DetailController

Chính trị

Sơ kết 05 năm thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng

24/12/2024 15:27
Ngày 24/12/2024, Thanh tra Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc Sơ kết 05 năm thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng. Đồng chí Đoàn Hồng Phong, UV BCH TƯ Đảng, Tổng Thanh tra Chính phủ chủ trì hội nghị tại điểm cầu trung ương. Chủ trì hội nghị tại điểm cầu tỉnh Hòa Bình có đồng chí Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo Thanh tra tỉnh và một số sở, ngành.
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Hòa Bình

Theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ, qua 5 năm thi hành, Luật PCTN năm 2018 đã kế thừa những ưu điểm của Luật PCTN năm 2005 và Luật PCTN sửa đổi, bổ sung các năm 2007 và 2012; tiếp thu, cụ thể hóa những nội dung mới của Hiến pháp năm 2013 và thể chế hóa chủ trương, quan điểm, chính sách của Đảng thành pháp luật. Các quy định của Luật PCTN năm 2018 đã tạo hành lang pháp lý đầy đủ hơn, đáp ứng được những yêu cầu nhất định của cuộc đấu tranh PCTN trong tình hình mới. Công tác đấu tranh PCTN được thực hiện quyết liệt theo chủ trương “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”. Về thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, theo báo cáo, các bộ, ngành, địa phương tiến hành 36.112 cuộc kiểm tra việc thực hiện các định mức, tiêu chuẩn, chế độ; phát hiện 1.900 vụ việc và 2.670 người vi phạm; đã xử lý hành chính 788 người; chuyển xử lý hình sự 69 người; kiến nghị thu hồi 483,3 tỷ đồng, đã thu hồi được 177,7 tỷ đồng. Trong giai đoạn 2020 - 2024, đã có 2.060.550 người thực hiện kê khai tài sản, thu nhập trong kỳ, tỷ lệ công khai đạt trên 98%; 37.106 người được xác minh tài sản, thu nhập. Có 147 người bị kỷ luật do vi phạm quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập. Đối với công tác phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng, toàn ngành thanh tra đã triển khai 37.032 cuộc thanh tra hành chính và 935.196 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành.

Trong 5 năm qua, tỉnh Hoà Bình triển khai đồng bộ, nhiều hành vi tham nhũng đã được phát hiện, xử lý. Từ năm 2020 đến nay các cơ quan tố tụng đã khởi tố mới 13 vụ án, 42 bị can liên quan đến tham nhũng. Cùng với đó, cơ quan thanh tra đã phát hiện 11 vụ việc có dấu hiệu tội phạm chuyển sang cơ quan điều tra để điều tra, xác minh, xử lý theo quy định của pháp luật. Các cơ quan điều tra Công an tỉnh đã khởi tố 33 vụ án tham nhũng với 80 bị can. Tòa án Nhân dân 2 cấp đã đưa ra xét xử 45 vụ án tham nhũng với 153 bị cáo. Tổng số tiền thiệt hại do tham nhũng gây ra là 5.286,6 triệu đồng, đã thu hồi vào ngân sách Nhà nước là 4.110,5 triệu đồng. Về xử lý tài sản tham nhũng, tổng số tiền, tài sản tham nhũng phát hiện đến nay đã thu hồi đạt tỷ lệ trên 83,4%.

Hội nghị cũng được nghe dự thảo báo cáo sơ kết 05 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng, ý kiến tham luận của các đại biểu về kết quả thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng tại các bộ, ngành, địa phương và những hạn chế còn tồn tại; đồng thời đề xuất các giải pháp nhằm hoàn thiện cơ chế chính sách, pháp luật cũng như các biện pháp tổ chức thi hành pháp luật về phòng, chống tham nhũng trong những năm tới.

Kết luận hội nghị, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong nhấn mạnh: Để PCTN, tiêu cực đạt hiệu quả cao là nhiệm vụ, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Đề nghị, cấp ủy, chính quyền và người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị triển khai, tổ chức thực hiện tốt chương trình công tác và văn bản chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN tiêu cực. Tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật nói chung và pháp luật về PCTN; nghiên cứu, đề xuất việc sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật về PCTN để phát huy được tác dụng trong công tác phòng ngừa tham nhũng, nhất là quy định về công khai, minh bạch tổ chức, hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị. Đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, tăng cường giáo dục cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, kiên trì xây dựng văn hóa tiết kiệm, liêm chính, không tham nhũng, tiêu cực trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh các hành vi tham nhũng, tiêu cực; trách nhiệm việc thực hiện các quy định pháp luật về PCTN, tiêu cực; phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, tiêu cực; tăng cường hợp tác quốc tế trong PCTN theo hướng mở rộng.