Xác định được nhiệm vụ, vai trò của mình, Hội LHPN tỉnh đã thực hiện chương trình quốc gia về Bình đẳng giới gắn với các phong trào thi đua, các cuộc vận động và các nhiệm vụ trọng tâm công tác Hội. Đặc biệt là phong trào “Phụ nữ tích cực học tập lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, cuộc vận động “xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” gắn với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, xây dựng “mái ấm tình thương”…Triển khai các đề án của Chính phủ “Đề án tuyên truyền, giáo dục phẩm chất, đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước”, đề án “Giáo dục 5 triệu bà mẹ nuôi, dạy con tốt”, “Phụ nữ học nghề, tạo việc làm” giai đoạn 2010-2015; tiểu Đề án 4 (thuộc đề án 554) “Tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho phụ nữ, nông dân, phụ nữ dân tộc thiểu số”, đã tạo điều kiện cho phụ nữ phát huy tiềm năng, sức sáng tạo trên tất cả các lĩnh vực, giúp chị em tự tin khẳng định vai trò, vị thế trong gia đình và ngoài xã hội.
Trước khi có Luật bình đẳng giới, công tác tuyên truyền tập trung vào việc trang bị, cung cấp cho phụ nữ các thông tin, kiến thức về giới và vận động phụ nữ thực hiện tốt các quy định của pháp luật. Trong đó tập tủng chính là Chiến lược quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ và các quy định pháp luật có liên quan đến Hội và phụ nữ. Kể từ khi có Luật bình đẳng giới, để giúp phụ nữ và các thành viên gia đình tích cực hơn trong việc thay đổi nhận thức, thái độ và hành vi, nhờ đó công tác bình đẳng giới được đầu tư thích đáng hơn về nguồn lực, đa dạng phương pháp thực hiện, cung cấp thông tin mang tính đa chiều. Cụ thể, các cấp hội đã tổ chức các lớp tập huấn kiến thức pháp luật, nâng cao khả năng tiếp cận và kỹ năng thực hành quyền tham gia cho phụ nữ dân tộc thiểu số. Tổ chức tọa đàm phổ biến nội dung “Luật hôn nhân và gia đình” (sửa đổi); phối hợp với BCĐ 09 tổ chức 20 lớp tập huấn cho 90 cán bộ, hội viên tuyên truyền viên tại cơ sở về kiến thức kỹ năng và các văn bản pháp luật liên quan đến Luật phòng chống mua bán người…Phát hành 630 cuốn sổ tay và 3.700 tờ rơi tuyên truyền pháp luật cho phụ nữ nông dân và phụ nữ dân tộc thiểu số; phân bổ và phát 3.287 cuốn tài liệu của Trung ương Hội như “Tài liệu tuyên truyền về Luật Hôn nhân và gia đình”; “Cẩm nang giám sát phản biện xã hội”; “Tài liệu truyền thông phòng, chống mua bán người”; “Sổ tay tìm hiểu Luật đất đai năm 2013”; “Sổ tay tìm hiểu về Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013”, “Tờ rơi về triển khai Nghị định 39/2015/NĐ-CP ngày 27/4/2015 quy định chính sách hỗ trợ cho phụ nữ thuộc hộ nghèo là người dân tộc thiểu số khi sinh con đúng chính sách dân số”…
Về hỗ trợ phát triển kinh tế gia đình, hội viên phụ nữ được tiếp cận các nguồn vốn vay, tham gia tập huấn khuyến nông, học nghề, tư vấn việc làm, thực hiện tốt Đề án 295 “Hỗ trợ phụ nữ học nghề, tạo việc làm giai đoạn 2010-2015”, lồng ghép với Đề án 1956 “Dạy nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”. Xây dựng các mô hình sau học nghề: tổ liên kết, tổ sản xuất kinh doanh, tổ hợp tác, HTX, kinh doanh dịch vụ…góp phần tăng số lao động nữ được đào tạo nghề, tư vấn, giới thiệu việc làm và tỷ lệ lao động nữ sau học nghề có việc làm đạt 72,7%.
