DetailController

Nông, Lâm, Ngư Nghiệp

Tình hình sản xuất nông nghiệp tháng 5

21/05/2024 16:30
Trong tháng 5 năm 2024 tình hình sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản và lâm nghiệp được duy trì ổn định, thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm chủ động ứng phó với diễn biến của thời tiết, giảm thiểu các rủi ro do thiên tai gây ra. Do vậy, tiến độ sản xuất được đảm bảo, lúa và cây màu gieo cấy trong khung thời vụ tốt nhất.
Các địa phương đang tập trung chăm sóc lúa, chuẩn bị bước vào vụ thu hoạch

Trong tháng, các địa phương chủ động bón phân, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh kịp thời, do đó các loại cây trồng sinh trưởng phát triển khá. Đến nay diện tích gieo trồng vụ Đông Xuân trên toàn tỉnh đạt 64.960,8 ha/62.000 ha, tăng 4,78 % so với kế hoạch. Trong đó, cây lương thực có hạt đạt trên 36 nghìn ha, công công nghiệp ngắn ngày khoảng 2,8 nghìn ha. Tình hình sâu, bệnh phát sinh gây hại xuất hiện ở một số địa phương, tuy nhiên ngành Nông nghiệp đã chỉ đạo đơn vị chuyên môn hướng dẫn người dân tiếp tục thực hiện tốt các giải pháp phòng, trừ sâu bệnh, tập trung ở một số loại cây trồng chính. Duy trì ổn định hệ thống bẫy đèn, góp phần hỗ trợ cho công tác dự tính dự báo tình hình dịch hại cây trồng.

Tình hình chăn nuôi phát triển ổn định, tổng đàn vật nuôi toàn tỉnh hiện đạt 9,66 triệu con. Trong tháng đã triển khai đấu vắc-xin phòng bệnh và hoá chất khử trùng đông thời tham mưu, cấp phát để các địa phương thực hiện chỉ đạo công tác vệ sinh, tiêu độc khử trùng môi trường nuôi theo quy định. Tiếp tục hỗ trợ tiêm phòng cho vật nuôi tại xã Ngổ Luông, huyện Tân Lạc các loại vắc-xin: Tụ huyết trùng trâu, bò 1.000 liều; viêm da nổi cục trâu, bò 200 liều; Dịch tả lợn cổ điển 5.000 liều; Đậu dê 150 liều; Lasota cho gia cầm 2.500 liều. Lũy kế từ ngày 01/01/2024 đến ngày 10/5/2024 toàn tỉnh xảy ra 10 ổ dịch tả Châu Phi tại 03 huyện (Lạc Sơn 02 ổ; Mai Châu 05 ổ; Tân Lạc 03 ổ), tổng số gia súc mắc bệnh là 164 con, chết 09 con (07 con trâu, nghé; 02 con bò), các ổ dịch đều được địa phương triển khai các biện pháp chống dịch, kiểm soát kịp thời.

Tình hình sản xuất thủy sản ổn định, không có ổ dịch lớn xảy ra. Duy trì diện tích nuôi cá ao, nuôi cá ruộng là 2.695 ha (nuôi kết hợp ở các hồ thủy lợi 1,2 nghìn ha), số lồng nuôi cá 4.900 lồng; sản lượng nuôi trồng tháng 5 ước đạt: 850 tấn, luỹ kế năm 2024 ước đạt 4.149 tấn, đạt 43,21% kế hoạch giao. Sản lượng cá giống tháng 5 ước đạt 20 triệu con giống con các loại, lũy kế năm 2024 ước đạt 80 triệu con đạt 40% kế hoạch năm,

