Năm 2024, công tác dân tộc được Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị các cấp quan tâm chỉ đạo, phối hợp triển khai thực hiện; Nhân dân và cộng đồng xã hội cả nước quan tâm, theo dõi tạo động lực quan trọng trong triển khai thực hiện chính sách dân tộc, sự nỗ lực cố gắng vươn lên của đồng bào các dân tộc thiểu số. Việc thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, đặc biệt trong triển khai các chương trình, chính sách dân tộc góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN). Tốc độ tăng trưởng kinh tế các tỉnh vùng DTTS&MN khá cao, trong đó các tỉnh vùng Tây Bắc tăng bình quân 8,0%/năm, Tây Nguyên tăng bình quân 7,5%/năm, Tây Nam Bộ tăng bình quân 7,0%/năm. Đến nay, 98,4% xã vùng DTTS&MN có đường ô tô đến trung tâm; 96,7% hộ DTTS được sử dụng điện lưới quốc gia; 100% xã có trường lớp mầm non, trường tiểu học, trung học cơ sở; 99,3% xã có trạm y tế với 83,5% xã có trạm y tế đạt chuẩn, 69,1% số trạm y tế có bác sỹ, y tá khám chữa bệnh cho người dân; trên 90% xã được phủ sóng phát thanh, truyền hình; 100% xã có hạ tầng viễn thông và được phủ sóng di động đáp ứng nhu cầu thông tin liên lạc của người dân; nhiều tỉnh có tỷ lệ giảm nghèo bình quân hằng năm trên 3%, vượt mục tiêu đề ra tại Chương trình hành động thực hiện Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2030, định hướng đến năm 2045.
Tại hội nghị, các đại biểu được xem trình chiếu video về đánh giá hiệu quả việc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn I đối với dự phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng báo DTTS&MN.
Thảo luận tại hội nghị, đồng chí Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình đã báo cáo tình hình triển khai thực hiện các chính sách dân tộc và công tác phối hợp tổ chức Điều tra, thu thập thông tin về trực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2024. Theo đó, năm 2024, công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Ước tính tỷ lệ hộ nghèo giảm 2,61%, trong đó tỷ lệ hộ nghèo các xã vùng đồng bào DTTS&MN giảm 2,77%; tỷ lệ hộ nghèo các xã đặc biệt khó khăn giảm 5,91%, vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Dự kiến tiếp tục có 06 xã được công nhận hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới và thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn. UBND tỉnh đã thường xuyên chỉ đạo, phối hợp và giao cơ quan chuyên môn của tỉnh thực hiện tốt công tác Điều tra, thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số tại tỉnh. Hiện nay Cục Thống kê tỉnh đã tổ chức kiểm tra lôgic, hoàn thiện phiếu điều tra theo yêu cầu của Tổng Cục Thống kê và gửi dữ liệu về Tổng Cục Thống kê để tổng hợp.
Đồng chí Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình phát biểu tham luận tại hội nghị
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã đề xuất, kiến nghị một số vấn đề như: Đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ đạo rà soát, sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền quy định vẫn còn bất cập, chưa rõ ràng và thống nhất trong văn bản hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS&MN. Đề nghị Ủy ban Dân tộc sớm tham mưu ban hành tiêu chí đánh giá, xác định thôn, xóm thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn giai đoạn 2021-2025 để các tỉnh có cơ sở rà soát, đánh giá thôn, xóm thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn giai đoạn theo chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao; chỉ đạo, sớm hoàn thiện số liệu Điều tra, thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2024 để các tỉnh làm cơ sở xây dựng các chương trình, đề án, dự án, chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2026-2030, đặc biệt là xây dựng các chính sách đặc thù của địa phương.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực trong thực hiện công tác dân tộc của Ủy ban Dân tộc, các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương vùng DTTS&MN năm 2024. Nhấn mạnh về nhiệm vụ trọng tâm năm 2025, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đề nghị triển khai các nội dung, nhiệm vụ được giao về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả tại Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII. Quyết tâm triển khai, hoàn thành sắp xếp hệ thống tổ chức bộ máy công tác dân tộc tại Trung ương và địa phương để đi vào hoạt động ngay từ đầu năm 2025. Tiếp tục rà soát toàn bộ thể chế, quy chế để phù hợp, hiệu quả với với bộ máy tổ chức mới. Tập trung xây dựng và hoàn thành các Đề án, chính sách dân tộc trong Chương trình công tác của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao năm 2025 theo đúng thời hạn được giao, đảm bảo chất lượng. Đẩy mạnh thực hiện tạo chuyển biến cơ bản về tiến độ, chất lượng việc thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, trọng tâm là Chương trình mục tiêu quốc gia DTTS&MN và Chương trình giảm nghèo bền vững. Tăng cường công tác theo dõi, nắm tình hình trên địa bàn vùng DTTS&MN, nhất là địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến về công tác dân tộc, chính sách dân tộc đến đồng bào DTTS; kịp thời xử lý, báo cáo, tham mưu cấp có thẩm quyền xử lý các điểm nóng về an ninh trật tự, tình hình thiên tai, dịch bệnh, môi trường,... trên địa bàn, không để bị động bất ngờ, kịp thời cung cấp thông tin, báo cáo về công tác dân tộc, chính sách dân tộc. Tiếp tục thực hiện cải cách hành chính, thực hiện tốt chủ chương chuyển đổi số của Chính phủ, ứng dụng chuyển đổi số trong công tác dân tộc. Thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin, báo cáo, cung cấp thông tin kịp thời, chính xác phục vụ hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành./.