Thực hiện chính sách tiền lương, BHXH, Sở LĐ TB&XH đã nắm bắt, tổng hợp tình hình tiền lương, tiền thưởng tết dương lịch, âm lịch năm 2018 tới các doanh nghiệp trên địa bàn, quản lý việc tăng cường tuân thủ pháp luật lao động, thúc đẩy quan hệ hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp. Điều tra, khảo sát trên lĩnh vực lao động – tiền lương, kết quả cho thấy khoảng 89% số doanh nghiệp đang còn hoạt động đảm bảo thực hiện đúng việc trả lương bằng hoặc cao hơn mức lương tối thiểu vùng. Hiện mức tiền lương bình quân chung hằng tháng của người lao động trong doanh nghiệp là 4.840.000 đồng. Tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện các Nghị quyết, Chương trình hành động nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT; xây dựng chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH theo Nghị quyết số 102/NQ-CP của Chính phủ. Hiện lực lượng lao động trong độ tuổi đang làm việc trên địa bàn tỉnh tham gia BHXH mới chiếm khoảng 16% (trên 73 nghìn người). Mục tiêu phấn đấu đến năm 2021 đạt khoảng 22%, đến năm 2025 đạt khoảng 26%, 2030 đạt khoảng 35%.
Trong giải quyết việc làm, Trung tâm Dịch vụ việc làm đã phối hợp tổ chức 11 cuộc tư vấn giới thiệu việc làm tại các địa phương cho gần 2000 lao động đã có 150 lao động được doanh nghiệp tuyển dụng. Ngoài ra, Trung tâm đã tổ chức 11 phiên giao dịch việc làm với gần 200 lượt doanh nghiệp tham gia, có trên 2.500 lao động được tư vấn tại sàn trong đó có 206 lao động được tuyển dụng. Tư vấn và giải quyết trợ cấp thất nghiệp cho trên 1.800 lao động với số tiền chi trả trợ cấp thất nghiệp trên 20 tỷ đồng. Kết quả, trong 9 tháng đầu năm đã giải quyết việc làm cho 12.880 lao động (đạt 78,06% kế hoạch năm). Ước cả năm 2018 giải quyết việc làm trong nước đạt khoảng 16.400 lao động, vượt chỉ tiêu HĐND giao 4,4%. Cơ cấu lao động trong nhóm ngành nông lâm ngư nghiệp giảm còn khoảng 62,5%, tỷ lệ thất nghiệp của lao động khu vực thành thị chiếm khoảng 3%. Để đảm bảo an toàn lao động, tỉnh đã triển khai tháng hành động an toàn – vệ sinh lao động lần thứ 2 năm 2018 với chủ đề “Chủ động phòng ngừa và kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, có tại tại nơi làm việc để hạn chế tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp”. Các huyện, thành phố đã tổ chức tuyên truyền bằng nhiều hình thức như: qua hệ thống đài phát thanh, truyền hình địa phương, xe tuyên truyền lưu động; cấp phát 5.283 tranh áp phích, tờ rơi, sách về công tác bảo hộ lao động; treo 736 băng rôn, khẩu hiệu tại các trục đường chính, nơi đông người qua lại; tổ chức ký kết giao ước thi đua về thực hiện công tác ATVSLĐ-PCCN giữa doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước và các xã, phường, thị trấn. Trong tháng hành động, BCĐ tỉnh và huyện đã xây dựng kế hoạch và tổ chức 18 cuộc kiểm tra, thanh tra liên ngành đối với 293 doanh nghiệp, tổ chức 21 lớp huấn luyện hưởng ứng tháng hành động cho 1.452 lao động, huấn luyện cho 176 người sử dụng lao động và cán bộ an toàn…Tổ chức 02 hội nghị tư vấn hỗ trợ pháp luật ATVSLĐ cho người làm việc không theo hợp đồng lao động trên địa bàn huyện Kim Bôi, huyện Tân Lạc; mở 07 hội nghị tập huấn nghiệp vụ điều tra, thống kê người dân địa phương bị chết do tai nạn lao động giai đoạn 2016-2018 cho công chức phụ trách công tác lao động thương binh xã hội cấp xã, huyện.
