DetailController

Đoàn đại biểu quốc hội

Khảo sát tình hình thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội tại Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh

28/12/2023 16:30
Chiều 27/12, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh gồm các đồng chí: Đặng Bích Ngọc, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn Đại biểu Quốc tỉnh; Hoàng Đức Chính, Bí thư Huyện ủy Lạc Sơn; Nguyễn Cao Sơn, Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh đã khảo sát tình hình thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2023 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế xã hội tại Ngân hành chính sách xã hội tỉnh Hòa Bình. Cùng tham gia đoàn có đồng chí Nguyễn Thị Cẩm Phương, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh; lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; các sở, ngành liên quan; đại diện Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh; các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh.
Đồng chí Đặng Bích Ngọc, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh phát biểu tại buổi khảo sát

Sau 2 năm triển khai thực hiện, các chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội và chính sách tín dụng ưu đãi theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ đã thực sự đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả và nhận được sự hưởng ứng của người dân, doanh nghiệp. Thông qua các chính sách do NHCSXH thực hiện đã giúp cho 15 cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập vay vốn sửa chữa cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế phòng chống dịch Covid-19, mua sắm thiết bị nuôi dưỡng, chăm sóc giáo dục để phục hồi, duy trì hoạt động; tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm trên 7.100 lao động; mua 1.087 máy tính sách tay cho Học sinh, sinh viên học tập trực tuyến; mua 257 căn hộ nhà ở xã hội và xây dựng, sửa chữa, nâng cấp 182 căn hộ nhà để ở cho cán bộ, công chức, viên chức, công an, quân đội, ... và 464 hộ chuyển đổi nghề, 52 hộ làm nhà ở; hỗ trợ lãi suất cho 54.384 khách hàng, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19, ổn định đời sống, phục hồi sản xuất, kinh doanh, góp phần thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội hằng năm và 5 năm 2021-2025 trên địa bàn tỉnh

Đồng chí Nguyễn Thị Cẩm Phương, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh đánh giá kết quả triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ trên địa bàn tỉnh

Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo NHCSXH đã kiến nghị một số nội dung với đoàn khảo sát: Xem xét việc kéo dài chính sách tài khóa, tiền tệ đối với Chương trình cho vay Hỗ trợ tạo việc làm, duy trì, mở rộng việc làm và chương trình cho vay đề mua, thuê mua nhà ở xã; xây mới hoặc sửa chữa, nâng cấp nhà để ở. Đề nghị mở rộng chương trình cho vay để phát triển sản xuất, kinh doanh đối với hộ gia đình có mức sống trung bình theo quy định của Chính phủ trong từng thời kỳ; đề nghị nâng mức cho vay chương trình Nước sạch & vệ sinh môi trường nông thôn; nâng thời hạn cho vay chương trình hộ mới thoát nghèo, phù hợp với từng đối tượng đầu tư và chu kỳ sản xuất, kinh doanh, chăn nuôi, trồng trọt. Quan tâm, xem xét cân đối nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua chi nhánh NHCSXH tỉnh theo mục tiêu Chiến lược phát triển NHCSXH đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 05/QĐ-TTCP ngày 04/01/2023. Đề nghị Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc các cấp tăng cường công tác giám sát việc triển khai thực hiện các chính sách tín dụng xã hội; tăng cường chỉ đạo tổ chức hội các cấp thực hiện tốt các nội dung công việc nhận ủy thác; kiểm tra, giám sát tổ chức hội cấp dưới, Tổ TK&VV, chú trọng nâng cao chất lượng, kỹ năng kiểm tra giám sát, quản lý vốn vay...

Phát biểu kết luận buổi khảo sát, đồng chí Đặng Bích Ngọc, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh ghi nhận và đánh giá cao kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết 43/2022/QH15 của NHCSXH tỉnh Hòa Bình. Các chương trình, chính sách tín dụng đã đến được với các đối tượng thủ hưởng, đem lại hiệu quả kinh tế, xã hội thiết thực, góp phần đảm bảo an sinh xã hội. Thời gian tới, NHCSXH cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chính sách hỗ trợ đến các hộ nghèo, hộ cận nghèo. Nâng cao chất lượng tín dụng, chất lượng phục vụ của hệ thống ngân hàng. Tăng cường kiểm tra các nguồn vốn vay nhằm phát huy hiệu quả nguồn lực. Rà soát đối tượng để đảm bảo các đối tượng được tiếp cận vốn vay. Đối với các kiến nghị, đề xuất, Đoàn tổng hợp báo cáo Quốc hội và các cấp có thẩm quyền nghiên cứu, giải quyết theo quy định./.