Để đạt được kết quả trên, các cấp ủy Đảng, chính quyền đều đã đưa công tác Dân số và Phát triển vào nội dung trọng tâm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, đặc biệt là các nội dung về: Giảm mất cân bằng giới tính khi sinh; bình đẳng giới, giảm sinh con thứ 3. Đồng thời, thường xuyên, kịp thời củng cố, kiện toàn Ban Chỉ đạo công tác Dân số và Phát triển các cấp nhằm tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, cũng như việc phối hợp giữa các ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội.
Xác định tầm quan trọng của công tác truyền thông, các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở luôn tích cực triển khai các hoạt động thông tin, giáo dục, truyền thông. Hằng năm, Ủy ban nhân dân tỉnh giao Ban Chỉ đạo công tác Dân số và Phát triển tỉnh có văn bản hướng dẫn các thành viên Ban Chỉ đạo và các cơ quan chuyên môn xây dựng Kế hoạch truyền thông, giáo dục, tăng cường truyền thông về kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh với nhiều nội dung, hình thức phong phú, theo từng nhóm đối tượng cụ thể phù hợp với đặc thù. Tăng cường tuyên truyền, giáo dục về công tác dân số, bình đẳng giới trong trường học với tinh thần không làm nặng thêm chương trình và phù hợp với lứa tuổi học sinh. Tổ chức triển khai hội thảo, truyền thông, tư vấn chăm sóc sức khỏe sinh sản cho vị thành niên, thanh niên tại các trường trung học sơ sở, trung học phổ thông. Từ đây, giúp các bạn trẻ có hiểu biết, kiến thức về Chăm sóc sức khoẻ sinh sản - Kế hoạch hoá gia đình, phòng tránh được các bệnh lây truyền qua đường tình dục, giảm tình trạng nạo phá thai ngoài ý muốn, giảm tình trạng tảo hôn, tiến tới đảm bảo hôn nhân bền vững, nâng cao chất lượng giống nòi. Các sở, ban, ngành, đoàn thể thường xuyên lồng ghép các chương trình, hoạt động phối hợp tổ chức truyền thông nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên và Nhân dân về Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, bình đẳng giới, tập trung vào nâng cao nhận thức thay đổi hành vi nhằm giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh.
Các chính sách khuyến khích hỗ trợ cũng được thực hiện kịp thời. Nhiều hoạt động được tổ chức nhằm hỗ trợ nâng cao vai trò vị thế của trẻ em gái trong cộng đồng. Đến nay, tỉnh đã tổ chức 10 cuộc “Tọa đàm, gặp mặt các gia đình tiêu biểu sinh con một bề là gái, các cháu có thành tích học tập tốt” tại 10 huyện, thành phố. Qua đó đã xây dựng hình ảnh, giá trị của phụ nữ, trẻ em gái trong gia đình và cộng đồng; tuyên truyền, giáo dục và tôn vinh những giá trị tốt đẹp của gia đình sinh hai con gái, con gái học giỏi, thành đạt, con gái chăm sóc nuôi dưỡng cha mẹ, ông bà; đồng thời, tạo cơ hội cho các gia đình được gặp gỡ, chia sẻ những kinh nghiệm hay, những bài học quý về xây dựng gia đình “No ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc và bền vững”. Ngoài ra, các địa phương đã thực hiện rà soát và chi trả chính sách hỗ trợ cho phụ nữ thuộc hộ nghèo là người dân tộc tiểu số khi sinh con đúng chính sách dân số trên địa bàn tỉnh. Tổng số tiền hỗ trợ trong giai đoạn 2018-2022 là gần 9,3 tỷ đồng.
Mặc dù đã bước đầu khống chế được tốc độ gia tăng mất cân bằng giới tính khi sinh, tuy nhiên tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên có chiều hướng gia tăng. Tỉnh Hòa Bình vẫn thuộc nhóm các tỉnh có tỷ số giới tính khi sinh cao. Nguyên nhân do quan niệm “Trọng nam hơn nữ còn tồn tại trong một bộ phận dân cư; chính sách xử lý vi phạm đối với hành vi lựa chọn giới tính thai nhi còn chưa cụ thể và đủ sức răn đe.
Do đó, thời gian tới ngành sẽ tăng cường thực hiện đồng bộ các giải pháp trong truyền thông và các hoạt động kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi tại các cơ sở y tế. Để giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới khi sinh, rất cần sự chung tay của toàn xã hội trong tuyên truyền, vận động làm thay đổi nhận thức của người dân và chính những người thân trong gia đình./.