây giống đảm bảo tiêu chuẩn quốc gia. Đẩy mạnh việc hỗ trợ các hợp tác xã nâng cao năng lực tổ chức sản xuất, mở rộng thành viên tham gia. Lấy hợp tác xã và doanh nghiệp làm hạt nhân để xây dựng, phê duyệt, tổ chức thực hiện và áp dụng cơ chế chính sách hỗ trợ theo chuỗi liên kết sản xuất gắn với sơ chế, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Bố trí, cân đối kinh phí, nguồn lực để thực hiện các nội dung xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, đã được xác định là dự án ưu tiên của Đề án. Hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn (Công ty TNHH một thành viên Cao Phong, Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng và thương mại Quang Hà Điện Biên thực hiện các dự án ưu tiên của Đề án (tái canh tại vùng lõi trồng cam của huyện, xây dựng nhà máy chế biến hoa quả Cao Phong).

Phấn đấu đạt mục tiêu trong giai đoạn 2021 – 2025 thực hiện tái canh có múi trên địa bàn huyện Cao Phong với cây cam, quýt quy mô khoảng 1.500ha. Tới giai đoạn 2026-2030 mở rộng diện tích thực hiện tái canh cây ăn quả có múi đối với diện tích còn lại của huyện Cao Phong và các huyện trồng cây ăn quả có múi tập trung của tỉnh với quy mô tổng diện tích trên 4.500 ha./.