Trong tháng trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 04 vụ cháy rừng tại các huyện: Đà Bắc, Lạc Sơn và thành phố Hòa Bình, diện tích bị cháy là rừng sản xuất, nguyên nhân cháy rừng chủ yếu do đốt dọn thực bì sau khai thác rừng trồng dẫn đến cháy lan, các đám cháy đã được phát hiện sớm, lực lượng Kiểm lâm đã tham mưu cho chính quyền địa phương huy động lực lượng tại chỗ chữa cháy kịp thời, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do cháy rừng gây ra, diện tích rừng bị cháy khoảng 8,89 ha và 01 người bị thiệt mạng do bị ngạt khói. Trong tháng trên địa bàn tỉnh đã sản xuất được được 1.155.300 cây giống, lũy kế đến nay đã sản xuất được 9.732.500 cây giống phục vụ trồng rừng (đạt 61% kế hoạch). Trong tháng toàn tỉnh đã trồng được 1.438 ha rừng trồng tập trung và 74.262 cây phân tán, tính đến nay đã trồng rừng tập trung 4.068,15 ha/5.550 ha đạt 73,3% kế hoạch; trồng cây phân tán 403.747 cây/906.200 cây đạt 44,6% kế hoạch. Trong tháng 5/2024 trên địa tỉnh đã khai thác 1.184,91 ha rừng trồng tập trung, với khối lượng 100.784,14 m3 gỗ; khai thác cây phân tán được 1.240 m3 gỗ; 40.890,96 ste củi; 304.900 cây Tre, Bương, Luồng, Giang, Nứa, Lành hanh; 78,2 tấn dược liệu; 479,6 tấn măng tươi; 1.235 kg Mật ong rừng... tổng thu nhập từ rừng của các tổ chức, hộ gia đình trên địa bàn toàn tỉnh ước đạt là 113.273,06 triệu đồng.

Trong tháng, trên địa bàn toàn tỉnh đã phát hiện và xử lý 07 vụ vi phạm hành chính trong lĩnh vực Lâm nghiệp, tịch thu 01 cưa xăng và 10,612m3 gỗ, số tiền xử phạt 156,25 triệu đồng. Tiếp tục kiểm tra, giám sát các cơ sở chế biến, kinh doanh lâm sản, hướng dẫn các chủ xưởng cập nhập thông tin về nguồn gốc lâm sản vào sổ theo dõi nhập, xuất lâm sản theo quy định. Chủ động trong việc phối hợp tham mưu chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác theo quy định của pháp luật thông qua thủ tục hành chính một cửa theo quy định.

Thực hiện chiến dịch toàn dân làm thủy lợi đợt 1năm 2024 với khối lượng là: 298.091m3 đất đào đắp, phát dọn 1.622.761 m2 kênh mương, 5.000 m3 đá xây, ước tính ngày công huy động 330.985 công, tương ứng với kinh phí 23,17 tỷ đồng, đạt 101,6% so với kế hoạch.

Trong tháng do mưa lớn, giông lốc, sấm sét, mưa đá kèm gió giật mạnh... đã gây thiệt hại về người (bị thương); nhà cửa, diện tích lúa, hoa màu; cây trồng khác; gia súc, gia cầm, thủy sản, thủy lợi, giao thông và thiệt hại khác trên địa bàn các huyện: Tân Lạc, Mai Châu, Đà Bắc, Cao Phong. Ước giá trị thiệt hại do thiên tai gây ra trong 5 tháng đầu năm 2024 là khoảng trên 55 tỷ đồng.

Thời gian tới, ngành Nông nghiệp tiếp tục đôn đốc các địa phương tập trung chăm sóc, phòng trừ các loại sâu, bệnh trên các loại cây trồng. Tập trung thu hoạch lúa trà sớm đã chín, giải phòng đất và làm đất chuẩn bị cho sản xuất vụ Mùa - Hè thu. Điều tra phát hiện sinh vật hại cây trồng để dự báo sớm, hướng dẫn cơ sở và người nông dân áp dụng biện pháp quản lý phù hợp với từng đối tượng gây hại chính. Chủ động phòng chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi, tập trung xử lý dứt điểm các ổ dịch, không để phát sinh ổ dịch mới. Tổ chức tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn vật nuôi trên địa bàn tỉnh.

Tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn triển khai Luật Thủy sản, tuyên truyền phổ biến các quy định của Nhà nước về bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo vệ môi trường thủy sản. Tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Ủy ban nhân dân tỉnh về tăng cường công tác quản lý sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc, ngư cụ cấm để khai thác thủy sản và bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh. Tổ chức nắm bắt tình hình hoạt động khai thác thủy sản. Tăng cường công tác đăng ký nuôi trồng thủy sản lồng bè, đối tượng nuôi thủy sản chủ lực, truy xuất nguồn gốc. Chủ động xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch bệnh; tăng cường công tác kiểm dịch giống và giám sát dịch bệnh để kịp thời xử lý, ngăn chặn không để lây lan diện rộng. Đôn đốc các địa phương có biện pháp quản lý chặt chẽ các nguồn nước, hồ chứa, chủ động thực hiện điều tiết nước tưới hợp lý, tiết kiệm phục vụ sản xuất, sinh hoạt. Tiếp tục quản lý, bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có. Tăng cường công tác trực phòng chống cháy rừng. /.