DetailController

Nông, Lâm, Ngư Nghiệp

Đầu tư nâng cấp và xây dựng hệ thống thủy lợi phục vụ cho sản xuất nông nghiệp

04/04/2016 00:00
Những năm qua, cùng với việc thực hiện các quyết định, chương trình kiên cố hóa kênh mương, chương trình xây dựng nông thôn mới...việc thực hiện các cơ chế, chính sách về hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thủy lợi đã xây dựng, nâng cấp hệ thống thủy lợi đáng kể, đảm bảo tốt nhiệm vụ tưới tiêu, phục vụ sản xuất nông nghiệp, góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu sản xuất của ngành.
Lãnh đạo sở NN&PTNT, huyện Lương Sơn kiểm tra tình hình hồ Đồng Chanh, xã Nhuận Trạch, huyện Lương Sơn

Đối với tỉnh Hòa Bình, đặc biệt được hưởng một số cơ chế, chính sách về hỗ trợ đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi và kiên cố hóa kênh mưing như: Dự án giảm nghèo, huyện 30a, vùng 135...Bên cạnh đó việc thực hiện lồng ghép các nguồn vốn tập trung xây dựng, sửa chữa những công trình thủy lợi trọng yếu, xây mới hệ thống thủy lợi nội đồng, phát động triển khai sâu rộng chiến dịch toàn dân làm thủy lợi đã ngày càng hoàn thiện hệ thống thủy lợi, cơ bản đáp ứng cho nhu cầu tưới tiêu.

Hơn thế nữa, việc thực hiện phân cấp quản lý khai thác công trình cho Công ty và các tổ hợp tác đã phát huy được vai trò làm chủ của nhân dân, huy động được nguồn lực trong nhân dân, kịp thời tưới, tiêu phục vụ sản xuất cũng như công tác đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ. trên địa bàn tỉnh hiện có 3 mô hình tổ chức quản lý thủy nông cơ sở gồm: Mô hình công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi có chi nhánh tại 11 huyện, thành phố; mô hình HTX nông nghiệp có tham gia dịch vụ thủy lợi với 158 HTX nông nghiệp hoặc HTX điện năng có tham gia dịch vụ thủy lợi. Tới nay, có 130/853 số công trình thủy lợi do xã quản lý được xây mới, cải tạo. Từ năm 2011 - 2015 đã có 360/2.443 km kênh mương do xã quản lý được kiên cố hóa, đưa tỷ lệ kênh mương do xã quản lý lên 1.200 km, đạt 40% toàn tỉnh.

Trong 5 năm qua (2011 - 2015), từ nhiều nguồn vốn khác nhau ước khoảng gần 800 tỷ đồng, đã xây mới, sửa chữa và nâng cấp được 130 công trình thủy lợi, kiên cố hóa được 360 km kênh mương nội đồng. Nhờ đó, diện tích đất canh tác  được cung cấp nước tưới đảm bảo. Hiện diện tích đất trồng trọt được tưới tiêu trên địa bàn tỉnh là 51.000/126.000 ha diện tích trồng cây hàng năm, diện tích trồng trọt được tưới tiêu/diện tích quy hoạch tưới tiêu là 51.000/67.800 ha, đạt 75%, diện tích nuôi trồng thủy sản được cấp nước đạt tỷ lệ 10% là 783/8.241 ha.

Tuy nhiên do đặc điểm địa hình là một tỉnh miền núi, diện tích đất sản xuất nông nghiệp còn manh mún, các công trình thủy lợi dễ bị hư hỏng, nguồn vốn đầu tư còn hạn chế. Do đó hạn chế đáng kể tới công tác thủy lợi phục vụ sản xuất.

Trong 5 năm tới (2016 – 2020), ngành Nông nghiệp đặt mục tiêu tăng trưởng bình quân năm là 4,5 %, trong đó vai trò của thủy lợi là không nhỏ, đặc biệt trong điều kiện diễn biến thời tiết ngày càng bất lợi cho sản xuất khi lượng mưa ít, nắng nóng bất thường. Dự kiến tỉnh sẽ đầu tư xây mới và đảm bảo có tổng 52 trạm bơm với tổng kinh phí khoảng 198 tỷ đồng; xây mới và nâng cấp 109 hồ chứa với tổng kinh phí dự kiến 1,3 nghìn tỷ đồng; xây mới và nâng cấp 142 công trình bai dâng ước kinh phí trê n 300 tỷ đồng; xây mới và nâng cấp 1.097 km kênh mương với kinh phí trên 800 tỷ đồng. Tiếp tục thực hiện lồng ghép các chương trình, dự án nông nghiệp để huy động vốn xây dựng; kêu gọi sự đóng góp từ nhân dân, doanh nghiệp; cân đối nguồn lực tài chính, ưu tiên đầu tư trước cho những công trình trọng điểm, những xã đăng ký về đích nông thôn mới….đảm bảo hạn chế tối đa tình trạng thiếu nước sản xuất, nâng cao diện tích, nâng suất cây trồng/.