DetailController

Văn hóa

Những kết quả nổi bật trong thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam

21/05/2024 15:20
Thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI về xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; những năm qua, các cấp ủy, chính quyền đã nghiêm túc quán triệt, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và Nhân dân về xây dựng văn hóa con người Hòa Bình. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý Nhà nước, kiểm tra các hoạt động văn hóa, dịch vụ văn hóa, gắn với Cuộc vận động xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.
Nghị quyết số số 33-NQ/TW đã góp phần khơi dậy, giữ gìn và phát huy những giá trị văn hoá, đạo lý truyền thống của dân tộc trên địa bàn tỉnh.

Để thực hiện hiệu quả Nghị quyết, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Chương trình hành động số 27-CTr/TU, ngày 03/10/2014 về xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Trên cơ sở đó, 100% các cấp ủy, tổ chức đảng đã xây dựng kế hoạch nghiên cứu, quán triệt và triển khai phù hợp, sát với thực tế của địa phương. Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động, đồng thời chú trọng chỉ đạo gắn thực hiện các nội dung của Nghị quyết số 33-NQ/TW với thực hiện các Nghị quyết, Chỉ thị, Kết luận của Trung ương, của tỉnh về văn hoá, thể thao, du lịch…

Với sự vào cuộc cả cả hệ thống chính trị, đến nay, các cấp ủy đảng đã thực hiện khá tốt công tác tuyên truyền, giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; nâng cao nhận thức, ý thức cảnh giác, năng lực nhận biết cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân về chủ nghĩa yêu nước, đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ. Qua đó, góp phần giáo dục ý chí tự lực,tự cường, tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý thức tu dưỡng rèn luyện đạo đức,lối sống,tuân thủ Pháp luật, am hiểu lịch sử, văn hoá địa phương, dân tộc của mỗi công dân.

Các địa phương chú trọng sưu tầm, bảo tồn, phát huy các loại hình nghệ thuật dân gian các dân tộc. Hằng năm, tổ chức nhiều liên hoan, hội thi, hội diễn, giao lưu văn nghệ quần chúng, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ và sinh hoạt văn hoá của các tầng lớp Nhân dân. Hoạt động văn học, nghệ thuật được triển khai thực hiện với nhiều hình thức tạo điều kiện cho đội ngũ văn nghệ sĩ phát huy tinh thần sáng tạo, tích cực trong các hoạt động sáng tác và có nhiều tác phẩm chất lượng, đạt một số giải thưởng cao trong nước và khu vực. Từ đó đã góp phần tích cực vào công tác quảng bá, giới thiệu về vùng đất, con người Hòa Bình với bạn bè trong và ngoài nước; góp phần nâng cao chất lượng đời sống tinh thần của người dân.

Nhằm nâng cao thể lực, tầm vóc con người gắn giáo dục thể chất với giáo dục tri thức, đạo đức, kỹ năng sống, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, các cấp, các ngành, địa phương đã quan tâm phát triển rộng khắp phong trào thể dục, thể thao trong nhà trường, cơ quan, đơn vị, khu dân cư. Tỷ lệ người luyện tập thể dục thể thao thường xuyên tăng từ 27% năm 2014 lên 36,2% năm 2023; tỷ lệ gia đình luyện tập thể dục, thể thao tăng từ 21,6% năm 2014 lên 27% năm 2023.

Công tác xây dựng gia đình văn hoá, giữ gìn và phát huy những đạo lý tốt đẹp của gia đình truyền thống Việt Nam, xây dựng mối quan hệ giữa nhà trường, gia đình và xã hội được coi trọng; gắn chặt với việc khuyến khích, tôn vinh các gia đình, dòng họ hiếu học, ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu chăm ngoan, chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, quy ước, hương ước xóm, bản. Có thể nói, việc phát triển tầm vóc, thể lực con người gắn với giáo dục thể chất, giáo dục tri thức, kỹ năng trong các cấp, các ngành và trong Nhân dân trên địa bàn tỉnh. Từ đó đã xây dựng hệ giá trị văn hoá, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới.

