Thời gian qua, các cấp, các ngành, đơn vị đã có sự quan tâm đến công tác tuyên truyền về Cuộc vận động; hình thức tuyên truyền tiếp tục được đổi mới về nội dung, đa dạng, phong phú về hình thức qua đó đã có tác dụng tích cực, giúp người tiêu dùng trong các cơ quan đơn vị, các tổ chức và Nhân dân nhận thức đầy đủ hơn về trách nhiệm, quyền lợi người tiêu dùng đối với sản phẩm hàng hoá trong nước, từ đó thay đổi hành vi ưu tiên mua sắm, tiêu dùng hàng hoá thương hiệu Việt. Cụ thể như: Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã đăng tải nhiều văn bản, tin, bài tuyên truyền về Cuộc vận động trên bản tin “Thông tin sinh hoạt chi bộ” phát hành hàng tháng, với số lượng 5.000 cuốn/số; tuyên truyền trên trang thông tin điện tử tinhuyhoabinh. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đã phối hợp tổ chức 234 hoạt động tuyên truyền thu hút 46.852 người tham dự, phối hợp tổ chức 04 hội chợ, 20 cuộc tọa đàm, kết nối doanh nghiệp, quảng bá sản phẩm hàng Việt Nam chất lượng cao... Phối hợp đưa hàng Việt Nam chất lượng cao về nông thôn nhằm phục vụ cho Nhân dân trong dịp Tết cổ truyền; phối hợp tham gia kiểm tra, giám sát, xử lý chống buôn lậu, gian lận trong thương mại, sản xuất, vận chuyển hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại 07 huyện với 13 xã và gần 100 cơ sở sản xuất kinh doanh trong tháng An toàn thực phẩm, Kiểm tra 7 Ban chỉ đạo huyện: Yên Thủy, Lương Sơn, Đà Bắc, Kim Bôi, Lạc Sơn, Cao Phong, Tân Lạc và một số Ban chỉ đạo cấp xã. Hội Nông dân các cấp đã tích cực tuyên truyền, phổ biến chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các văn bản của Hội cấp trên cho hội viên nông dân được 1.328 buổi và kết hợp lồng ghép với sinh hoạt tại các thôn, bản để phổ biến cho 91.313 lượt hội viên, trợ giúp pháp lý cho 1,271 lượt hội viên nông dân. Hội Phụ nữ tỉnh đã tổ chức Tổ chức 05 gian hàng trưng bày, kết nối quảng bá giới thiệu sản phẩm truyền thống bản địa và sản phẩm OCOP của tỉnh tại đại hội nữ Doanh nhân tỉnh Hòa Bình; Trưng bày 01 gian hàng giới thiệu sản phẩm tại: “Chợ quê an toàn” do TƯ Hội tổ chức,…
Sở Công thương đã tích cực thông tin, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về lĩnh vực thương mại đến các thành phần kinh tế hoạt động thương mại trên địa bàn tỉnh. Triển khai hưởng ứng Tuần lễ Thương hiệu Quốc gia chào mừng ngày Thương hiệu Việt Nam 20/4/2023. Xác nhận đăng ký tổ chức hội chợ trên địa bàn các huyện Đà Bắc, Kim Bôi, Cao Phong. Mời các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tham gia chương trình Đoàn giao dịch thương mại tại Úc, Tokyo, Nhật Bản và các hội chợ, triển lãm, hội nghị kết nối cung cầu tại một số tỉnh thành trong nước như: Hà Nội, Phú Thọ, Nha Trang... Xác nhận đăng ký thực hiện khuyến mại cho 08 đơn vị, tổ chức, cá nhân với tổng số tiền là 734.786.000 đồng.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất trên địa bàn tỉnh đã ý thức được mục đích, ý nghĩa của Cuộc vận động trong đó đề cao trách nhiệm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có ý nghĩa quyết định sự thành công hay thất bại của doanh nghiệp trước sức cạnh tranh gay gắt của thời kỳ hội nhập kinh tế Quốc tế, từ đó doanh nghiệp, đơn vị sản xuất đã từng bước tăng cường đầu tư máy móc, áp dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao chất lượng sản phẩm thu hút, mở rộng thị trường trong và ngoài tỉnh. Các chương trình Triển lãm, tổ chức Hội trợ thương mại “Tự hào hàng Việt: “Đưa hàng Việt về nông thôn” đã giúp cho người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh được tiếp cận trực tiếp với thương hiệu và có thêm thông tin để so sánh, đánh giá, tranh hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu và tạo điều kiện cho hàng Việt Phát triển, đáp ứng nhu cầu ngày đa dạng và phong phú của người tiêu dùng.
