DetailController

Tin từ các đơn vị

Tỉnh Hòa Bình quan tâm chăm sóc, bảo vệ trẻ em

21/11/2018 00:00
Hiện nay, trên toàn tỉnh có 209.383 trẻ em, chiếm 25% dân số của tỉnh. Trong đó, có 2.499 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và 38.696 trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt. Thời gian qua, việc chăm sóc, bảo vệ trẻ em được quan tâm, thực hiện ở cả 3 cấp độ: phòng ngừa, giảm thiểu và trợ giúp. Giảm thiểu số lượng trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt và có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt. Tạo cơ hội cho trẻ em phát triển toàn diện về cả thể chất, tâm lý, tình cảm, nhận thức, đạo đức và xã hội. Thực hiện tốt các quyền và lợi ích của trẻ em theo quy định của pháp luật thông qua hệ thống các văn bản hướng dẫn và tập huấn.
Tại tỉnh Hòa Bình, tỷ lệ trẻ em đi học đúng độ tuổi ở bậc tiểu học đạt 98%

Hàng năm, tỉnh Hòa Bình đều triển khai Tháng hành động vì trẻ em đến các huyện, thành phố. Năm 2016 có chủ đề “Vì cuộc sống an toàn, phòng, chống tai nạn, thương tích cho trẻ em” nhằm tăng cường công tác phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em. Đặc biệt chú trọng công tác tăng cường phòng, chống nạn đuối nước trẻ em. Năm 2017 với chủ đề “Triển khai Luật trẻ em và phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em” đã hỗ trợ, hướng dẫn cho cán bộ lao động – thương binh xã hội các cấp thực hiện các quy trình can thiệp, giúp đỡ trẻ em bị xâm hại theo đúng quy định của Nghị định 56/2017/NĐ-CP ngày 09/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về quy định chi tiết một số điều Luật Trẻ em. Sau khi được can thiệp, hỗ trợ theo Thông tư 98/2017/TT-BTC ngày 29/9/2017 của Bộ Tài Chính quy định việc quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình mục tiêu Phát triển hệ thống trợ giúp xã hội giai đoạn 2016-2020 các em đã trở lại sinh hoạt bình thường và hòa nhập cộng đồng. Năm 2018 có chủ đề “Vì cuộc sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em trong thế giới công nghệ số”, tập trung hướng về cơ sở nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, nhà trường và gia đình trong việc phát huy các tác động tích cực, hạn chế các tác dụng tiêu cực của thế giới công nghệ số đến sự phát triển toàn diện của trẻ em. Thúc đẩy việc phổ biến, giáo dục kiến thức, kỹ năng sử dụng công nghệ số an toàn, lành mạnh; kỹ năng phòng ngừa bạo lực, xâm hại trẻ em trên môi trường mạng cho cha mẹ, giáo viên, người chăm sóc trẻ em và trẻ em. Hằng năm, UBND các cấp củng cố cơ cấu tổ chức liên ngành bảo vệ trẻ em và nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em tại địa phương.

Từ năm 2016 đến tháng 10/2018, theo thống kê của ngành LĐ TB&XH, trên địa bàn tỉnh Hòa bình đã xảy ra 613 trẻ em bị tai nạn thương tích làm tử vong 97 trẻ (79 trẻ đuối nước, 5 tai nạn giao thông, 13 trẻ tử vong do nguyên nhân khác). Phát hiện, xử lý 71 vụ xâm hại tình dục trẻ em, đối với các trường hợp trẻ em bị xâm hại được hỗ  trợ theo đúng quy định của Nghị định 56/2017/NĐ-CP ngày 09/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em.

Hàng năm, trong các dịp Tết Nguyên đán, Tháng hành động vì trẻ em, ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6, Tết trung thu, UBND các cấp, các tổ chức, đòan thể, các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh đã có sự hỗ trợ, ủng hộ, tặng quà với những việc làm, công trình thiết thực để giúp đỡ các em nhỏ trên địa bàn tỉnh. Sau 2 năm, toàn tỉnh có 3.448 điểm tổ chức Tết trung thu các cấp với sự tham gia của 428.808 lượt trẻ em, số trẻ em được thăm hỏi, tặng quà là 87.555 trẻ em với tổng trị giá trên 4 tỷ đồng. Trong công tác chăm sóc trẻ em, giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể nhẹ cân còn 16,5‰; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể thấp còi còn 24,5‰; giảm tỷ suất tử vong trẻ em dưới 1 tuổi xuống còn 12,3‰; tỷ suất tử vong trẻ em dưới 5 tuổi xuống dưới 13,8‰. Tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo được chăm sóc, giáo dụ tại các cơ sở giáo dục mầm non đạt 96,8%; tỷ lệ trẻ em đi học đúng độ tuổi ở bậc tiểu học đạt 98%; tỷ lệ trẻ em đi học đúng độ tuổi ở bậc Trung học cơ sở đat 96,2%. Số trường đạt chuẩn an toàn là 637 trường.

