Tòa án nhân dân tối cao: Đề nghị quan tâm xem xét hỗ trợ kinh phí để Tòa án địa phương tổ chức phiên tòa trực tuyến theo Nghị quyết số 33/2021/QH15 của Quốc hội.
Viện Kiểm sát nhân dân tối cao: Đề nghị cao tăng cường trang thiết bị, cơ sở vật chất cho Viện Kiểm sát nhân dân các địa phương để phục vụ tốt hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ, nhất là trong thời điểm toàn ngành tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và thúc đẩy chuyển đổi số.
Tổng cục Thuế: Đề nghị quan tâm bổ sung kinh phí hỗ trợ cho hoạt động của Hội đồng tư vấn thuế". Hiện nay, theo quy định tại khoản 2 Điều 8 Thông tư số 80/2021/TT-BTC ngày 29/9/2021 hướng dẫn một số điều của Luật Quản lý thuế quy định số thành viên tham gia họp Hội đồng tư vấn thuế phải đạt tỷ lệ 2/3 số thành viên trở lên mới có thể tiến hành. Tuy nhiên, do thành viên Hội đồng tư vấn gồm nhiều thành phần khác nhau, hầu hết là cá nhân kiêm nhiệm nên không thể tham gia đầy đủ việc họp Hội đồng tư vấn thuế. Theo quy định, định kỳ hàng tháng, nếu phát sinh liên quan đến công tác quản lý hộ, cá nhân kinh doanh phải tổ chức họp Hội đồng tư vấn thuế (trước ngày 10 hàng tháng), trong khi đó số lượng công chức đội thuế xã, phường, thị trấn có hạn, địa bàn quản lý rộng. Từ đó, khó khăn trong tổ chức họp Hội đồng tư vấn thuế đúng quy định. Mặt khác, việc thiếu kinh phí dẫn đến khó khăn trong hỗ trợ thành viên tham gia Hội đồng tư vấn thuế.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội: (1) Đề nghị quan tâm, nghiên cứu tham mưu trình Chính phủ bổ sung Trung tâm GDNN-GDTX trên địa bàn tỉnh có huyện nghèo là đối tượng được hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo trong nguồn hỗ trợ vốn sự nghiệp thuộc các Chương trình MTQG để địa phương triển khai thực hiện. (2) Đề nghị nghiên cứu, tham mưu trình Chính phủ quan tâm xem xét xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi phù hợp nhằm thu hút, hỗ trợ người làm công tác cai nghiện ma túy trong các cơ sở cai nghiện ma túy công lập theo quy định tại Khoản 4 Điều 3 của Luật Phòng, chống ma túy năm 2021. (3) Đề nghị nghiên cứu ban hành quy định bổ sung chức năng, nhiệm vụ của Đội Kiểm tra liên ngành về phòng, chống tệ nạn mại dâm và phòng chống ma túy tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ bị lợi dụng trong hoạt động mại dâm và sử dụng ma túy. (4) Đề nghị quan tâm, nghiên cứu xây dựng chính sách cho các thành viên của đội kiểm tra liên ngành theo Nghị định số 178/2004/NĐ-CP ngày 15/10/2004 được hưởng phụ cấp hoặc thù lao khi thực hiện nhiệm vụ của đội. (5) Đề nghị ban hành Thông tư quy định về định mức kinh tế - kỹ thuật dịch vụ cai nghiện ma túy tại cơ sở cai nghiện ma túy công lập. (6) Đề nghị tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn cho các cán bộ làm công tác cai nghiện, cán bộ làm công tác tư vấn, giáo dục, cán bộ y tế cả trong cơ sở cai nghiện và cơ sở y tế cộng đồng. Nhằm khuyến khích cán bộ tham gia khóa đào tạo, nâng cao trình độ, kỹ năng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. (7) Đề nghị nghiên cứu xây dựng bộ giáo trình chuẩn hướng dẫn công tác giáo dục, tư vấn, phục hồi hành vi, nhân cách cho người nghiện ma tuý để thống nhất trong các cơ cở cai nghiện ma tuý. (8) Đề nghị quan tâm hỗ trợ nguồn kinh phí đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các cơ sở cai nghiện ma túy của tỉnh, nhằm đáp ứng yêu cầu về cơ sở vật chất, trang thiết bị theo quy định của Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 và Nghị định số 116/2021/NĐ-CP.