Công tác bồi dưỡng giới thiệu phụ nữ đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND được quan tâm, Hội LHPN phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ giáo dục và nâng cao năng lực cho phụ nữ thực hiện dự án “tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong chính trị”, phối hợp với Trung tâm nghiên cứu giới, gia đình và phát triển cộng đồng triển khai dự án “Nâng cao năng lực lãnh đạo cho đại biểu HĐND cấp xã, nhiệm kỳ 2016-2021”. Tổ chức hội thảo, tập huấn, tọa đàm nhằm naag cao năng lực, khả năng diễn thuyết, trình bày trước cử tri, tự tin tiếp xúc cử tri, góp phần nâng cao năng lực, tăng tỷ lệ nữ tham gia Đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021. Hội chủ động phối hợp với Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ tỉnh tổ chức gặp mặt 51 nữ đại biểu ưu tú tham dự Đại hội Đảng bộ tỉnh Hòa Bình lần thứ XVI nhiệm kỳ 2015-2020.
Trên thực tế, trong gia đình và xã hội vẫn còn tồn tại tư tưởng trọng nam hơn nữ. Các cấp hội đã tổ chức các hoạt động nhằm trợ giúp phụ nữ thực hiện mục tiêu bình đẳng giới như: phát triển kinh tế để nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, nâng vị thế của phụ nữ trong gia đình, có điều kiện tham gia các hoạt động xã hội; tổ chức vận động phụ nữ tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng để bù đắp khoảng trống về trình độ học vấn và nhận thức xã hội thực tế. Chỉ đạo xây dựng các mô hình CLB “Gia đình hạnh phúc”, CLB lồng ghép bình đẳng giới có hiệu quả tại cơ sở. Tính đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được 525 mô hình. Ngoài ra, Hội Phụ nữ cùng các ngành đã tham mưu giúp đỡ hỗ trợ 80 vụ, tư vấn cho 123 hội viên, số hội viên được tạm lãnh là 19 người. Đây cũng là nơi để các hội viên phụ nữ gặp gỡ chia sẻ, tháo dỡ những mối bất hòa của nạn nhân. Đồng thời tuyên truyền nâng cao ý thức của cộng đồng và vai trò của mỗi người dân trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình, giữ gìn an ninh trật tự. Nhân rộng các mô hình lồng ghép phòng chống bạo lực gia đình, bình đẳng giới tại thành phố Hòa Bình, Cao Phong, Kỳ Sơn, CLB “Sức khỏe sinh sản và cân bằng giới tính”, CLB mẹ và em gái, 5 không 3 sạch…Những mô hình này được thành lập tại 11/11 huyện, thành phố. Tính đến nay đã có trên 800 mô hình đang hoạt động hiệu quả. Thông qua các hoạt động CLB đã thu hút, tập hợp được đông đảo hội viên, phụ nữ và người dân tại địa phương tham gia chia sẻ kiến thức về giới, bình đẳng giới.
Nhờ làm tốt công tác bình đẳng giới, công tác cán bộ nữ và các mục tiêu thực hiện bình đẳng giới đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của cá nhân mỗi phụ nữ trong gia đình, xã hội. Tỷ lệ nữ tham gia các bị trí quản lý, lãnh đạo được quan tâm. Tuy nhiên, bên cạnh đó, còn một số vấn đề cần sự chỉ đạo, vào cuộc của các cấp, các ngành cũng như sự nỗ lực của phụ nữ trong thời kỳ hội nhập và phát triển hiện nay, đó là: vấn đề bạo lực gia đình, tình trạng tảo hôn, sinh con thứ ba, tình trạng ly hôn có chiều hướng gia tăng; vấn đề thiếu việc làm, thu nhập không ổn định, thu nhập thấp, đặc biệt là phụ nữ nông thôn dẫn đến tình trạng phụ nữ đi làm ăn xa, dễ sa vào các tệ nạn xã hội…Vì vậy, thời gian tới Hội LHPN các cấp và các cơ quan, ban, ngành cần tiếp tục quan tâm làm tốt công tác này hướng tới hoàn thành các mục tiêu trong chiến lược công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ./.