DetailController

Đoàn đại biểu quốc hội

Tổng hợp kiến nghị của cử tri tỉnh Hòa Bình tới Quốc hội, Chính phủ

04/01/2024 16:30
Thực hiện Luật Tổ chức Quốc hội; Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân; Nghị quyết liên tịch số 525/2012/NQLT/UBTVQH13-ĐCTUBTWMTTQVN ngày 27/9/2012 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về việc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội. Ngày 01/12/2023, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hòa Bình tổ chức để các vị đại biểu Quốc hội tỉnh (ĐBQH) tiếp xúc cử tri sau Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, kết quả cụ thể như sau:

Tâm tư, nguyện vọng của cử tri: Cử tri và Nhân dân tỉnh Hòa Bình đồng tình, nhất trí với các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; đồng thời đánh giá cao kết quả Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV và kỳ vọng nhiều nội được thông qua tại Kỳ họp sẽ sớm đi vào cuộc sống, góp phần phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân. Cử tri tiếp tục đề xuất hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng chống tham nhũng, cơ chế, chính sách cho cán bộ làm công tác phòng, chống tham nhũng; tập trung khắc phục những hạn chế, bất cập trong quá trình triển khai thi hành các chính sách pháp luật, kịp thời sửa đổi các quy định còn bất cập, vướng mắc trong công tác giám định tư pháp; việc bố trí biên chế cho ngành giáo dục; các chính sách an sinh xã hội và chính sách đặc thù phát triển kinh tế - xã hội.

Kết quả tiếp xúc cử tri: Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức 02 cuộc tiếp xúc cử tri tại huyện Lạc Thủy và huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình; với gần 600 cử tri tham dự.

Nội dung kiến nghị cụ thể:

Đối với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội: Đề nghị Quốc hội, tiếp tục quan tâm, đẩy mạnh hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng chống tham nhũng, lãng phí. Luật Giám định tư pháp được ban hành từ năm 2012, đến nay nhiều nội dung không còn phù hợp, đề nghị Quốc hội sớm sửa đổi để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong giám định tư pháp hiện nay. Trong đó, cần quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức giám định, giám định viên, xây dựng đầy đủ,  cụ thể quy chuẩn, quy trình giám định tư pháp, tập trung đầu tư cho giám định trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, đầu tư, xây dựng, đất đai; có hướng dẫn cụ thể về tình tiết thiệt hại khác quy định tại Điều 356 Bộ Luật Hình sự đối với tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ đối với các thiệt hại phi vật chất hoặc khi không thể giám định được thiệt hại.

Đối với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ: Cử tri tiếp tục đề nghị Thủ tướng Chính phủ quan tâm, chỉ đạo bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, tiếp tục cụ thể hóa Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 24/3/2020 và sớm phê duyệt Đề án phát triển kinh tế - xã hội các xã vùng CT229 tỉnh Hòa Bình, giai đoạn 2021 – 2025 để tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương trong phát triển kinh tế - xã hội.

Đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo các cơ quan chức năng sớm triển khai, hướng dẫn một số nội dung để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động giám định tư pháp: Ban hành hướng dẫn về căn cứ, cách thức trưng cầu các tổ chức, cá nhân có năng lực làm giám định, đảm bảo tính khách quan của hoạt động giám định. Hướng dẫn việc xem xét, đánh giá và sử dụng kết luận giám định trong hoạt động tố tụng để đảm bảo việc giải quyết các vụ án, nhất là án tham nhũng được chính xác và khách quan. Ban hành các quy chế phối hợp giữa các cơ quan tố tụng với các cơ quan quản lý, giữa các cơ quan tiến hành tố tụng với các tổ chức giám định tư pháp, trong đó xác định rõ nội dung, cách thức, cơ chế phối hợp cho phù hợp với tính chất đặc thù của giám định tư pháp./.