Bộ Thông tin và Truyền thông: Đề nghị hỗ trợ xây dựng, phát triển hạ tầng băng thông rộng chất lượng cao trên địa bàn tỉnh; ưu tiên việc triển khai tại các khu công nghiệp, cơ quan nhà nước, trường học, bệnh viện.
Bộ Giao thông vận tải: (1) Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, khi dừng phương tiện để kiểm tra, lực lượng Thanh tra giao thông vận tải phải tuân thủ nghiêm theo quy định tại Điểm a, Khoản 2, Điều 86 Luật Giao thông đường bộ và chấp hành quy trình thanh tra chuyên ngành kiểm tra xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ theo Thông tư số 02/2014/TT-BGTVT ngày 25/02/2014 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định quy trình thanh tra chuyên ngành, xử phạt vi phạm hành chính; công tác lập kế hoạch, chế độ báo cáo và quản lý nội bộ của thanh tra ngành Giao thông vận tải. Tuy nhiên, hiện nay Thông tư số 02/2014/TT-BGTVT đã hết hiệu lực từ ngày 01/3/2024, Bộ Giao thông vận tải chưa có văn bản thay thế nên lực lượng Thanh tra giao thông vận tải gặp nhiều khó khăn khi dừng phương tiện vì không có quy trình thực hiện nhiệm vụ. Theo quy định tại Khoản 2, Điều 43, Luật Thanh tra năm 2022 “người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành được cấp trang phục, thẻ thanh tra chuyên ngành theo quy định của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ để sử dụng khi thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành”, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể trang phục, thẻ thanh tra chuyên ngành cho lực lượng Thanh tra giao thông vận tải. Do vậy, đề nghị Bộ Giao thông vận tải xem xét, sớm ban hành Thông tư thay thế Thông tư 02/2014/TT-BGTVT ngày 25/02/2014 để lực lượng Thanh tra đường bộ căn cứ thực hiện nhiệm vụ theo đúng quy định của pháp luật, đồng thời có hướng dẫn về trang phục, thẻ thanh tra chuyên ngành của lực lượng Thanh tra giao thông vận tải theo quy định. (2) Đề nghị xây dựng khung pháp lý để xử lý tình trạng xe ghép, xe tiện chuyến, xe hợp đồng trá hình có xu hướng gia tăng, hoạt động công khai và quảng cáo trên các trang mạng xã hội Facebook, Zalo... Các loại xe làm dịch vụ này không đang ký kinh doanh vận tải hành khách, không được cấp phù hiệu, biển hiệu. Đây là biến tướng của xe "dù" hoạt động không đúng quy định của pháp luật, gây khó khăn trong công tác quản lý. Đặc biệt không đem lại nguồn thu cho ngân sách Nhà nước, chèn ép các đơn vị vận tải có giấy phép.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư: (1) Tại Điểm a, Khoản 1, Điều 5, Thông tư số 10/2021/TT-BXD ngày 25/8/2021 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng quy định: ”Chủ đầu tư, chủ sở hữu hoặc người quản lý, sử dụng công trình, cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh theo quy định tại Điều 7 Nghị định số 69/2021/NĐ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư tổ chức lập và phê duyệt nhiệm vụ kiểm định; lựa chọn tổ chức kiểm định xây dựng đủ điều kiện, năng lực và phù hợp với nội dung nhiệm vụ kiểm định để thực hiện;” Tại Điểm b, Khoản 1, Điều 5 Thông tư số 10/2021/TT-BXD quy định “Tổ chức kiểm định xây dựng được lựa chọn lập đề cương kiểm định trình cơ quan, tổ chức quy định tại điểm a khoản này phê duyệt, thực hiện kiểm định theo đề cương đã được phê duyệt và lập báo cáo kết quả kiểm định trình cơ quan nêu trên để được xem xét, nghiệm thu theo quy định.” Tại Khoản 2, Điều 5, Thông tư số 10/2021/TT-BXD quy định Đề cương kiểm định bao gồm 7 nội dung chính, trong đó có “e) Dự toán chi phí kiểm định”. Hiện nay, theo quy định của Luật Đấu thầu, đối với những gói thầu thông thường, việc thực hiện lựa chọn