Hướng đến môi trường xanh, sạch, đẹp, UBND tỉnh đã xây dựng và ban hành các văn bản về môi trường. Xử lý nghiêm các trường hợp gây ô nhiễm môi trường; đôn đốc các cơ sở, doanh nghiệp thực hiện quan trắc môi trường và quản lý chất thải; thực hiện giám sát quan trắc môi trường. Hưởng ứng các hoạt động vì môi trường, như: Ngày Môi trường thế giới 05/6, Ngày nước thế giới 22/3; Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn. Đồng thời, cung cấp thông tin, tài liệu cho Trung tâm quy hoạch và điều tra tài nguyên nước Quốc gia thực hiện Dự án “Điều tra, tìm kiếm nguồn nước tại các vùng núi cao, vùng khan hiếm nước…
Công tác giám sát quan trắc, quản lý chất thải nguy hại (CTNH) được tập trung thực hiện. Cơ quan chức năng của tỉnh hướng dẫn, đôn đốc các cơ sở, doanh nghiệp thực hiện kê khai, nộp phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp, xây dựng và triển khai kế hoạch lấy mẫu, phân tích mẫu nước thải công nghiệp. Cụ thể năm 2021, thực hiện 212 lượt giám sát quan trắc môi trường định kỳ tại các cơ sở, doanh nghiệp. Đôn đốc, giám sát các cơ sở sản xuất thuộc đối tượng phải lắp đặt quan trắc khí thải tự động và truyền dữ liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường; xem xét thẩm định cấp/cấp lại sổ chủ nguồn thải CTNH cho 10 đơn vị và chấp thuận nội dung đăng ký chủ nguồn thải CTNH cho 13 đơn vị. Năm 2022, thực hiện 73 lượt giám sát quan trắc môi trường định kỳ tại các cơ sở, doanh nghiệp; xem xét thẩm định cấp/cấp lại sổ chủ nguồn thải CTNH cho 3 đơn vị. Năm 2023, thực hiện 70 lượt giám sát quan trắc môi trường định kỳ tại các cơ sở, doanh nghiệp; đôn đốc, giám sát các cơ sở sản xuất thuộc đối tượng phải lắp đặt quan trắc khí thải tự động và truyền dữ liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường chậm nhất trước ngày 31/12/2024 theo quy định tại Nghị định số 08/2022/NĐ-CP.
Hiện nay, việc nghiên cứu, áp dụng các công nghệ xử lý môi trường tiên tiến hiện đại, thân thiện với môi trường trong tất cả các công đoạn sản xuất được chú trọng ngay từ giai đoạn thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giác tác động môi trường, cấp giấy phép môi trường. Các cơ sở, doanh nghiệp có ý thức khá tốt trong việc xử lý chất thải phát sinh, chủ động xây dựng các công trình xử lý chất thải trước khi thải ra môi trường. Với quan điểm là tập trung thu hút các dự án có quy mô lớn, công nghệ tiên tiến, xanh, sạch, thân thiện môi trường, sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả, đóng góp nhiều ngân sách, giải quyết nhiều việc làm cho người lao động. Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp các sở, ngành trong việc đánh giá, thẩm định công nghệ cao cần ưu tiên đầu tư với các dự án công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường; đối với các dự án thuộc lĩnh vực, công nghệ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường hạn chế thu hút đầu tư vào địa bàn tỉnh hoặc giới thiệu vào các khu, cụm công nghiệp để quản lý về môi trường. Yêu cầu các dự án đầu tư phải thực hiện đúng các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và quy định về luật chuyển giao công nghệ trong quá trình đầu tư xây dựng và đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh.
Công tác phòng chống giảm nhẹ thiên tai được tăng cường. Tỉnh đẩy mạnh các hoạt động bảo tồn, quản lý bền vững đa dạng sinh học và khuyến khích áp dụng công nghệ thân thiện với môi trường trong sản xuất nông- lâm- thủy sản. Trong đó, tập trung các biện pháp bảo vệ và phát triển rừng, quản lý rừng bền vững, nâng cao nhận thức về vai trò của rừng với phát triển kinh tế xã hội và ứng phó biến đổi khí hậu. Các phương án phát triển mạng lưới thủy lợi, cấp nước và phương án phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu được xây dựng, đảm bảo tích hợp trong quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Sự vào cuộc từ các cấp, ngành đến bà con nông dân, doanh nghiệp, các cơ sở chế biến, kinh doanh nông lâm thủy sản giúp các mặt của công tác trên ngày càng đạt nhiều kết quả tốt hơn. Đặc biệt, quá trình sản xuất nông nghiệp theo quy trình đảm bảo an toàn thực phẩm, GAP, hữu cơ; quá trình xử lý chất thải; hoạt động bảo vệ phát triển tài nguyên rừng... đã góp phần mang lại hiệu quả cao trong bảo vệ môi trường, cảnh quan sinh thái. Công tác trồng rừng, bảo vệ rừng được quan tâm, độ che phủ rừng được duy trì hàng năm đều đạt 51,5% trở lên.
Bên cạnh các hoạt động bảo vệ môi trường, tỉnh quan tâm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống ma túy; nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện ma túy, quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy - Vì một cộng đồng khỏe mạnh và an toàn. Đến nay, các cơ sở đã cai nghiện cho 1.476 người, hiện đang quản lý 863 người. Ngoài ra mỗi năm có trên 800 người nghiện được cai nghiện bằng các thuốc thay thế Methadone. Phong trào xây dựng xã, phường lành mạnh không có tệ nạn xã hội được thực hiện gắn kết, lồng ghép với hoạt động của các Đội hoạt động xã hội tình nguyện, Câu lạc bộ phòng chống tệ nạn xã hội, Đội tự quản, Nhóm đồng đẳng về phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”. Kết quả đến cuối năm 2023 tỉnh tiếp tục duy trì được 35/151 xã, phường, thị trấn không có tệ nạn ma túy và 135/151 xã, phường, thị trấn không có tệ nạn mại dâm. Không phát sinh mới các điểm nóng về tệ nạn xã hội.
Có thể thấy, các hoạt động phát triển cộng đồng bền vững, an toàn được diễn ra thường xuyên, tạo sự gắn kết cộng đồng và mang lại lợi ích cho người dân./.