Trong đó, yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các đơn vị liên quan, đặc biệt là các đơn vị có cơ sở thuộc phạm vi điều chỉnh được nêu trong Nghị quyết số 54/2021/NQ-HĐND cần xác định rõ vai trò quan trọng của công tác PCCC, chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về PCCC và thời hạn quy định đã nêu tại Nghị quyết số 54/2021/NQ-HĐND. Việc thực hiện phải đảm bảo thống nhất, phù hợp với quy định của pháp luật và tình hình thực tế của địa phương; các biện pháp, giải pháp áp dụng phải đảm bảo tính khả thi, đem lại hiệu quả, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác PCCC đề ra; góp phần đảm bảo an ninh trật tự, phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Các nhiệm vụ trọng tâm tập trung gồm có: Tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước và Chính phủ về công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ; nội dung Nghị quyết số 54/2021/NQ-HĐND; tiến hành kiểm tra, hướng dẫn và xử lý nghiêm đối với cơ sở cố tình vi phạm theo đúng quy định pháp luật. Tổ chức kiểm tra, thống kê, đánh giá các nội dung không bảo đảm yêu cầu về PCCC của các cơ sở thuộc diện điều chỉnh tại Nghị quyết số 54/2021/NQ-HĐND; xem xét, đề xuất thực hiện các giải pháp khắc phục theo quy định; phân loại đối tượng điều chỉnh theo ngành, lĩnh vực thuộc các sở, ban, ngành quản lý; xác định nguồn vốn đầu tư thuộc ngân sách nhà nước theo từng cấp (cấp trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện) và ngoài ngân sách nhà nước. Tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt danh mục các cơ sở cần thực hiện các biện pháp khắc phục để bảo đảm an toàn về PCCC. Khảo sát, lập dự toán kinh phí thực hiện các nội dung khắc phục các yêu cầu không bảo đảm về PCCC. Bố trí nguồn vốn ngân sách Nhà nước, phê duyệt kinh phí thực hiện đối với các dự án đầu tư xây dựng công. Đối với các cơ sở không tổ chức khắc phục các tồn tại, thiếu sót về PCCC theo quy định tại Nghị quyết số 54/2021/NQ-HĐND đều được xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật.
Kế hoạch cũng xây dựng lộ trình cụ thể để thực hiện. Trong đó, giai đoạn I, triển khai tuyên truyền thường xuyên để các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân hiểu nội dung quy định tại Điều 63a Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCCC, Nghị quyết số 54/2021/NQ-HĐND. Tổng kiểm tra, khảo sát, phân loại, đánh giá các cơ sở không bảo đảm yêu cầu về PCCC (thực hiện đến Quý I năm 2022). Hướng dẫn các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện các giải pháp khắc phục đối với từng nội dung không bảo đảm an toàn về PCCC theo quy định tại Nghị quyết số 54/2021/NQ-HĐND. Tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt kế hoạch tổ chức thực hiện các biện pháp khắc phục để bảo đảm an toàn về PCCC và kế hoạch, lộ trình, thời gian thực hiện đối với từng cơ sở (thực hiện trong năm 2022).
Giai đoạn II, tiếp tục tổ chức tuyên truyền, vận động, hướng dẫn các cơ sở thực hiện các giải pháp khắc phục đối với từng nội dung không bảo đảm an toàn về PCCC, tổ chức kiểm tra, giám sát, vận động, tuyên truyền các cơ sở thực hiện đúng tiến độ. Xử lý đối với các cơ sở không khắc phục các nội dung không bảo đảm yêu cầu về PCCC và cơ sở không tổ chức thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ (thực hiện Quý I năm 2024).
Kế hoạch được ban hành nhằm triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết số 54/2021/NQ- HĐND, góp phần đảm bảo an toàn PCCC trên địa bàn tỉnh. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về PCCC; nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương và các sở, ban ngành, người đứng đầu cơ sở đối với công tác PCCC./.