DetailController

CNTT và Viễn Thông

Tình hình ứng dụng Công nghệ thông tin phát triển Chính quyền điện tử thành phố Hòa Bình năm 2021

10/12/2021 00:00
Ứng dụng Công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động của chính quyền là nhiệm vụ trọng tâm để triển khai thành công Chính quyền điện tử theo Nghị quyết số 36a/NQ-CP của Chính phủ về Chính phủ điện tử. Thời gian qua, Ban Chỉ đạo Chính quyền điện tử thành phố Hòa Bình đã và đang tập trung thực hiện các giải pháp đẩy mạnh ứng dụng và phát triển CNTT vào hoạt động của các cơ quan, đơn vị, trong đó lấy người dân làm trung tâm, hướng tới nền hành chính hiện đại, minh bạch, từ đó nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan Nhà nước, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Thành phố đã triển khai sử dụng hệ thống Một cửa điện tử hiện đại góp phần phụ vụ tốt người dân và doanh nghiệp

Ngay từ cuối năm 2020, UBND thành phố đã ban hành Kế hoạch về Ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan Nhà nước, phát triển Chính phủ số/ Chính quyền số, bảo đảm an toàn thông tin mạng giai đoạn 2021 - 2025 và kế hoạch năm 2021 đã triển khai tới 19/19 xã, phường trên địa bàn thành phố Hòa Bình. Đến nay, 100% cán bộ, công chức, viên chức tại UBND thành phố, các phường, xã đều được trang bị máy tính phục vụ công việc chuyên môn; hồ sơ cán bộ, công chức, viên chức tại UBND thành phố, các phường, xã được cập nhật, quản lý, khai thác trong hệ thống phần mềm quản lý cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh; toàn bộ văn bản trao đổi giữa các cơ quan Nhà nước dưới dạng điện tử; 100% văn bản ban hành của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND thành phố, UBND các phường, xã được ký số và gửi liên thông trong hệ thống phần mềm Quản lý văn bản điều hành; 100% hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND thành phố, UBND các phường, xã được cập nhật, quản lý trong hệ thống phần mềm Một cửa điện tử; 20% số lượng người dân và doanh nghiệp tham gia hệ thống thông tin Chính quyền điện tử được xác thực định danh điện tử thông suốt và hợp nhất trên tất cả các hệ thống thông tin của các cấp chính quyền; 20% dịch vụ công trực tuyến sử dụng chữ ký số để thực hiện thủ tục hành chính; 50% dịch vụ công trực tuyến xử lý bằng hồ sơ điện tử; 20% thông tin của người dân được tự động nhập vào biểu mẫu trực tuyến.

          Nhằm phục vụ người dân và doanh nghiệp được tốt hơn, hiện nay, thành phố đã được triển khai sử dụng hệ thống Một cửa điện tử hiện đại, năm 2021, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 đạt 83%; tỷ lệ thủ tục hành chính cung cấp trực tuyến mức độ 3,4 đạt 55,4%; tỷ lệ thủ tục hành chính được giải quyết trực tuyến mức độ 3,4 đạt 86,3%; tỷ lệ hồ sơ đã tiếp nhận qua dịch vụ BCCI so với tổng số hồ sơ đã tiếp nhận đối với các thủ tục hành chính có phát sinh hồ sơ tiếp nhận qua dịch vụ BCCI đạt 12,2%; tỷ lệ hồ sơ đã trả kết quả qua dịch vụ BCCI đạt 28,8%. 19/19 xã, phường triển khai hội nghị trực tuyến đồng bộ nhằm tăng cường chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đảm bảo thông tin nhanh chóng, chính xác, kịp thời, tiết kiệm thời gian và chi phí đi lại, góp phần cải cách hành chính, từng bước xây dựng Chính quyền điện tử và nền hành chính hiện đại./.