Việc triển khai Dự án CSDLQG về dân cư trên địa bàn tỉnh được bắt đầu thực hiện từ năm 2017 đến ngày 15/7/2020, 10/10 huyện, thành phố trong toàn tỉnh đã cơ bản hoàn thành việc triển khai thực hiện việc kiểm tra, phúc tra tính chính xác thông tin dân cư được thu thập. Trong quá trình thu thập thông tin gặp rất nhiều khó khăn như: Do đặc thù là tỉnh miền núi, lại vừa thực hiện xong Đề án sáp nhập thôn xóm và hoàn thành việc sắp xếp địa giới hành chính theo Nghị quyết 830/NQ-UBTVQH14. Do vậy, quá trình thực hiện Dự án CSDLQG về dân cư trên địa bàn tỉnh gặp rất nhiều khó khăn. Khi thông tin về nơi cư trú của công dân phải thay đổi do việc sáp nhập, chia tách, thành lập mới các đơn vị hành chính. Đặc biệt, các địa bàn, khu vực vùng sâu, vùng xa dân cư thưa thớt, điều kiện về hạ tầng giao thông còn hạn chế nên việc đi lại rất khó khăn. Mặt khác, do đặc thù về tập quán sinh sống cũng như tập quán canh tác một bộ phận không nhỏ người dân ở vùng sâu, vùng xa thường ở tách biệt và làm nương rẫy ở những khu vực xa khu dân cư nên khi triển khai việc thu thập dữ liệu, cán bộ phải đi lại, tiếp cận nhiều lần. Thêm một khó khăn nữa là nhiều người dân đăng ký thường trú ở địa phương này nhưng thực tế lại đang cư trú tại địa phương khác cũng đã gây ra rất nhiều khó khăn cho cán bộ thực hiện việc thu thập cơ sở dữ liệu. Công tác phổi hợp trao đổi thông tin giữa các đơn vị Công an và phối hợp giữa Công an các cấp với các cơ quan, ban ngành, nhất là cơ quan Tư pháp trong quản lý thông tin của công dân còn hạn chế. Trình độ, nhận thức của công dân không đồng đều, một số ít chưa nắm rõ chủ trương, quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm và tầm quan trọng trong việc cung cấp thông tin phục vụ CSDLQG về dân cư.
Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án thì cùng với việc triển khai việc tập huấn nghiêm túc, hiệu quả quy trình thu thập cập nhật, chỉnh sửa và kiểm tra, phúc tra phiếu thu thập thông tin công dân và đẩy mạnh công tác tuyên truyền triển khai Dự án CSDLQG về dân cư cho người dân, Giám đốc Công an tỉnh đã ban hành Mệnh lệnh triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách trong triển khai Dự án CSDLQG về dân cư trên địa bàn tỉnh. Theo Mệnh lệnh của Giám đốc Công an tỉnh, 10/10 Công an huyện, thành phố trong toàn tỉnh đã đồng loạt ra quân tập trung lực lượng tiến hành rà soát, đánh giá thu thập, bổ sung, cập nhật thông tin dân cư. Cùng với đó, lực lượng Công an các xã, phường, thị trấn đã thực hiện tốt vai trò tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương cũng như phối kết hợp chặt chẽ với các ngành, huy động tối đa nguồn nhân lực, phương tiện tại chỗ để thực hiện công tác thu thập, phúc tra thông tin công dân.
Theo thống kê tính đến ngày 30/7/2020, toàn tỉnh đã có 100% số nhân khẩu được thu thập thông tin. Trong đó, có nhiều địa phương có tỷ lệ thu thập thông tin nhân khẩu đạt trên 90% như Lạc Thủy, Kim Bôi, thành phố Hòa Bình, Tân Lạc, Cao Phong, Mai Châu... Các huyện còn lại cũng đã đạt tỷ lệ từ 80% trở lên.
Việc triển khai Dự án CSDLQG về dân cư có ý nghĩa quan trọng trong công tác quản lý dân cư hiện nay. Đây được xem là nền tảng để xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới nền kinh tế số... Hiện nay, chúng ta đang quản lý dân cư mang tính đơn lẻ, theo dõi riêng biệt từng ngành, lĩnh vực. Theo đó, để phục vụ công tác quản lý nhà nước của ngành, lĩnh vực, các cơ quan quản lý nhà nước đều cấp cho công dân một số loại giấy tờ. Do vậy, nên mỗi công dân có thể sở hữu nhiều loại giấy tờ khác nhau như giấy khai sinh, CMND, sổ hộ khẩu, giấy đăng ký kết hôn, thẻ BHYT, hộ chiếu, GPLX, các loại thẻ, chứng chỉ... Điều này đã dẫn đến tình trạng không thống nhất về thông tin cơ bản của một công dân trong các cơ sở dữ liệu. Từ việc quản lý đơn lẻ nên khi thực hiện TTHC người dân phải mất thời gian đi sao, chứng thực các giấy tờ để chứng minh nhân thân, trong khi những loại giấy tờ liên quan đều sử dụng chung thông tin giống nhau. Do vậy, việc xây dựng CSDLQG về dân cư có vai trò hết sức quan trọng. Thông qua việc thu thập, cập nhật các thông tin cơ bản của công dân sẽ tạo lập nên một hệ cơ sở dữ liệu về dân cư tập trung, thống nhất trên toàn quốc, cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời thông tin về dân cư phục vụ công tác quản lý nhà nước, hoạch định các chính sách phát triển KTXH, đảm bảo an sinh xã hội. Đây cũng chính là căn cứ quan trọng để các cơ quan quản lý nhà nước nghiên cứu, đề xuất lộ trình đơn giản hóa TTHC, khắc phục tình trạng một người dân phải sử dụng quá nhiều giấy tờ cá nhân nhưng lại không đem lại hiệu quả trong công tác giải quyết TTHC./.