Trong những năm qua, công tác xóa đói, giảm nghèo được Đảng, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm. Nhiều chủ trương, chính sách xóa đói, giảm nghèo được triển khai thực hiện đã đem lại cuộc sống tốt hơn cho một bộ phận không nhỏ dân cư, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh qua các năm, nhiều địa phương đã không còn hộ đói nghèo, Việt Nam được cộng đồng quốc tế ghi nhận là quốc gia tiêu biểu về công tác xóa đói, giảm nghèo. Tuy nhiên, theo báo cáo giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội, công tác xóa đói, giảm nghèo đã xuất hiện những khó khăn mới. Đó là tỷ lệ giảm nghèo không đồng đều giữa các vùng có tỷ lệ hộ nghèo cao như các tỉnh Tây Bắc, Đông Bắc, Tây Nguyên chỉ chiếm 15% dân số của cả nước. Nhưng các dân tộc thiểu số lại chiếm tới 50% hộ nghèo, tỷ lệ tái nghèo còn cao, một số dân tộc thiểu số có tỷ lệ hộ nghèo không giảm mà có xu hướng tăng. Theo tôi, kết quả thực hiện công tác xóa đói, giảm nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số cần được xem xét nghiêm túc và có sự giải trình của Chính phủ. Trên cơ sở đó, Quốc hội có nghị quyết về nội dung này.
Công tác xóa đói, giảm nghèo đang bước vào giai đoạn khó khăn hơn, bởi vì hầu hết các hộ nghèo cư trú ở những vùng có điều kiện kinh tế - xã hội thuận lợi thì nay đã thoát nghèo. Còn lại là các đối tượng hộ nghèo có mức sống rất thấp, phần lớn địa bàn cư trú là ở các vùng có điều kiện tự nhiên hết sức khó khăn, khắc nghiệt, tập trung chủ yếu vào đối tượng là đồng bào dân tộc thiểu số ở các vùng Tây Bắc, Đông Bắc và Tây Nguyên. Nguyên nhân đói nghèo đã được xác định ở các nhóm.
Một là cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội ở vùng này còn nhiều thấp kém, nhất là giao thông, cơ sở giáo dục, cơ sở khám, chữa bệnh, hệ thống thủy lợi, nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt, thông tin khoa học và công nghệ đều thiếu và yếu.
Hai là một bộ phận lớn hộ nghèo thiếu tư liệu, thiếu vốn, kinh nghiệm kiến thức và kỹ năng lao động sản xuất.
Ba là phong tục, tập quán, tín ngưỡng, sản xuất và sinh hoạt đã hình thành và tồn tại qua hàng ngàn năm nay, nay có nhiều điểm lạc hậu, chưa theo kịp sự phát triển chung. Theo tôi, các nguyên nhân trên là cơ bản, song nguyên nhân chủ quan đó là công tác xóa đói, giảm nghèo chưa nhận được sự quan tâm thỏa đáng về mặt thực thi chính sách, đặc biệt là chính sách về tái định cư các công trình thủy điện là một điển hình của việc chưa có sự quan tâm thích đáng về mặt chính sách, nhà nước, thiếu chính sách đủ mạnh để đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, để nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân đồng đều giữa các vùng, miền trong cả nước, tạo rào cản mà nhà nước cần tập trung xóa bỏ để tạo sự bình đẳng trong cơ hội phát triển giữa các địa phương, vùng miền trong cả nước, để công tác xóa đói giảm nghèo thực hiện có hiệu quả, thực chất và bền vững.
Tôi đồng tình với các kiến nghị của Ủy ban thường vụ Quốc hội đã nêu trong Báo cáo giám sát và xin trân trọng đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần tập trung nguồn lực đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng, kinh tế - xã hội cho các địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao hơn mức bình quân chung của cả nước, đạt theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Đây là yếu tố quan trọng nhất và quyết định hiệu quả, tính bền vững của công tác xóa đói giảm nghèo. Tiếp tục chính sách giải quyết đất ở, đất sản xuất, tư liệu chính để sản xuất cho hộ nghèo trên cơ sở rà soát, sắp xếp lại công tác quản lý sử dụng đất của các nông, lâm trường, thu hồi diện tích đất quản lý, sử dụng kém hiệu quả để giao đất cho nông dân. Có chính sách hỗ trợ người dân khai hoang, mở rộng diện tích đất sản xuất từ nguồn quỹ đất chưa sử dụng. Có chính sách ưu đãi về lãi suất vốn vay kèm theo các cam kết về quản lý và sử dụng vốn đúng mục đích, hiệu quả. Đổi mới công tác dạy nghề đối với đối tượng người nghèo vùng nghèo. Dạy nghề gắn với giải quyết việc làm và phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động phải thuộc trách nhiệm của chính cơ sở, cơ quan tổ chức tham gia các chương trình mục tiêu về dạy nghề và giải quyết việc làm. Đẩy mạnh thực hiện chương trình đưa văn hóa thông tin về vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần hình thành các địa chỉ văn hóa mới, đẩy lùi các hủ tục, tập quán lạc hậu. Thực hiện tốt các mục tiêu về chăm sóc sức khỏe, dân số, kế hoạch hóa gia đình và các chính sách an sinh xã hội khác.
Về bố trí nguồn lực, cần có tư duy và phương pháp phân bổ nguồn lực quốc gia một cách hợp lý theo nguyên tắc không đầu tư dàn trải, kéo dài, tránh phân tán, thất thoát và lãng phí nguồn vốn. Không thực hiện cắt giảm đầu tư công ở trong các khu vực này, có chính sách thu hút các nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước thuộc mọi thành phần kinh tế. Đầu tư phát triển vào những vùng có điều kiện thuận lợi, có khả năng thu hồi vốn cao như các thành phố và đô thị lớn, để dành nguồn lực từ ngân sách nhà nước đầu tư vào những địa phương có hệ thống cơ sở hạ tầng, kinh tế - xã hội thấp kém, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, những địa phương không có khả năng điều kiện thu hút đầu tư và khả năng thu ngân sách thấp, nhưng có vị trí trọng yếu trong bảo vệ an ninh Tổ quốc và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia.
Đất nước đã thống nhất, hòa bình gần 40 năm và ngày càng phát triển mạnh mẽ là điều kiện quan trọng để mỗi người tự lực, tự cường vươn lên xây dựng cuộc sống tốt đẹp cho mình và xã hội. Tuy vậy, do điều kiện địa lý, địa bàn sinh sống khó khăn, xuất phát điểm kinh tế - xã hội còn thấp kém và đặc điểm dân tộc thiểu số khác nhau, nên thực tế còn một phận không nhỏ người dân, đặc biệt là người dân tộc thiểu số chưa được hưởng trọn vẹn những thành quả cách mạng xã hội chủ nghĩa do Đảng lãnh đạo mang lại như đại bộ phận người dân khác, đó chính là người nghèo, hộ nghèo và vùng nghèo. Vì vậy, tôi kính mong Quốc hội và Chính phủ hết sức quan tâm, để các chính sách ngày càng đi vào cuộc sống.