Theo ĐBQH NGuyễn Thị Phú Hà, nội dung dự thảo Luật chưa tháo gỡ được khó khăn, vướng mắc hiện nay. Do vậy, đại biểu mong muốn, những nội dung nào chưa phù hợp thì nên sửa đổi phù hợp hơn. Ngoài ra, dự thảo Luật chưa xử lý được các vấn đề vướng mắc tại Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp hiện hành và nhiều vấn đề phát sinh, cần tháo gỡ liên quan đến đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và chưa thực hiện đầy đủ chủ trương chính sách của Đảng liên quan đến đổi mới phát triển doanh nghiệp Nhà nước.
Bên cạnh đó, dự án Luật không kế thừa, phát huy được các nội dung Luật số 69/2014/QH13 còn phù hợp với thực tế, có tác động tích cực đối với sự phát triển của doanh nghiệp có vốn Nhà nước. Nội dung dự thảo Luật kết cấu hoàn toàn mới, phức tạp, thiếu sự rõ ràng, không làm rõ trách nhiệm của từng chủ thể. Không tách bạch, phân định rõ chức năng quản lý nhà nước với chức năng đại diện chủ sở hữu vốn của Nhà nước và với hoạt động quản trị của doanh nghiệp đối với mọi loại hình doanh nghiệp có vốn đầu tư của nhà nước.
Nội dung dự thảo Luật cũng chưa làm rõ việc thực hiện chủ trương cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính trong hoạt động quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, tăng cường phân cấp, phân quyền gắn với trách nhiệm của doanh nghiệp. Trách nhiệm của doanh nghiệp ở đây phải quy định chủ thể trách nhiệm cụ thể, không chỉ nêu chung chung doanh nghiệp như trong dự thảo Luật.
Đặc biệt, các quy định tại Dự thảo Luật chưa được đầy đủ, chưa nhất quán, chưa bảo đảm tính đồng bộ với quy định pháp luật khác có liên quan, như các quy định liên quan Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch, Luật Điện lực và các pháp luật chuyên ngành khác…
Do vậy, đề nghị Cơ quan soạn thảo căn cứ các quy định hiện hành đề xuất sửa đổi các quy định chưa phù hợp, giảm bớt thủ tục hành chính các hoạt động của doanh nghiệp; Cơ quan đại diện chủ sở hữu chỉ nên giao cho doanh nghiệp một số chỉ tiêu cụ thể như lợi nhuận, số lao động tối đa để không mở rộng bộ máy, tăng chi phí hoạt động. Doanh nghiệp cần tự chủ trong xây dựng chiến lược, kế hoạch, tổ chức hoạt độmg năng động, hiệu quả để nắm bắt thời cơ kinh doanh. Các chính sách, nội dung sửa đổi, bổ sung cần theo hướng để doanh nghiệp Việt Nam ngày càng phát triển, vươn tầm thế giới.