DetailController

Văn hóa

Thực hiện Đề án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mường và nền Văn hóa Hòa Bình giai đoạn 2023 - 2030” trong hệ thống Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Hòa Bình

15/07/2024 16:56
Ngày 11/7/2024, Tỉnh đoàn Hòa Bình ban hành Kế hoạch số 147-KH/TĐTN-XDĐ về Thực hiện Đề án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mường và nền Văn hóa Hòa Bình giai đoạn 2023 - 2030” trong hệ thống Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Hòa Bình.

Với mục đích: Triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc tháng 11/2021; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hòa Bình lần thứ XVII; Nghị quyết số 04-NQ-TU, ngày 11/10/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc Hòa Bình giai đoạn 20212025, định hướng đến năm 2030; Quyết định số 2742/QĐ-UBND, ngày 24/11/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình về việc ban hành Đề án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mường và nền Văn hóa Hòa Bình giai đoạn 2023 - 2030” trên địa bàn tỉnh Hoà Bình. Thể hiện tinh thần, trách nhiệm của tổ chức Đoàn trong bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa đặc sắc của dân tộc Mường và nền “Văn hóa Hòa Bình” trên địa bàn tỉnh. Phát huy vai trò của thanh niên trong duy trì tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch, các giá trị truyền thống của dân tộc Mường và nền “Văn hóa Hòa Bình”. Đồng thơi, tăng cường việc ứng dụng các giải pháp sáng tạo của đoàn viên, thanh niên trong quảng bá các di sản văn hoá của dân tộc Mường và nền “Văn hóa Hòa Bình”. Tuyên truyền, giáo dục lịch sử, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Mường, nâng cao nhận thức của cán bộ, đoàn viên, thanh niên và Nhân dân tham gia bảo tồn và phát huy những di sản văn hoá của dân tộc Mường và nền “Văn hóa Hòa Bình”. Đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu về giá trị di sản văn hóa dân tộc Mường và nền “Văn hóa Hòa Bình”.

Nội dung thực hiện gồm: Tăng cường vai trò của các cấp bộ Đoàn của tỉnh trong công tác phối hợp bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc Mường và nền “Văn hóa Hòa Bình”. Tăng cường tuyên truyền cán bộ, ĐVTN thực hiện nghiêm các quy định của Luật Di sản văn hóa trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc Mường và nền “Văn hóa Hòa Bình”.  Chủ động phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội tham gia giám sát, phản biện cơ chế chính sách về bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc Mường và nền “Văn hóa Hòa Bình”.

Đẩy mạnh tuyên truyền cho cán bộ, ĐVTN và Nhân dân về không gian Văn hóa dân tộc Mường như: Không gian văn hóa dân tộc Mường, khu vực sân khấu trình diễn văn hóa Mường, ẩm thực của người Mường, khu vực tổ chức lễ hội Khai Hạ, khu vực làng người Mường cổ, các địa điểm du lịch, khu nghỉ dưỡng gắn với khu Bảo tồn không gian Văn hóa dân tộc Mường tại huyện Tân Lạc và các địa điểm liên quan khác. Khuyến khích sưu tầm các di sản văn hóa có giá trị về lịch sử, khoa học, nghệ thuật, thẩm mỹ của dân tộc Mường để giới thiệu, quảng bá. Phát huy các lễ hội truyền thống đặc sắc, trang phục truyền thống, nhà sàn truyền thống, hát dân ca, nghệ thuật chiêng Mường, Mo Mường và phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc Mường Hòa Bình.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc. Tăng cường phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về di sản văn hóa dân tộc Mường Hòa Bình và nền “Văn hóa Hòa Bình” bằng các hình thức phù hợp. 

Phối hợp tuyên truyền, vận động cán bộ, đoàn viên, thanh niên và Nhân dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tự ý thức để giữ gìn, phát triển, bảo tồn văn hoá của dân tộc mình, cùng với việc khắc phục tình trạng đói nghèo, lạc hậu, hoà nhập được với các dân tộc khác ở trong vùng, góp phần thực hiện các nội dung về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc và Đề án bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc Mường và nền “Văn hóa Hòa Bình”.

Đẩy mạnh quảng bá, tuyên truyền địa điểm di tích “Văn hóa Hòa Bình” được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng cấp quốc gia, trên địa bàn tỉnh gồm: Hang Tằm, Hang Chổ (huyện Lương Sơn); Hang Muối, Hang Bưng (huyện Tân Lạc); Hang Khoài, Hang Láng (huyện Mai Châu); Hang Xóm Trại, Mái đá Làng Vành (huyện Lạc Sơn); Động Tiên, Hang Đồng Thớt (huyện Lạc Thủy).