Đối với công tác giáo dục nghề nghiệp, triển khai các Thông tư của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội về công tác giáo dục nghề nghiệp tới các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; cho phép các trường được phối hợp với Trung tâm GDNN-GDTX các huyện trong việc tổ chức khảo sát, tuyển sinh đào tạo. Tổ chức đoàn tham dự Kỳ thi tay nghề quốc gia lần thứ X năm 2018 với 3 nghề: công nghệ hàn, điện lạnh, lắp đặt điện; tổ chức thành công hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp năm 2018 của tỉnh với 27 nhà giáo đến từ 15 cơ sở giáo dục nghề nghiệp của tỉnh…Kết quả tuyển sinh đào tạo đến tháng 9 năm 2018 đạt 8.612 người (54,9% kế hoạch năm), ước hết năm tuyển sinh đạt 15.600 người (đạt 100,6% kế hoạch năm). Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 53%, trong đó có bằng cấp chứng chỉ đạt 19,5%, đạt chỉ tiêu giao.
Thực hiện chính sách đối với người có công và phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, dịp Tết nguyên đán Mậu Tuất và kỷ niệm 71 năm ngày thương binh, liệt sỹ 27/7 đã triển khai, hướng dẫn các huyện, thành phố thực hiện thăm hỏi và tặng trên 51 nghìn xuất quà cho người có công và thân nhân với tổng kinh phí trên 10 tỷ đồng. Tổ chức 02 buổi tư vấn lưu động về pháp luật và trợ giúp pháp lý miễn phí cho thân nhân các gia đình liệt sỹ của tỉnh Hòa Bình trong việc tìm kiếm thông tin về liệt sỹ, mộ liệt sỹ, phương pháp xác định danh tính hài cốt liệt sỹ còn thiếu thông tin tại thành phố Hòa Bình và huyện Lạc Sơn. Kết quả đã có 1.050 hộ gia đình thân nhân liệt sỹ tới tham dự và được tư vấn. Sở LĐ TB&XH còn thực hiện di chuyển tổng số 304 mộ từng nghĩa trang liệt sỹ chiến dịch Hòa Bình tại phường Phương Lâm về phường Chăm Mát, thành phố Hòa Bình. Hỗ trợ kinh phí xây dựng 04 công trình ghi công liệt sỹ số vốn 880 triệu đồng. Phát động 248 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh ủng hộ Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” với 17.377 người tham gia ủng hộ, kinh phí ước đạt 1.500 triệu đồng. Từ nguồn vốn này, đã xây mới, sửa chữa cho 50 nhà, số tiền trên 1,1 tỷ đồng. Ngoài ra, thực hiện Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, hỗ trợ 5.447 nhà, số tiền gần 140 tỷ đồng cho người có công trên địa bàn tỉnh, trong đó hỗ trợ cho 1.546 hộ xây mới (40 triệu đồng/hộ); sửa chữa, cải tạo nhà ở cho 3.901 hộ gia đình (20 triệu đồng/hộ). Có thể nói các chế độ chính sách đối với người có công được quan tâm và thực hiện kịp thời, đầy đủ đúng theo quy định từ tỉnh đến cơ sở. Ước tính hết năm 2018 toàn tỉnh có 97% hộ người có công có mức sống bằng và cao hơn mức trung bình của người dân trên cùng địa bàn cư trú; 100% xã, phường, thị trấn được công nhận làm tốt công tác thương, binh liệt sỹ và người có công.
Bên cạnh đó, các địa phương đã thực hiện cấp 603.648 thẻ BHYT miễn phí cho đối tượng thuộc hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số, đối tượng bảo trợ xã hội. Tổ chức khảo sát địa bạn thực hiện Dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo năm 2018 tại huyện Lạc Thủy và Yên Thủy; kiểm tra, giám sát thực hiện dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo “nuôi ong lấy mật” tại xã Mông Hóa, huyện Kỳ Sơn. Với tổng kinh phí dành cho các dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo năm 2018 là trên 251 tỷ đồng, cùng với các nguồn vốn lồng ghép khác đặc biệt là chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đã hỗ trợ các hộ nghèo, hộ cận nghèo phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập vươn lên thoát nghèo. Ước cuối năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo chung toàn tỉnh giảm xuống còn 14,9%, giảm 3,1% so với năm 2017, đạt chỉ tiêu kế hoạch.
Hiện nay, toàn tỉnh có 100% các huyện, thành phố triển khai thực hiên ít nhất 02 mô hình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề trẻ em, 100% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được trợ giúp, 205 xã, phường đạt tiêu chuẩn phù hợp với trẻ em (chiếm 97,6%). Quỹ bảo trợ trẻ em đã vận động các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm tặng quà bằng tiền mặt và hiện vật cho 425 trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tổng trị giá 230 triệu đồng. Ngoài ra còn nhiều hoạt động ý nghĩa và thiết thức khác như: triển khai chương trình phẫu thuật nụ cười; khám sàng lọc và tư vấn miễn phí cho trên 4 nghìn trẻ em; hỗ trợ cho 10 trẻ em bị bệnh tim bẩm sinh…/.