Cùng với việc xây dựng và đào tạo con người, vấn đề xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh được các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương quan tâm, coi đó là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài. Những năm qua, Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” đã huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia; phát huy tinh thần tương thân, tương ái, đoàn kết giúp nhau cùng tiến bộ trong mỗi xóm, làng, khu dân cư, mỗi gia đình. Năm 2014, toàn tỉnh có 155.184/202.777 hộ gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hoá”, đạt 76,5%; đến năm 2023, toàn tỉnh có 191.833/217.236 hộ gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hoá”, đạt 88,3%. Cùng với đó, Phong trào xây dựng “Làng, bản, tổ dân phố văn hoá”, Phong trào xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hoá phát triển mạnh mẽ, sâu rộng. Từ đó đẩy lùi tư duy lạc hậu, thói hư, tật xấu; khơi dây và phát huy tinh thần sáng tạo, từng bước thực hiện nội dung thi đua yêu nước.

Công tác “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, từ thiện, nhân đạo luôn được quan tâm đặc biệt. Chương trình chăm sóc người có công được triển khai với nhiều hình thức để huy động các nguồn lực của xã hội chăm lo cải thiện nhà ở cho các đối tượng chính sách; xây dựng “Quỹ đền ơn đáp nghĩa”, tặng sổ tiết kiệm; hỗ trợ cải thiện đời sống người có công với cách mạng,... Nhiều hoạt động từ thiện nhân đạo được tổ chức như: Xây dựng quỹ vì người nghèo, ủng hộ đồng bào lũ lụt, ủng hộ nạn nhân chất độc màu da cam, trẻ mồ côi, tàn tật,...

Xây dựng văn hoá trong kinh tế được các cấp, các ngành đẩy mạnh thực hiện. Nhất là việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách hành chính, tạo lập môi trường văn hoá pháp lý, thị trường sản phẩm văn hoá minh bạch, tiến bộ, hiện đại để doanh nhân, doanh nghiệp đầu tư phát triển kinh tế, phát triển văn hoá trên địa bàn tỉnh. Xây dựng văn hoá doanh nghiệp, văn hoá doanh nhân trên cơ sở ý thức tôn trọng pháp luật, giữ chữ tín, cạnh tranh lành mạnh, vì sự phát triển bền vững, kinh doanh có hiệu quả. Lãnh đạo địa phương thường xuyên tham gia các hội nghị đối thoại với doanh nghiệp để lắng nghe ý kiến phản hồi của doanh nghiệp, kịp thời xử lý khó khăn, vướng mắc trong quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Bên cạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh, các doanh nghiệp, doanh nhân trên địa bàn tỉnh cơ bản thực hiện tốt các nghĩa vụ đóng góp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc; tích cực tham gia các hoạt động xã hội hoá trong các lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch và các hoạt động từ thiện.

Các hoạt động hợp tác quốc tế về lĩnh vực văn hoá, thể thao và du lịch được tăng cường. Trong đó, lĩnh vực du lịch có nhiều khởi sắc. Cụ thể, năm 2014, tổng số lượt khách du lịch đến Hòa Bình đạt 2.104.207 lượt (khách quốc tế 185.361 lượt) tăng 14,5% so với năm 2013, thu nhập từ du lịch  khoảng 749 tỷ đồng; năm 2023, đón 3,8 triệu lượt khách du lịch (khách quốc tế: 450.000 lượt); tổng thu từ khách du lịch đạt 4.000 tỷ đồng. Nhiều tác phẩm xuất sắc trên các lĩnh vực truyền hình, nhiếp ảnh, âm nhạc, nghệ thuật của các phóng viên, văn nghệ sĩ trên địa bàn tỉnh đạt giải cao trong các cuộc thi, liên hoan của khu vực và trong nước đã góp phần tuyên truyền, quảng bá hình ảnh con người, nét văn hoá đặc sắc của các dân tộc tỉnh Hòa Bình với bạn bè trong và ngoài nước; tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp thu tinh hoa văn hoá các nước, làm phong phú, đa dạng những giá trị văn hoá truyền thống, đậm đà bản sắc dân tộc; khắc phục những ảnh hưởng tiêu cực, mặt trái của quá trình toàn cầu hoá trong xây dựng và phát triển văn hoá, con người.

Thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 33-NQ/TW đã góp phần quan trong vào việc khơi dậy, giữ gìn và phát huy những giá trị văn hoá, đạo lý truyền thống của dân tộc, địa phương. Từ đó, hình thành phong trào xây dựng văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước./.