Nhằm khẳng định, làm sâu sắc thêm mục đích, ý nghĩa của Ngày Pháp luật Việt Nam và vai trò của pháp luật đối với đời sống xã hội, được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng phối hợp PBGDPL Trung ương tổ chức Lễ hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2022, khai mạc lúc 20 giờ 00 ngày 06/11/2022 (được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1 Đài Truyền hình Việt Nam). Để phát huy hiệu ứng buổi Lễ đến đông đảo các tầng lớp Nhân dân, ngày 26/10/2022, Hội đồng phối hợp PBGDPL Trung ương đã có Công văn số 4175/HĐPH về việc truyền thông về Lễ hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2022, đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo Đài Phát thanh và Truyền hình địa phương phối hợp với VTV1, Đài Truyền hình Việt Nam tiếp sóng truyền hình trực tiếp Lễ hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam. Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan thông tin, báo chí ở địa phương tăng cường truyền thông về mục đích, ý nghĩa và các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam trên địa bàn bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, qua đó lan tỏa tinh thần thượng tôn Hiến pháp, pháp luật trong xã hội.
Ngày Pháp luật Việt Nam được tổ chức nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn Hiến pháp, pháp luật cho mọi người, góp phần xây dựng lối sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật, tạo lập thói quen tự giác thực hiện, ứng xử theo pháp luật và nâng cao nhận thức pháp luật của mỗi người, qua đó xây dựng văn hóa pháp lý trong toàn xã hội.
Ngày Pháp luật Việt Nam cũng là dịp để đánh giá lại những kết quả đã đạt được, tồn tại, hạn chế trong công tác xây dựng pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật; định hướng triển khai trong thời gian tới; tôn vinh, khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác này.
Bên cạnh đó, Ngày Pháp luật còn có ý nghĩa giáo dục, xây dựng niềm tin, tình cảm, thái độ ứng xử phù hợp với pháp luật, tạo nên sự bền vững của ý thức pháp luật, tạo lập kỷ cương, phép nước góp phần nâng cao hiệu quả xây dựng pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật, đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, một xã hội Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh./.