Trong đó, Kế hoạch đề ra các mục tiêu: Tiếp tục thực hiện hiệu quả Đề án một số giải pháp tạo nguồn và tăng cường quản lý thu ngân sách nhà nước (NSNN) trên địa bàn tỉnh đến năm 2025. Hoàn thành dự toán ngân sách nhà nước năm 2023, cụ thể:
Thu NSNN trên địa bàn ước thực hiện 7.285 tỷ đồng, tăng 37% so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao, tương đương với số tuyệt đối tăng 1.980 tỷ đồng, bằng 138% so với thực hiện cùng kỳ. Trong đó thu tiền sử dụng đất 3.500 tỷ đồng, bằng 175% so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao, tương đương với số tuyệt đối tăng 1.500 tỷ đồng, bằng 140% so với thực hiện cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 48% trong tổng thu NSNN.
Thu ngân sách địa phương ước thực hiện 23.500 tỷ đồng, bằng 107% so với chỉ tiêu Nghị quyết HĐND tỉnh giao, tăng 18% so với Thủ tướng Chính phủ giao.
Chi ngân sách địa phương ước thực hiện 23.350 tỷ đồng, tăng 6% so với chỉ tiêu Nghị quyết HĐND tỉnh giao, bằng 117% so với Thủ tướng Chính phủ giao.
Phấn đấu tăng thu ngân sách, đặc biệt là thu tiền sử dụng đất để huy động nguồn lực giải quyết các nhiệm vụ cấp bách, phát triển hạ tầng, thu hút đầu tư. Điều hành chi ngân sách hiệu quả, chặt chẽ, tiết kiệm, dành nguồn lực cho phòng, chống Covid-19, hỗ trợ phục hồi kinh tế và dự phòng cho các trường hợp bất khả kháng, thiên tai, dịch bệnh và các nhiệm vụ quan trọng, cấp bách phát sinh.
Về nhiệm vụ và giải pháp thu ngân sách nhà nước trên địa bàn: Triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 31/5/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tạo nguồn thu và tăng cường quản lý thu NSNN trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, giai đoạn 2021-2025; Quyết định số 2570/QĐ-UBND ngày 08/11/2021 của UBND tỉnh về ban hành Đề án một số giải pháp tạo nguồn và tăng cường quản lý thu NSNN trên địa bàn tỉnh đến năm 2025;
Tăng cường công tác phối hợp giữa các ngành và duy trì tốt hoạt động của Ban Chỉ đạo đôn đốc thu nộp NSNN cấp tỉnh, cấp huyện để định kỳ, thường xuyên giải quyết những vấn đề liên quan đến thu NSNN. Đánh giá, phân tích, dự báo, phát hiện và đánh giá những yếu tố tác động ảnh hưởng tăng, giảm nguồn thu. Theo dõi nắm bắt tiến độ thu NSNN để từ đó tham mưu xây dựng các kịch bản điều hành nhiệm vụ chi ngân sách, đảm bảo cân đối ngân sách, đảm bảo nguồn lực thực hiện các dự án, công trình trọng điểm và chế độ, chính sách, hoạt động của bộ máy chính quyền từ tỉnh đến cơ sở.
Khẩn trương thực hiện các dự án đấu giá quyền sử dụng đất, hoàn thiện hồ sơ, thủ tục để tổ chức đấu giá các dự án đấu giá và dự án đất xen kẹp; tích cực đôn đốc thu tiền sử dụng đất đối với các dự án đã tổ chức đấu giá, xử lý thu dứt điểm các khoản còn tồn đọng; đồng thời theo dõi chặt chẽ tiến độ thực hiện của từng dự án, kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai nhằm đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành kế hoạch thu tiền sử dụng đất năm 2023, đồng thời tạo nguồn thu cho các năm sau. Thường xuyên rà soát bổ sung danh mục dự án thu tiền sử dụng đất, dự án nhà ở, danh mục nhà, đất dôi dư để sắp xếp, xử lý theo quy định tại Nghị định số 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ và Nghị định 67/2021/NĐ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ. Kịp thời bổ sung vốn điều lệ năm 2023 cho Quỹ Đầu tư phát triển, Quỹ Phát triển đất để tạo nguồn cho vay đấu giá quyền sử dụng đất.
Tổ chức bồi thường, giải phóng mặt bằng và giao đất cho nhà đầu tư theo đúng cam kết, đặc biệt là các dự án trọng điểm, các dự án có quy mô lớn. Rà soát các dự án đã được cấp chứng nhận đầu tư, cấp đất, cho thuê đất ngoài các khu, cụm công nghiệp nhưng quá thời hạn không thực hiện được, tiến hành thu hồi giao cho nhà đầu tư khác để thực hiện đầu tư dự án theo quy định.
