DetailController

Trồng trọt

Khôi phục sản xuất sau bão và thúc đẩy sản xuất vụ Đông 2024

01/10/2024 15:12
Theo báo cáo của ngành Nông nghiệp, do ảnh hưởng của bão và hoàn lưu bão số 3 (YAGI), trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đã xảy ra dông lốc, mưa lớn từ đêm 6/9 - 16/9/2024. Với các đợt thiên tai liên tiếp xảy ra đã làm ảnh hưởng, gây nhiều thiệt hại đến sản xuất nông nghiệp của tỉnh.
Các địa phương cần khẩn trương chỉ đạo, hướng dẫn người dân thu hoạch sản phẩm cây trồng, chăm sóc cây khôi phục sản xuất sau bão, sớm bắt tay vào vụ Đông 2024

Cụ thể, gây thiệt hại 7.311 ha cây màu, cây lâm nghiệp; làm 366 con gia súc, 12.282 con gia cầm bị chết; Khoảng 240m kè bị sạt lở, hư hỏng; 4.578,7m kênh mương bị sạt trôi, hư hỏng; hư hỏng một số hạng mục công trình hồ đập thủy lợi; 122,66 ha diện tích nuôi ao hồ nhỏ bị thiệt hại; 180 ha diện tích nuôi hồ mặt nước lớn bị ảnh hưởng, hư hỏng. 1.860 m3 lồng, bè nuôi thủy sản bị hư hỏng, thiệt hại. dự kiến cần kinh phí sửa chữa khắc phục, nâng cấp 38 công trình hồ đập thủy lợi, hồ đập, bai mương, kênh mương với kinh phí ước tính 218 tỷ đồng.

Trong tuần qua (24- 26/9/2024) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chủ trì, cùng Cục thống kê, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố kiểm tra thực địa, đánh giá mức độ ảnh hưởng của bão Yagi đến sản xuất nông nghiệp; đồng thời có văn bản đề nghị UBND các huyện, thành phố rà soát, thống kê cụ thể thiệt hại để thực hiện hỗ trợ cho người dân. Tổng thiệt hại với sản xuất trồng trọt sau khi rà soát, đánh giá còn ước khoảng 15 tỷ đồng. Hiện nay nông dân đang thu hoạch trà lúa Mùa chính vụ, thực địa cho thấy đây vẫn là 1 vụ có năng suất khá, không có diện tích cháy rầy hay nhiễm nặng sâu cuốn lá, đục thân, ước năng suất chung toàn tỉnh đạt 56-56,5 tạ/ha, thấp hơn một chút so cùng kỳ 2023 nhưng vẫn đạt chỉ tiêu phát triển ngành.

Ngành Nông nghiệp đã thực hiện khẩn trưởng, quyết liệt, kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm tại Nghị quyết 143/NQ-CP ngày 17/9/2024 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3 (Yagi), nhanh chóng ổn định tình hình Nhân dân, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát. Riêng đối với sản xuất nông nghiệp, cần phát huy thành quả đạt được trong lãnh đạo, chỉ đạo khôi phục sản xuất từ sau bão đến nay; đồng thời để chủ động phòng chống tác hại bất lợi của mưa lớn cuối vụ, cần tiếp tục thực hiện các giải pháp khôi phục sản xuất sau bão. Trong đó, tập trung thu hoạch nhanh gọn diện tích lúa vụ Mùa và cây màu vụ Hè thu đã đến kỳ thu hoạch; những diện tích lúa bị ngập sâu lâu ngày, không sử dụng làm thực phẩm được thì tận dụng làm thức ăn cho vật nuôi, gia súc. Thu dọn tàn dư, phụ phẩm nông nghiệp, giải phóng đất sớm phục vụ sản xuất cây màu vụ Đông.Tùy theo đặc điểm từng loại cây, có biện pháp xử lý ngập úng, khôi phục cây trồng, lựa chọn các cây rau màu có giá trị kinh tế cao, tiêu thụ tốt phù hợp với khung lịch thời vụ để gieo trồng lại khi điều kiện thời tiết thuận lợi. Tổ chức thực hiện tổng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng để tiêu diệt các loại mầm bệnh trong môi trường ngay sau khi đợt mưa, lũ kết thúc. Hướng dẫn người chăn nuôi: Thường xuyên thực hiện vệ sinh khu vực chăn nuôi và dụng cụ chăn nuôi; thu gom, xử lý chất thải chăn nuôi không để gây ô nhiễm môi trường. Hướng dẫn người chăn nuôi chủ động thực hiện các biện pháp tái đàn, khôi phục sản xuất.  Đối với những khu rừng bị thiệt hại, cần phân loại và tùy theo mức độ thiệt hại để có biện pháp xử lý phù hợp. Đối với rừng trồng cần tổ chức khai thác tận thu các cây đổ, gãy để làm nguyên liệu, nhất là sản xuất dăm, trồng lại sau khai thác; vệ sinh, phòng chống cháy rừng. Đối với rừng tự nhiên, cần bảo vệ tốt, áp dụng các biện pháp khoanh nuôi, tái sinh, phục hồi.

Theo kế hoạch, vụ Đông 2024 toàn tỉnh phấn đấu gieo trồng khoảng 9,07 nghìn ha cây vụ đông, tập trung vào một số cây chủ yếu như ngô, khoai lang, một số loại rau có thế mạnh như các loại rau họ thập; bí xanh (vụ sớm), dưa chuột, bí đỏ; tăng diện tích các loại rau bản địa như tỏi tía, cải mèo...Ngành Nông nghiệp yêu cầu các địa phương tập trung chỉ đạo sản xuất, hướng dẫn người nông dân bố trí đất và kỹ thuật làm đất cho phù hợp; gieo trồng đúng khung thời vụ. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chỉ đạo rà soát cụ thể diện tích, sản lượng nông sản chủ lực, có tính cạnh tranh; rà soát những diện tích đã được cấp mã số vùng trồng, được cấp chứng nhận VietGAP/GlobalGAP/ATTP, tiêu chuẩn hữu cơ trên địa bàn để có cơ sở xây dựng kết nối, tiêu thụ phù hợp. Các Sở, ban, ngành tích cực hỗ trợ các địa phương, hỗ trợ các vùng sản xuất trọng điểm, các hợp tác xã, doanh nghiệp tìm kiếm thị trường, đối tác để tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt các đối tác xuất khẩu nông sản; tổ chức các hội nghị xúc tiến đầu tư, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chủ lực, có lợi thế của địa phương. Tuyên truyền, hướng dẫn người dân kiến thức, quy trình trồng, chăm sóc nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo an toàn thực phẩm, đáp ứng yêu cầu thị trường. Vận động, khuyến khích người sản xuất tham gia chuỗi liên kết hoặc các tổ, nhóm sản xuất để tạo sản phẩm đồng nhất về chủng loại và chất lượng./.