Đợt dịch Covid-19 thứ tư bùng phát vào đúng thời điểm nhiều mặt hàng nông sản trong tỉnh đang đến kỳ thu hoạch. Việc xuất khẩu, thông thương hàng hóa gặp nhiều khó khăn. Do đó, tỉnh đã khai thác tối đa thị trường tiêu thụ nội địa, trong đó, quan tâm đến thị trường nội tỉnh. Với dân số khoảng 868.480 người, trung bình mỗi tháng, toàn tỉnh tiêu thụ 7.816 tấn rau, 3.474 tấn thịt cá và 14.760 tấn gạo. Để đảm bảo chuỗi cung ứng nội tỉnh, Ngành Nông nghiệp tỉnh đã ban hành nhiều văn bản về tăng cường sản xuất, cung ứng, tiêu thụ nông sản và kiểm soát chất lượng, an toàn. Đồng thời, thành lập Tổ công tác để chỉ đạo sản xuất, kết nối cung ứng nông sản trong tình hình dịch bệnh Covid-19. Nhờ sự chủ động, ứng phó trước mọi tình huống, đến nay, nguồn cung ứng thực phẩm không bị gián đoạn, vừa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của Nhân dân, vừa giảm áp lực cho cơ sở sản xuất.
Bên cạnh thị trường nội tỉnh, Ngành Nông nghiệp tăng cường kết nối với các doanh nghiệp, thương lái để duy trì, mở rộng thị trường tiêu thụ ngoại tỉnh. Ngành khẩn trương rà soát, cung cấp thông tin các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh có khả năng cung cấp thực phẩm cho Hà Nội và hỗ trợ đăng ký cấp giấy nhận diện phương tiện ưu tiên hoạt động trên luồng xanh. Mặc dù giá các mặt hàng có phần giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2020, song nông sản của tỉnh vẫn tiêu thụ ổn định tại các thị trường truyền thống, như: Hà Nội, Hà Nam, Bắc Ninh, Bắc Giang... Ngoài ra, cơ quan chức năng và cơ sở sản xuất, kinh doanh đang tích cực phối hợp trong việc đưa sản phẩm nông sản lên sàn giao dịch điện tử, nền tảng mạng xã hội để quảng bá, giới thiệu sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ. Tỉnh đặt mục tiêu, sẽ tiêu thụ được 25-35% sản lượng cây ăn quả có múi qua hình thức bán hàng online, 80% sản lượng thủy sản và rau các loại được tiêu thụ qua hệ thống siêu thị, nhà hàng, bếp ăn tập thể.
Cùng với việc triển khai các biện pháp đảm bảo cung ứng hàng hóa, ngành Nông nghiệp tỉnh đang tập trung chỉ đạo tổ chức sản xuất để đạt được những mục tiêu tăng trưởng của năm. Trong 6 tháng đầu năm, sản xuất nông nghiệp của tỉnh tăng trưởng vượt cùng kỳ năm 2020 là 3,57%. Trong đó, diện tích cây lương thực có hạt đạt khoảng 37,51 nghìn ha; rau các loại là 14 nghìn ha; cây ăn quả có múi là 10,8 nghìn ha. Tổng số đàn gia súc trên địa bàn là 8.602 nghìn con và 7.891 triệu con gia cầm. Công tác tái đàn thực hiện đúng theo khuyến cáo của cơ quan chức năng, có khả năng tăng 0,5% so với cùng kỳ năm 2020. Toàn tỉnh hiện có 2,7 nghìn ha mặt nước ao hồ nuôi trồng thủy sản, 4,7 nghìn lồng nuôi cá trên lòng hồ Hòa Bình và có hơn 33 hợp tác xã nuôi trồng thủy sản. 6 tháng cuối năm, các ngành chức năng tăng cường giám sát, quản lý vùng nuôi đảm bảo không có dịch bệnh nghiêm trọng xảy ra gây ảnh hưởng đến tình hình nuôi trồng thủy sản và sản lượng thu hoạch.
Công tác quản lý về an toàn thực phẩm được thực hiện định kỳ và đột xuất. Từ đầu năm đến nay, Đoàn kiểm tra liên ngành đã thực hiện kiểm tra 5 Ban Chỉ đạo an toàn thực phẩm tuyến huyện/xã; 17 cơ sở sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản, dịch vụ ăn uống và bếp ăn tập thể. Kết quả 17/17 cơ sở chấp hành tốt các quy định của pháp luật. Tổ chức lấy 119 mẫu nông lâm thủy sản để giám sát về an toàn thực phẩm. Kết quả cho thấy 95/119 mẫu an toàn với chỉ tiêu phân tích, 24 mẫu đang chờ kết quả. Tiến hành xử phạt hành chính 3 cơ sở sản xuất kinh doanh do vi phạm về an toàn thực phẩm với tổng số tiền là 15 triệu đồng.
Nhìn chung, tình hình sản xuất nông nghiệp của tỉnh tương đối ổn định. Tuy nhiên lượng nông sản cần tiêu thụ là tương đối lớn. Do đó, trong những tháng cuối năm, các địa phương phải thường xuyên phối hợp, trao đổi thông tin với Tổ công tác của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhất là thông tin về tình hình sản xuất, quy mô, sản lượng, thời vụ thu hoạch rộ của các sản phẩm nông sản chủ lực và đặc sản tại địa phương để kịp thời có kế hoạch tiêu thụ nông sản cho bà con nông dân. Tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các xe vận chuyển nông sản, các tiểu thương, doanh nghiệp đến thu mua nông sản đi qua các chốt kiểm soát Covid theo quy định. Đồng thời, hỗ trợ trong phạm vi có thể về vật tư nông nghiệp cho các hộ sản xuất, các hợp tác xã để đẩy mạnh sản xuất, đảm bảo cung cấp nguồn thực phẩm tại địa phương khi phải giãn cách xã hội./.