Tăng cường chống thất thu thuế, thu hồi nợ thuế đúng, đủ, kịp thời. Tăng cường công tác giám sát, kiểm tra thực hiện thủ tục hải quản, kiểm tra sau thông quan, thanh tra chuyên ngành, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại. Tập trung kiểm tra chống gian lận về số lượng, trị giá, mã số, xuất xứ, nhãn hiệu hàng hóa, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Theo dõi sát sao, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi chây ì nợ thuế, buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, chuyển giá, trốn thuế, gian lận thuế, lợi dụng chính sách hoàn thuế. Đẩy mạnh điện tử hóa trong quản lý thuế, hiện đại hóa quản lý thu ở tất cả các khâu như quản lý đăng ký, kê khai, nộp thuế, hoàn thuế điện tử, thực hiện phân tích rủi ro, quản lý nợ đọng thuế theo phương thức điện tử, quản lý hóa đơn điện tử, tiếp tục điện tử hóa đối với công tác quản lý lệ phí trước bạ, cho thuê nhà, các loại phí, lệ phí... Đồng bộ, kết nối cơ sở dữ liệu với các cơ quan quản lý nhà nước để quản lý đối với nguồn thu từ đất đai, tài nguyên, khoáng sản... thúc đẩy công cuộc chuyển đổi số trong toàn ngành Thuế.
Về điều hành, quản lý chi ngân sách địa phương: Tổ chức điều hành chi ngân sách năm 2023 theo dự toán, chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả; tăng cường thanh tra, kiểm tra và công khai, minh bạch việc sử dụng NSNN và tài sản công; siết chặt kỷ cương, kỷ luật ngân sách, cụ thể:
Thường xuyên tổ chức kiểm tra, đánh giá tiến độ thực hiện các dự án, công trình; tiến độ giải ngân vốn đầu tư công đã được bố trí trong dự toán; kiên quyết điều chuyển kế hoạch vổn từ các dự án không có hiệu quả, chậm giải ngân sang dự án có tiến độ giải ngân tốt, có hiệu quả, có nhu cầu bổ sung vốn đổ sớm hoàn thành, đưa vào sử dụng. Báo cáo đề xuất xử lý đối với các trường hợp vướng mắc gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính tổng hợp tham mưu cho UBND tỉnh phương án xử lý.
Sắp xếp chi thường xuyên, ưu tiên các nhiệm vụ quan trọng và các nhiệm vụ mới tăng thêm trong năm 2023, bảo đảm nguồn lực thực hiện các chính sách an sinh xã hội, chính sách về tiền lương mới của công chức, viên chức, các khoản chi cho con người và chính sách đảm bảo xã hội theo chế độ.
Các cơ quan, đơn vị chấp hành nghiêm kỷ luật tài chính - NSNN, quản lý chặt chẽ các khoản chi NSNN theo đúng dự toán được giao. Thực hiện tiết kiệm triệt để các khoản chi thường xuyên, đặc biệt là các khoản chi tổ chức hội nghị, hội thảo, khánh tiết, đi nghiên cứu, khảo sát nước ngoài; quản lý các khoản chi đầu tư, xây dựng cơ bản mua sắm, sửa chữa chặt chẽ, đúng quy định không bố trí dự toán chi cho các chính sách chưa được ban hành. Rà soát, thu hồi các khoản kinh phí thường xuyên đã giao cho các đơn vị sử dụng ngân sách chậm triển khai thực hiện và các khoản kinh phí thường xuyên chưa thực sự cần thiết để bổ sung nguồn dự phòng, chi khác để thực hiện các nhiệm vụ cấp bách khác phát sinh ngoài dự toán.
Tiếp tục dành tối thiểu 50% nguồn dự phòng ngân sách các cấp năm 2023 cùng với các nguồn còn dư của năm 2022 để chuẩn bị nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch Covid-19, mua và tiêm vắc-xin. Bảo đảm kinh phí thực hiện chế độ, chính sách cho các lực lượng tuyến đầu phòng, chống Covid-19 và hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng của dịch Covid-19; kinh phí thực hiện một số chính sách đặc thù trong phòng, chống dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 48/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnh.
Tăng cường công tác kiểm soát chi ngân sách, đảm bảo mọi khoản chi phải đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi tiêu do cấp có thẩm quyền ban hành. Thực hiện đầy đủ nguyên tắc kiểm soát, thanh toán vốn đầu tư xây dựng cơ bản, tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư và nhà thầu được tạm ứng, thanh toán khối lượng hoàn thành đúng với quy định. Đôn đốc các chủ đầu tư và nhà thầu khẩn trương thanh toán khối lượng đã được tạm ứng, nhằm hạn chế chi chuyển nguồn tạm ứng vốn đầu tư sang năm sau./.