Đẩy mạnh tuyên truyền, bảo tồn, phát huy ẩm thực của người Mường: Người Mường sống trong môi trường sinh thái đa dạng, phong phú, dồi dào sản vật, động vật, thực vật, nguồn nước nhiều, đất đai màu mỡ thuận lợi cho trồng trọt và chăn nuôi. Trong sinh hoạt ẩm thực của người Mường có nhiều món ăn, đồ uống ngon, rất độc đáo và hấp dẫn, vẫn còn được lưu giữ đến ngày nay, trở thành “biểu tượng” của người Mường thể hiện trong câu tục ngữ: “Cơm đồ, nhà gác, nước vác, lợn thui …”.

Tuyên truyền bảo tồn, phát huy nghệ thuật trình diễn của người Mường Hòa Bình: Người Mường ở Hòa Bình có 29 loại hình nghệ thuật trình diễn tiêu biểu như: Trống đồng, hát Thường rang, Bộ mẹng, hát ví, hát đúm giao duyên, diễn xướng Mo mường, Hát “Khu”, Chiêng, Trống da, Kèn, Sáo ôi, Sáo trúc, Kò ke, đàn tam, đàn bầu, sập xẹ, chuông, múa chằm đuống, diễn xướng múa, hát trong nghi lễ Mỡi, múa quạt ma, múa sênh tiền, múa kiếm, múa gậy, múa mặt nạ, múa đập nàng khọt, múa cờ, múa bông,… 

Tuyên truyền bảo tồn, giá trị tri thức dân gian của người Mường Hòa Bình: Trong kho tàng tri thức dân gian của đồng bào dân tộc Mường tiêu biểu có thể kể đến như: đắp các đập, bai dâng nước và làm guồng quay bằng sức nước để dẫn nước vào ruộng lúa; lịch Đoi (lịch tre) phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và đời sống hàng ngày; các bài thuốc quý để chữa và chăm sóc người bệnh,... 

Tuyên truyền bảo tồn, phát huy nghề thủ công truyền thống của người Mường Hòa Bình: Để phục vụ đời sống và sinh hoạt hàng ngày người Mường đã sáng tạo và phát triển các nghề thủ công tạo ra những sản phẩm tiện dụng và độc đáo mang bản sắc riêng. Tiêu biểu là các nghề: dệt, nghề mộc, đan lát các đồ gia dụng… Trong đó độc đáo là nghề dệt thổ cẩm gắn liền với vai trò người phụ nữ trong đời sống. Từ nghề dệt thổ cẩm thủ công truyền thống, người Mường đã tạo ra những sản phẩm truyền thống như cạp váy, mặt phà, gối nệm,…phục vụ nhu cầu của cuộc sống.

Tuyên truyền, bảo tồn, phát huy tiếng nói, chữ viết người Mường: Khuyến khích cán bộ, ĐVTN và Nhân dân giao tiếp tiếng nói dân tộc Mường trong công tác, đời sống hàng ngày và sử dụng Bộ chữ Mường theo Quyết định số 2295/QĐ-UBND, ngày 08/9/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh về phê chuẩn Bộ chữ dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình. 

Tuyên truyền, bảo tồn, phát huy trò chơi dân gian của người Mường Hòa Bình như: kéo co, đẩy gậy, bắn nỏ, ném còn, vật, đi kà kheo, đánh mảng... Tuyên truyền, bảo tồn, phát huy dân ca, dân vũ, dân nhạc của người Mường Hòa Bình.

Tuyên truyền, bảo tồn các Lễ hội truyền thống dân tộc Mường Hòa Bình: Lễ hội dân gian dân tộc Mường Hoà Bình được hình thành và gắn kết với tín ngưỡng dân gian của người Mường. Dân tộc Mường ở Hoà Bình không có những lễ hội quy mô lớn, nhưng lại lưu giữ được nhiều lễ hội dân gian chứa đựng những giá trị văn hoá độc đáo. Tập trung đẩy mạnh tuyên truyền các Lễ hội dân gian của người Mường được khôi phục tổ chức như: Lễ hội Chùa Tiên, Lễ hội khai hạ Mường Bi, Lễ hội Mường Thàng, Lễ hội Mường Động, Lễ hội Đền Bờ, Lễ hội Đình Khênh, Lễ hội Đình Khói, Lễ hội Đình Cổi,… góp phần bảo tồn và phát huy giá trị những di sản văn hóa của người Mường./.