Phát biểu khai mạc, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng, việc tổ chức lấy kiến nhằm phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ, tâm huyết, thể hiện ý chí, nguyện vọng của nông dân để hoàn thiện Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, khả thi của hệ thống pháp luật, đáp ứng được yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới.
Tại hội nghị, các đại biểu đóng góp nhiều ý kiến về các nội dung: Quy hoạch, kế hoạch sử dụng, thu hồi đất; bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất... Từ đó, giải quyết tốt các vấn đề đặt ra từ thực tiễn địa phương; tháo gỡ những vướng mắc về đất đai, nhằm góp phần giảm khiếu kiện liên quan đến đất đai, giảm nguy cơ tham nhũng trong lĩnh vực đất đai…
Liên quan đến việc bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, đại biểu cho rằng phải đảm bảo đời sống của người dân khi bị thu hồi đất tốt hơn hoặc ít nhất là bằng so với trước khi bị thu hồi đất. Trước khi Nhà nước, cơ quan có thẩm quyền ra quyết định thu hồi đất thì công tác tái định cư phải được đảm bảo về hạ tầng, kỹ thuật như đường, điện, trường, trạm.
Tại tỉnh Hòa Bình, Hội nông dân tỉnh đã phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, các sở, ngành triển khai lấy ý kiến của Nhân dân về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Thời điểm này đã có 10/10 Hội nông dân huyện, thành phố tổ chức lấy ý kiến cán bộ, hội viên hội nông dân. Hội nông dân tỉnh đã tổng hợp được nhiều ý kiến tham gia đề xuất, điều chỉnh, bổ sung có trách nhiệm, đúng trọng tâm, trọng điểm, cụ thể tham gia vào 9 Điều đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Tại hội nghị, đại biểu tại các điểm cầu đã tham gia đóng góp ý kiến, thảo luận tập trung vào 4 nội dung: Vai trò, trách nhiệm của các tổ chức chính trị - xã hội trong quản lý và sử dụng đất đai; việc lấy ý kiến Nhân dân về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; về mở rộng hạn mức, đối tượng nhận chuyển quyền sử dụng đất trồng lúa, tập trợ, tái định cư.../.