DetailController

Chính trị

Triển khai thực hiện Đề án Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề liên quan đến phụ nữ giai đoạn 2022 – 2027

21/03/2023 17:30
Ngày 9/3/2023, Ban thường vụ Hội LHPN tỉnh ban hành Kế hoạch số 98/KH-BTV về Triển khai thực hiện Đề án Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề liên quan đến phụ nữ giai đoạn 2022 – 2027.

Kế hoạch triển khai nhằm phát huy các kết quả đạt được, khắc phục các bất cập của giai đoạn I (2018- 2022), tiếp tục duy trì và nhân rộng các mô hình hiệu quả, đề xuất các giải pháp mới nhằm triển khai có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án giai đoạn 2022 - 2027. Huy động các nguồn lực, phối hợp với các ngành có liên quan và phát huy nội lực, vai trò chủ động của phụ nữ tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết các vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ và trẻ em gái góp phần giải quyết các bức xúc trong xã hội có liên quan.

BTV Hội LHPN tỉnh yêu cầu tổ chức thực hiện Đề án gắn kết chặt chẽ với thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia, hỗ trợ phụ nữ thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng người Phụ nữ Việt Nam thời đại mới”, Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, Nghị quyết Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII, Đại hội Phụ nữ tỉnh Hòa Bình lần thứ XVII. Tổ chức các hoạt động đảm bảo thiết thực, hiệu quả, đảm bảo sự thống nhất góp phần thực hiện có mục tiêu, chỉ tiêu đề ra.

Đề án được triển khai tại 10/10 huyện, thành phố trong toàn tỉnh; đẩy mạnh thực hiện ở tất cả các xã, đảm bảo tiếp cận tới đối tượng thụ hưởng của đề án: Phụ nữ, cha, mẹ có con dưới 16 tuổi; cán bộ Hội LHPN và các cơ quan triển khai đề án, trong đó chú trọng các nhóm phụ nữ đặc thù ở địa bàn trọng điểm của các vấn đề xã hội.

Nội dung can thiệp trong giai đoạn 2 (2022-2027) bao gồm:

Tiếp tục thực hiện Chủ đề bao trùm là An toàn cho phụ nữ và trẻ em.

Tiếp tục tập trung vào 03 nội dung can thiệp chính đã được xác định trong giai đoạn 1: Phòng, chống bạo lực gia đình/bạo lực trên cơ sở giới (bao gồm cả nội dung mất cân bằng giới tính khi sinh); An toàn vệ sinh thực phẩm; Giáo dục cha mẹ trong chăm sóc và bảo vệ trẻ em (bao gồm cả phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em, đặc biệt là xâm hại tình dục trẻ em).

Tuyên truyền, giáo dục phẩm chất đạo đức và giáo dục pháp luật là vấn đề xuyên suốt trong các nội dung can thiệp của Đề án.

Nội dung/chủ đề trọng tâm hàng năm, gồm:

Năm 2022 - 2023: Phòng, chống bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới (gồm cả xâm hại trẻ em, mất cân bằng giới tính khỉ sinh).

Năm 2024 - 2025: Giáo dục cha mẹ trong chăm sóc và bảo vệ trẻ em.

Năm 2026 - 2027: An toàn thực phẩm.

Bổ sung một số đối tượng/vấn đề xã hội ưu tiên của địa phương để giải quyết vấn đề xã hội nảy sinh thời kỳ hậu covid: Trẻ mồ côi, mẹ đỡ đầu thuộc Chương trình mẹ đỡ đầu; phụ nữ lao động di cư, nữ công nhân lao động tại khu công nghiệp, khu chế xuất (nhà trẻ, mẫu giáo, đời sống văn hóa tinh thần).

Mục tiêu phấn đấu đến năm 2027, gồm:

80% (120.000) hội viên, phụ nữ, cha mẹ có con dưới 16 tuổi được cung cấp thông tin, kiến thức về giữ gìn, rèn luyện phẩm chất đạo đức và ý thức chấp hành pháp luật; về giáo dục làm cha mẹ; khả năng, vai trò của phụ nữ trong đảm bảo an toàn thực phẩm, phòng chống bạo lực trên cơ sở giới, trong đó 60% thực hiện chuyển đổi hành vi.

95% (258) cán bộ chuyên trách các cấp Hội tham gia triển khai đề án được bồi dưỡng nâng cao năng lực về chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng nhằm hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết các vấn đề xã hội.

Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ được 906 phụ nữ còn thiếu kiến thức, kỹ năng, có nguy cơ hoặc vi phạm đạo đức, pháp luật trong các vấn đề xã hội nổi cộm được lựa chọn tác động có chuyển biến tích cực về hành vi.

120.000 phụ nữ được cung cấp kiến thức, kỹ năng phòng chống bạo lực giới, bạo lực gia đình sẵn sàng lên tiếng trước các hành vi bạo lực.

Hàng năm không để xảy ra các vụ xâm hại, bạo lực nghiêm trọng đối với phụ nữ và trẻ em mà Hội không lên tiếng kịp thời./.