DetailController

Quốc phòng - An ninh

Vai trò của Công an xã trong xây dựng mô hình tái hòa nhập cộng đồng trên địa bàn tỉnh

04/04/2024 15:51
Trong những năm qua, với chủ trương đưa Công an chính quy về xã của Bộ Công an, lực lượng Công an cấp xã trên địa bàn tỉnh đã phát huy tốt vai trò là chỗ dựa tin cậy của quần chúng Nhân dân, giữ vững ổn định tình hình an ninh trật tự; đồng thời cảm hóa nhiều đối tượng lầm lỡ hoàn lương tái hòa nhập cộng đồng, huy động sự vào cuộc tích cực của cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể trong công tác tái hòa nhập cộng đồng.
Lực lượng Công an tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tái hòa nhập cộng đồng và tư vấn, định hướng, giới thiệu việc làm cho người chấp hành án hình sự tại cộng đồng và người tái hòa nhập cộng đồng

Theo thống kê, tính đến ngày 15/12/2023, trên địa bàn tỉnh hiện có 1.405 người chấp hành xong án phạt tù về địa phương tái hòa nhập cộng đồng. Nhận thức đúng tính chất phức tạp, tầm quan trọng của công tác tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù, người tha tù trước thời hạn có điều kiện, người chấp hành xong quyết định đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị có liên quan chủ động nắm chắc tình hình, chuẩn bị các điều kiện cần thiết thực hiện tốt công tác tái hòa nhập cộng đồng theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Lực lượng Công an xã kịp thời tham mưu, chủ công đề xuất xây dựng nhiều mô hình về tái hòa nhập cộng đồng tại cơ sở phục vụ hiệu quả công tác tiếp nhận, quản lý, giám sát, giáo dục người chấp hành xong án phạt tù về địa phương.

Tính đến ngày 10/12/2023, trên địa bàn toàn tỉnh đang có 18 mô hình tái hòa nhập cộng đồng đang được duy trì, hoạt động có hiệu quả. Trong năm 2023 xây dựng mới 04 mô hình, trong đó có 07 mô hình được Công an cấp xã trực tiếp xây dựng, quản lý và 11 mô hình Công an cấp xã tham mưu cho UBND xã xây dựng, quản lý trên 11 huyện, thành phố địa bàn tỉnh Hòa Bình. Các mô hình tái hòa nhập đã phát huy hiệu quả, phục vụ đắc lực cho công tác tiếp nhận, quản lý, giáo dục, cảm hóa, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng, phòng chống tái phạm tội và vi phạm pháp luật. Tính trong giai đoạn năm 2020 – 2023 tỷ lệ người chấp hành xong án phạt tù tái phạm tội chiếm tỷ lệ thấp (trung bình hằng năm là 3.88%). Đơn cử, tái hòa nhập cộng đồng năm 2020: 49 trường hợp, chiếm tỷ lệ 3,25% và năm 2021 là 45 trường hợp, chiếm tỷ lệ 2.9%; tỷ lệ người có việc làm tăng như năm 2020 có 234 người, năm 2021 có 223 người, năm 2022 có 403 người và năm 2023 có 405 người. Các mô hình đã có sự vào cuộc chỉ đạo của lãnh đạo Ủy ban nhân dân cấp xã, phát huy tốt vai trò của các ban, ngành và các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã trong công tác tái hòa nhập cộng đồng. Bên cạnh đó, thực hiện Quyết định số 22/QĐ-TTg, ngày 17/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ cũng được quan tâm, lực lượng Công an cấp xã đã kịp thời rà soát, lập danh sách những người chấp hành xong án phạt tù đủ điều kiện gửi Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách huyện để triển khai cho vay vốn. Tính đến ngày 10/12/2023 trên địa bàn các xã của tỉnh Hòa Bình đã giải quyết cho 18 người chấp hành xong án phạt tù vay với số vốn 1,2 tỷ đồng.

Tiêu biểu một số mô hình như: Công an xã Quyết Thắng, huyện Lạc Sơn: Câu lạc bộ “Thắp sáng niềm tin hòa nhập cộng đồng; Công an phường Tân Thịnh, Thành phố Hòa Bình “Cảm hóa, giáo dục đối tượng chấp hành xong án phạt tù hòa nhập cộng đồng; Công an huyện Kim Bôi “Quỹ phòng chống tội phạm tái hòa nhập cộng đồng; Công an xã Toàn Sơn, Đà Bắc “Công an xã Toàn Sơn thực hiện tốt công tác tái hòa nhập cộng đồng” … Thông qua các mô hình đã cảm hóa, tạo việc làm, hỗ trợ vay vốn cho người tái hòa nhập cộng đồng giúp cho họ có thu nhập ổn định, trở thành công dân có ích cho xã hội.

Thời gian tới, Công an tỉnh Hòa Bình tiếp tục chỉ đạo Công an cấp xã chủ động làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền triển khai đồng bộ, hiệu quả các biện pháp đảm bảo tái hòa nhập cộng đồng. Tiếp tục duy trì hoạt động các mô hình tái hòa nhập cộng đồng; xây dựng, phủ kín thêm nhiều mô hình tái hòa nhập cộng đồng mới góp phần thực hiện chính sách nhân văn của Đảng và Nhà nước đối với người chấp hành xong án phạt tù; phòng ngừa tình trạng tái phạm tội, vi phạm pháp luật; tăng cường công tác tuyên truyền, biểu dương gương người tốt việc tốt, phát huy những cách làm hay, sáng tạo để tạo được hiệu ứng tích cực đối với các tầng lớp nhân dẫn trong cách ứng xử, giúp đỡ, giáo dục người chấp hành xong án phạt tù./.