Đối với diện tích gieo cấy lúa Mùa: Khẩn trương thu hoạch nốt diện tích lúa và cây màu vụ Xuân, giải phóng đất và tiến hành làm đất sớm phục vụ gieo cấy lúa mùa. Hướng dẫn nông dân áp dụng các giải pháp bón vôi trên những ruộng bị chua; kết hợp việc vùi rơm rạ với xử lý chế phẩm sinh học (Trichoderma, AT-YTB, ...) để đẩy mạnh tốc độ phân hủy nhanh rơm rạ, hạn chế ngộ độc hữu cơ với cây lúa, đồng thời hạn chế nguồn sâu bệnh chuyển vụ. Những nơi sử dụng các giống lúa chuyển vụ (thu hoạch lúa vụ Xuân chuyển sang làm giống vụ Mùa) cần xử lý phá ngủ nghỉ của hạt giống trước khi ngâm ủ. Ưu tiên lựa chọn những giống có thời gian sinh trưởng ngắn, năng suất cao, chất lượng gạo khá.
Mỗi địa phương nên chọn 2- 3 giống lúa chủ lực, gieo cấy tập trung theo vùng để thuận lợi cho việc chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh. Với những diện tích gieo trồng cây vụ Đông ưa ấm như ngô, đậu tương, cần bố trí cơ cấu giống hợp lý để thu hoạch lúa xong trước 25/9/2023. Chủ động bố trí lượng giống dự phòng (bằng các giống ngắn ngày, cực ngắn ngày) để gieo cấy bổ sung khi có thiên tai xảy ra. Trên các diện tích mạ đã gieo cần chủ động các giải pháp phòng trừ các đối tượng dịch hại nguy hiểm, đặc biệt chú ý phát hiện sớm bệnh lùn sọc đen (do rầy lưng trắng là môi giới truyền bệnh) để có biện pháp phòng chống kịp thời, hiệu quả. Tăng cường chăm sóc, làm cỏ và bón phân cân đối cho diện tích lúa đã cấy. Thường xuyên thăm đồng, phát hiện sớm và phòng trừ kịp thời các đối tượng dịch hại như: ốc bươu vàng, bệnh lùn sọc đen, tập đoàn rầy, bọ trĩ, ngộ độc hữu cơ, bệnh bạc lá, bệnh đốm sọc vi khuẩn, chuột, sâu đục thân, sâu cuốn lá nhỏ.
Với diện tích cây rau màu: Đảm bảo tiến độ gieo trồng cây màu vụ Hè Thu theo khung thời vụ, kết thúc trước 15/8/2023; áp dụng các biện pháp chăm sóc, bón phân, phòng trừ sâu bệnh kịp thời, hiệu quả nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do sâu bệnh gây ra. Những diện tích trồng các loại rau ngắn ngày cần bố trí thời vụ gieo trồng và cơ cấu giống hợp lý nhằm rải vụ thu hoạch, đảm bảo nguồn cung ổn định; Đẩy mạnh việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng với những loại cây có giá trị kinh tế cao, có đầu ra ổn định theo hình thức tổ chức các chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Tận dụng diện tích bưa bãi, đồi thấp để tăng diện tích gieo trồng ngô, các loại cây màu, rau, đậu để tăng thu nhập. Tăng cường công tác tu bổ hệ thống kênh mương, hồ đập, phục vụ công tác tưới tiêu; chủ động phương án tiêu úng cho diện tích lúa và cây màu ở những chân ruộng trũng có nguy cơ ngập úng khi mưa lớn kéo dài.
Với cây ăn quả: Tích cực thực hiện các biện pháp chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh trên cây ăn quả theo khuyến cáo của cơ quan chuyên môn. Chú ý các đối tượng sâu bệnh chính gây hại làm ảnh hưởng đến mẫu mã, chất lượng quả như bệnh loét, ghẻ sẹo, chảy gôm, ruồi vàng trên cây ăn quả có múi; sâu đục cuống quả, bọ xít trên nhãn, vải. Chủ động áp dụng các biện pháp chống cây, nâng cành, treo cành để hạn chế đổ gẫy cây, rụng quả khi có mưa gió, dông lốc. Khơi thông rãnh thoát nước, vun cao xung quanh tán không để ngập, úng ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển của quả./.