Anh Nguyễn Văn Tích là người con trai duy nhất trong gia đình có 4 chị em. Khi 15 tuổi, anh bị sốt bại liệt, di chứng để lại làm đôi chân anh teo tóp, khiến việc đi lại gặp nhiều khó khăn. Thế nhưng, không chấp nhận số phận, không muốn là gánh nặng cho gia đình và xã hội, anh Tích đã quyết tâm học nghề sửa chữa điện tử, điện lạnh để tự kiếm sống nuôi bản thân. Anh Tích cho biết: Từ nhỏ đến lớn, tôi luôn bị những cơn co cơ, co gân hành hạ. Lúc đầu, cơn đau chỉ xuất hiện trong những hôm “trái nắng trở giời”, sau xuất hiện thường xuyên và chỉ trong một đêm sốt cao co giật, chân tôi không thể đi lại được. Gia đình đã tốn kém nhiều tiền thuốc thang nhưng bệnh tình không thuyên giảm. Lúc đó, tôi cũng buồn lắm, nhưng không chấp nhận mình là người tàn tật, không muốn mang tiếng là ăn “bám”, tôi quyết tâm mua sách, tham khảo tài liệu, rồi tự mày mò học nghề. Mới đầu tôi sửa những đồ điện dân dụng thông thường như cái quạt, mô tơ, đài caset…, sau thành thạo tôi đi học thêm nghề của anh em, bạn bè trong thị xã, giờ tôi đã sửa được ti vi, loa, đài, nồi cơm điện...
Nhờ cần cù chăm chỉ, lại ham học hỏi, nên chỉ sau một thời gian ngắn, khách hàng trong xóm đến với anh ngày một đông. Đồ nghề sửa chữa thiếu gì anh lại nhờ người trong gia đình mua hộ. Lấy ngắn nuôi dài, những đồng tiền anh tích góp hàng ngày được sử dụng hợp lý và đúng mục đích. Đến nay, anh đã có hơn 20 năm làm thợ sửa chữa điện tử. Gia sản ban đầu gia đình để lại cho anh chỉ có một túp lều vẻn vẹn 10 m2 làm cửa hàng và cũng là chỗ an cư, lạc nghiệp, đến nay, anh đã tự xây cho mình một ngôi nhà khá khang trang. Tuy gặp khó khăn trong việc đi lại, nhưng anh Tích luôn cố gắng tự thân vận động. Mỗi lần di chuyển, anh dùng đôi tay rắn chắc, lết trên mặt đường. Những sinh hoạt đời thường cũng được anh khắc phục dần, anh Tích cho biết: Trước đây, nghĩ đến thổi cơm tôi ngại vô cùng, bởi việc đi lại gặp nhiều khó khăn, nhưng giờ quen rồi, hàng ngày tôi vẫn tự thổi cơm hai lần.
Không những là một thợ sửa chữa điện tử giỏi, anh Tích còn là một “nghệ nhân” chơi đàn dân tộc. Anh biết chơi đàn bầu, biết kéo nhị và thổi sáo…. Bằng đôi bàn tay điêu luyện, anh đã tạo ra nhiều cây đàn từ cây tre, ống trúc và thổi vào nó cái hồn của một người nghệ sĩ với những khúc ca êm dịu đi vào lòng người. Khách vừa tận mắt xem anh sửa chữa đồ, vừa được nghe những ca khúc theo yêu cầu đều thấy rất vui và hài lòng.
Bao nhiêu năm vượt khó là chừng ấy năm ý chí, nghị lực của anh Nguyễn Văn Tích được tôi luyện. Nhìn đôi tay khéo léo, tỉ mỉ với những chiếc ti vi, đài caset, chắc hẳn ai cũng hiểu một điều; chính niềm vui có được một công việc làm phù hợp là nguồn động viên giúp anh Tích vượt qua mặc cảm, hoà nhập với cộng đồng. Vừa qua, anh Tích đã được Hội bảo trợ người tàn tật tỉnh trao tặng giấy khen vì đã có thành tích vượt khó vươn lên trong lao động, sản xuất ổn định đời sống năm 2006-2010. Tấm gương sáng về nghị lực vươn lên trong cuộc sống của những người khuyết tật như anh Tích xứng đáng để nhiều người thiếu may mắn học tập và làm theo./.