Thực tế hiện nay, cơ cấu cây trồng tiếp tục được chuyển đổi theo hướng đáp ứng nhu cầu của thị trường, định hướng chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang cây có giá trị kinh tế cao như: Bí xanh, bí đỏ, dưa hấu, dưa chuột,... Ước 6 tháng đầu năm 2021, toàn tỉnh chuyển đổi được trên 1.500 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các cây hoa màu khác. Một số cây trồng được trồng chuyển đổi chủ yếu gồm: Ngô, rau đậu các loại, mía và một số cây trồng hàng năm khác, các diện tích chuyển đổi đảm bảo thực hiện đúng nguyên tắc chuyển đổi pháp luật quy định.
Thực hiện mục tiêu nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích cho nông dân, ngoài việc nhân rộng các mô hình khuyến nông, hiện nay, tỉnh đã đầu tư xây dựng một số mô hình chuyển đổi các loại cây trồng kém hiệu quả sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao, quy mô lớn như: Mô hình trồng nhãn thu nhập trên 250 triệu đồng/ha/năm tại huyện Kim Bôi; trồng dưa chuột Nhật thu nhập trên 100 triệu đồng/ha/vụ tại huyện Kỳ Sơn, Kim Bôi; mô hình trồng lặc lày cho thu nhập trên 120 triệu đồng/ha/vụ tại huyện Yên Thủy, Kim Bôi, Lạc Sơn; mô hình trồng mía thu nhập trên 100 triệu đồng/ha/năm tại huyện Cao Phong, Kỳ Sơn. Bên cạnh đó, đã hình thành các mô hình liên kết có hiệu quả như: Mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ dưa chuột Nhật, mía nguyên liệu, cà gai leo, bí xanh, ngô ngọt, đậu rau tại huyện yên Thủy, Lạc Sơn và Kim Bôi; liên kết sản xuất hạt giống mướp đắng, bí xanh tại xã Đú Sáng - Kim Bôi; mô hình trồng rau an toàn áp dụng công nghệ cao của Công ty An Nhiên Foods tại huyện Kỳ Sơn; mô hình liên kết nhóm sản xuất rau hữu cơ tại huyện Lương Sơn,... Cùng với đó, một số địa phương đã chủ động đưa các giống chất lượng cao và gieo cấy phù hợp với điệu kiện khí hậu, thổ nhưỡng của từng vùng như: Mô hình gieo cấy giống lúa chất lượng cao J02 cho giá trị thu nhập cao tại huyện Đà Bắc và mô hình thâm canh giống lúa Bắc Hương 9 tại huyện Lạc Thủy, Lương Sơn.
Sau khi chuyển đổi đã hình thành các mô hình sản xuất mang tính hàng hóa có liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Trong đó, có mô hình phát triển bền vững vùng trồng rau được cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm, VietGAP, hữu cơ với 14 cơ sở, diện tích canh tác là 271,04 ha; mở rộng diện tích các nhóm sản xuất rau hữu cơ và nông sản sạch tại huyện Lương Sơn cung cấp cho thị trường Hà Nội. Chính nhờ vậy đã giúp giá trị thu nhập trên một đơn vị canh tác tại tỉnh tiếp tục tăng và ổn định ở mức 125 triệu đồng/ha/vụ.
Đồng thời, tỉnh đã tiếp tục đôn đốc các địa phương thực hiện công tác dồn điền đổi thửa, trong giai đoạn từ năm 2018-2020 toàn tỉnh dồn điền đồi thửa được 2.057,4 ha, bước đầu đã khắc phục được tình trạng manh mún về ruộng đất của các hộ dân.
Thời gian tới, ngành Nông nghiệp tiếp tục chỉ đạo xây dựng kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng cụ thể ở những vùng sản xuất lúa kém hiệu quả phù hợp với điều kiện đất đai, tự nhiên; hướng dẫn nông dân thực hiện việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng bảo đảm đúng theo quy định. Tăng cường tập huấn, hướng dẫn áp dụng khoa học, kỹ thuật mới để thâm canh cây trồng, vật nuôi nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất; chuyển giao các loại giống cây trồng có năng suất, chất lượng, cũng như khả năng chống chịu sâu bệnh và điều kiện bất thuận của thời tiết phục vụ chuyển đổi; vận động người dân thay đổi tư duy, phương thức sản xuất từ quy mô gia đình sang hình thức tổ hợp tác, Hợp tác xã, liên kết sản xuất để nâng cao giá trị canh tác; thu hút các doanh nghiệp, tổ chức, hộ kinh doanh đầu tư vào sản xuất nông nghiệp; xây dựng các vùng chuyển đổi gắn các khu vực du lịch sinh thái để quảng bá sản phẩm nông nghiệp; tăng cường xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong khâu bảo quản và chế biến nông sản. Đẩy mạnh thâm canh, xây dựng cánh đồng mẫu lớn tạo ra khối lượng sản phẩm lớn có giá trị kinh tế cao./.