DetailController

Đoàn đại biểu quốc hội

Ý kiến thảo luận về Dự án Luật mặt trận tổ quốc Việt Nam (sửa đổi) và Luật Bầu cử đại biểu quốc hội và đại biểu HĐND của đại biểu Nguyễn Tiến Sinh đoàn Hòa Bình

06/11/2014 00:00
Chiều ngày 05/11, Quốc hội thảo luận tại tổ vào Dự thảo Luật Mặt trận tổ quốc Việt Nam (sửa đổi); Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân. Góp ý vào 02 Dự thảo luận trên, đại biểu Nguyễn Tiến Sinh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình cho rằng, đối với Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, cần phải nói địa vị pháp lý của Ủy ban bầu cử, đây là chế định độc lập được hiến định, tuy nhiên địa vị pháp lý hiện nay chưa rõ ràng, chẳng khác gì các ủy ban bầu cử như trước đây do Quốc hội thành lập, thực hiện giúp việc cho Quốc hội trong việc bầu cử Quốc hội và hướng dẫn bầu cử HĐND các cấp, làm các việc sự vụ hành chính mà thôi, trong khi đó, địa vị pháp lý của Ủy ban bầu cử được hiến định quy định, vậy nó có thẩm quyền gì trong việc phán quyết, ban hành chính sách.
ĐB Nguyễn Tiến Sinh, đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình phát biểu tại hội trường

 Về giải quyết khiếu nại, tố cáo trong bầu cử, hiện nay quy định vẫn mang dáng dấp hành chính, quyền bầu cử, ứng cử là quyền thiêng liêng được quy định trong Hiến pháp, chỉ có Tòa án mới có thể nhân danh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có quyền hạn chế hoặc tước đi quyền bầu cử, ứng cử của mỗi công dân. Do đó, cơ chế giải quyết khiếu nại, tố cáo trong Dự thảo Luật thực hiện theo hình thức hành chính là chưa phù hợp với Hiến pháp. Như vậy, sẽ làm cho người được bầu cử không thực hiện được quyền lợi của mình, trong điều kiện đất nước đang thực hiện cơ chế dân chủ. Sẽ có nhiều khiếu nại, tố cáo liên quan đến hành vi gian lận trong công tác bầu cử thì người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo lại do chính Ủy ban bầu cử giải quyết là chưa thỏa đáng, không khách quan. Tôi đề nghị cần xây dựng thiết chế cho Tòa án tham gia phán quyết giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Về vai trò của địa phương đối với các ứng cử viên do Trung ương giới thiệu về ứng cử. Thực tế trong thời gian qua, các địa phương rất bị động trong việc giới thiệu đại biểu về địa phương ứng cử, đề nghị Dự thảo luật cần quy định cụ thể trong quá trình hiệp thương cần phải có ý kiến của địa phương.

Việc thực hiện quyền vận động bầu cử, trong Dự thảo Luật quy định các hành vi bị cấm, đề nghị làm rõ hành vi sử dụng vật chất để lôi kép, dụ dỗ cử tri, đề nghị Dự thảo Luật cần có quy định từ khi được công bố làm ứng cử viên vào bầu đại biểu Quốc hội, các vị ứng cử viên sẽ không được tham gia bất kỳ chương trình từ thiện nào. Theo tôi, những quy định trong Dự thảo là chưa đủ thuyết phục, nhằm đảm bảo sự cạnh tranh lành mạnh trong bầu cử.

Hình thức vận động bầu cử quy định trong Luật là còn cứng, chỉ có 02 hình thức đó là thông qua Mặt trận tổ quốc và qua phương tiện thông tin đại chúng. Tôi đề nghị Dự thảo Luật cần mở rộng các hình thức vận động bầu cử, nên quy định mở, để mọi người có thể sử dụng hết kỹ năng của mình tham gia vận động bầu cử. Chỉ cần quy định trong Luật nội dung là không được vi phạm pháp luật, không được thực hiện các hành vi cấm và phải đăng ký trước khi thực hiện vận động bầu cử.  

Đóng góp vào Dự thảo Luật mặt trận tổ quốc Việt Nam (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Tiến Sinh cho rằng, về hoạt động giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận tổ quốc, đây là quy định thể hiện tính dân chủ, minh bạch trong quản lý, tuy nhiên cần làm rõ việc quy định như vậy có đối lập không? Đề nghị Dự thảo Luật cần làm rõ nội dung này. Về phạm vi phải giám sát, phản biện xã hội, đề nghị Dự thảo Luật nên thu hẹp đối tượng phải giám sát, phản biện xã hội. Nếu quy định đối tượng rộng như Dự thảo Luật hiện nay sẽ rất khó thực hiện, hiệu quả chất lượng không cao. Tôi đề nghị thu hẹp đối tượng tham gia giám sát và phản biện xã hội./.