Các cơ quan, ban, ngành chức năng hướng dẫn và tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí, văn hóa, thể thao cho trẻ em, tổ chức các cuộc thi trò chơi dân gian…Bên cạnh đó lồng ghép truyền thông giáo dục kỹ năng tự biết bảo vệ mình tránh xa các nguy cơ bị lợi dụng, xâm hại, tự phòng tránh tai nạn thương tích trẻ em, tạo điều kiện để phát huy quyền tham gia của trẻ em, góp phần hạn chế trẻ em tham gia vào các trò chơi mang tính cá cược, bạo lực, gây rối trật tự công cộng và các tệ nạn xã hội. Từ năm 2016-2018, đã tổ chức được 258 hội thi các cấp, 144 cuộc cắm trại, 58 lớp năng khiếu miễn phí và 635 hoạt động vui chơi, giải trí khác thu hút 120.860 trẻ em tham gia.

Nhằm thúc đẩy thực hiện quyền tham gia của trẻ em, tạo cơ hội cho trẻ được bày tỏ ý kiến, nguyện vọng của mình về các vấn đề liên quan tới trẻ em, tỉnh Hòa Bình đã tổ chức 117 diễn đàn trẻ em các cấp với sự tham gia của 19.772 đại biểu trẻ em (chiếm gần 10% tổng số trẻ em toàn tỉnh). Qua đó trẻ em được chia sẻ sự hiểu biết và bày tỏ quan điểm, nguyện vọng mình, bồi dưỡng, trang thiết bị cho trẻ em kỹ năng thực hành xã hội. Trên địa bàn tỉnh có 02 chương trình hoạt động do trẻ em khởi xướng với sự tham gia của 400 trẻ em và 166 CLB quyền tham gia của trẻ em với 6.582 trẻ em giúp trẻ phát triển năng lực bản thân và tự tin…

Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh đã phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng tăng cường các hoạt động truyền thông, thông tin thông qua các phóng sự, tin bài về trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, công tác vận động hỗ trợ trẻ em trên địa bàn toàn tỉnh. Từ tháng 8/2017 đến tháng 10/2018 đã vận động được trên 2,5 tỷ đồng.

Tuy nhiên, công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em trên địa bàn tỉnh vẫn gặp phải không ít khó khăn như công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật ở một số địa phương chưa sát sao; các kiến thức, kỹ năng bảo vệ, chăm sóc giáo dục trẻ em của cha mẹ, người chăm sóc trẻ và của chính bản thân trẻ chưa thật đầy đủ. Tình trạng trẻ em bị xâm hại tình dục, trẻ em tử vong do tai nạn thương tích, trẻ em vi phạm pháp luật vẫn còn xảy ra, đặc biệt ở huyện: Kim Bôi, Lương Sơn, Đà Bắc, Yên Thủy, Lạc Sơn, thành phố Hòa Bình…Số trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tuy có giảm nhiều so với năm 2016 nhưng số trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tăng cao do hậu quả của mưa lũ, thiên tai. Việc đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng khu vui chơi, bể nơi và chương trình bơi an toàn cho trẻ em còn nhiều khó khăn…

Từ nay đến năm 2020, tỉnh Hòa Bình tiếp tục đẩy mạnh công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em nhằm mục tiêu: giảm tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt xuống dưới 9%/tổng số trẻ em; 90% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp, chăm sóc để phục hồi, hòa nhập cộng đồng và có cơ hội phát triển; duy trì tỷ lệ xã, phường đạt chuẩn phù hợp với trẻ em trên 90%; 100% pháp luật, chính sách về trẻ em ở cấp tỉnh, cấp huyện được tham vấn ý kiến trẻ em; 100% các huyện, thành phố triển khai thực hiện ít nhất 02 mô hình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề của trẻ em; 75% trẻ em trong độ tuổi tiểu học, THCS biết kỹ năng an toàn trong môi trường nước…/.