nhà thầu thực hiện theo Kế hoạch đấu thầu đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Cũng theo quy định của Luật đấu thầu thì trong kế hoạch đấu thầu phải có giá gói thầu, mà giá gói thầu thì được xác đinh trên cơ sở dự toán. Đối chiếu với quy định tại Điểm b, Điều 5, Thông tư số 10/2021/TT-BXD thì dự toán chi phí kiểm định lại do đơn vị kiểm định đã được lựa chọn lập trong đề cương kiểm định. Như vậy, khi chưa có dự toán chi phí kiểm định được duyệt thì không có cơ sở xác định giá gói thầu, mà khi chưa xác định được giá gói thầu thì chưa thể phê duyệt được Kế hoạch đấu thầu và nếu Kế hoạch đấu thầu chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì chủ đầu tư căn cứ cơ sở pháp lý nào để lựa chọn tổ chức kiểm định. Do đó, để việc tổ chức kiểm định tuân thủ đúng theo các quy định của pháp luật, đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư có hướng dẫn cách thức để triển khai thực hiện việc lựa chọn tổ chức thực hiện công tác kiểm định xây dựng, đánh giá khả năng chịu tải của công trình cầu đường bộ, đang khai thác. (2) Đề nghị nghiên cứu tham mưu, đề xuất Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi Luật Đầu tư. Trong đó, quy định cụ thể đối với dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp phù hợp với quy hoạch đã được phân cấp và được cấp có thẩm quyền phê duyệt thay vì quy định như hiện nay là không phải thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư (quy định tại khoản 1 Điều 31 Nghị định 32/2024/NĐ-CP ngày 15/3/2024 của Chính phủ).
Bộ Tư pháp: Đề nghị quan tâm thực hiện (1) bổ sung hoặc tối thiểu giữ nguyên biên chế đối với Cục Thi hành án dân sự tỉnh trong các năm tiếp theo để đảm bảo nguồn lực hoàn thành nhiệm vụ; (2) quan tâm chỉ đạo các đơn vị tham mưu sớm hoàn thiện thủ tục đầu tư xây dựng trụ sở Cục Thi hành án dân sự tỉnh để đưa vào khởi công, xây dựng; (3) bổ sung kinh phí sửa chữa, bảo trì cơ sở vật chất, trang thiết bị, công cụ phương tiện làm việc; (4) đầu tư xây dựng kho vật chứng bảo đảm việc tiếp nhận, bảo quản và xử lý tang tài vật tại đơn vị đúng quy định.
Bộ Tài chính: (1) Đề nghị hướng dẫn địa phương thực hiện quyết toán đối với các dự án hoàn thành không sử dụng vốn đầu tư công. (2) Đề nghị có hướng dẫn cụ thể đối với việc thực hiện sắp xếp lại, xử lý tài sản công theo Nghị định số 167/2017/NĐ-CP.
Bộ Tài nguyên và Môi trường: Đề nghị sớm ban hành các văn bản hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường để địa phương triển khai thực hiện, trong đó hướng dẫn cụ thể về: phương pháp định giá dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt; định mức kinh tế kỹ thuật về thu gom, vận chuyển xử lý chất thải rắn sinh hoạt; bổ sung Thông tư 05/2021/TT-BTNMT để có căn cứ sửa đổi quy định về chức năng nhiệm vụ của Sở TNMT theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; sửa đổi Nghị định 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 để tháo gỡ vướng mắc khi triển khai dự án quy mô nhỏ, ít nguy cơ tác động xấu đến môi trường.
Bộ Công thương: Đề nghị nghiên cứu, tham mưu trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế Nghị định số 02/2003/NĐ-CP ngày 14/01/2003 về phát triển và quản lý chợ; Nghị định số 114/2009/NĐ-CP ngày 23/12/2009 sửa đổi Nghị định số 02/2003/NĐ-CP ngày 14/01/2003 về phát triển và quản lý chợ để phù hợp với thực tế công tác quản lý chợ hiện nay.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Đề nghị quan tâm, hỗ trợ nguồn vốn để thực hiện nâng cấp, sửa chữa các công trình thủy lợi bị hư hỏng, xuống cấp do mưa bão nhằm phục vụ nhu cầu sản xuất và đảm bảo an toàn cho người dân./.