Công tác thanh tra, kiểm tra về an toàn thực phẩm được thực hiện thường xuyên, 6 tháng đầu năm 2023. Thanh tra, kiểm tra được 282 cơ sở và 23 Ban Chỉ đạo An toàn thực phẩm tuyến huyện/xã; phát hiện và xử lý vi phạm hành chính 09 cơ sở với tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính là 53.669.750 đồng. Thanh tra, kiểm tra được tổng số 81 cơ sở, xử phạt vi phạm hành chính đối với 01 cơ sở với tổng số tiền xử phạt là 750.000 đồng (vi phạm về thông tin trên bao bì, tem nhãn). Đã triển khai lấy 257 mẫu nông sản để kiểm định các chỉ tiêu về chất lượng, an toàn thực phẩm, kết quả: 45/257 mẫu đảm bảo an toàn thực phẩm, 212 mẫu đang trờ kết quả phân tích.
Tuy nhiên, trong thời gian qua, Công tác quảng bá, phân phối sản phẩm đến người tiêu dùng, việc tiếp cận thị trường của các doanh nghiệp, hợp tác xã còn hạn chế nhất là khu vực nông thôn. Một số trung tâm thương mại vẫn bày bán, phân phối nhiều mặt hàng tiêu dùng nhập khẩu từ nước ngoài khá phổ biến. Công tác tiếp cận thị trường khu vực nông thôn chưa được thường xuyên, do địa bàn rộng, sự kết hợp giữa các thương nhân với các doanh nghiệp trong việc đưa hàng về nông thôn phục vụ Nhân dân chưa đáp ứng nhu cầu. Nhiều cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh chưa quan tâm đến quảng bá, giới thiệu thương hiệu, sản phẩm hàng hóa; chưa quan tâm đầu tư bao bì, tem nhãn; về vệ sinh ATTP nên chưa thu hút được sức tiêu thụ lớn trong các siêu thị, trung tâm thương mại và chợ đầu mối, vì vậy hàng hóa sản xuất trong tỉnh chưa có đầu ra ổn định, chưa có tính bền vững cao.
Để Cuộc vận động không mang tính hình thức, thực sự được lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội nói chung và trong tỉnh nói riêng trở thành động lực quan trọng, phát huy sức mạnh các tầng lớp nhân dân, thời gian tới các ngành thành viên BCĐ tỉnh, BCĐ các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về Cuộc vận động; Tăng cường nâng cao vai trò, sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp trong triển khai thực hiện CVĐ. Tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa các ban, sở, ngành, đoàn thể, đơn vị, thành viên Ban chỉ đạo trong triển khai Cuộc vận động, gắn các hoạt động của Cuộc vận động với các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh. Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, vận động, đúng trọng tâm, đúng đối tượng nhằm thay đổi nhận thức và hành vi trong mua sắm tài sản công, sinh hoạt và tiêu dùng hàng ngày; công tác tuyên truyền, chú trọng giới thiệu, tôn vinh sản phẩm Việt Nam chất lượng cao, nhất là các sản phẩm, dịch vụ được bình chọn, công nhận “Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích”, sản phẩm OCOP… từ đó lan tỏa niềm tự hào hàng Việt đến với người dân. Phối hợp tuyên truyền các đợt đưa hàng Việt về nông thôn để tạo điều kiện cho người tiêu dùng tiếp cận, ưu tiên lựa chọn mua sắm, sử dụng hàng hóa có thương hiệu Việt. Xây dựng cơ chế, chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sản xuất các mặt hàng nông sản, sản phẩm OCOP, tăng cường liên kết trong chuỗi hàng Việt Nam gắn với quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm, hình thành chuỗi liên kết sản xuất - phân phối - tiêu thụ hàng nông sản bền vững. Tăng cường chủ động công tác dự báo thị trường, công tác xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường xuất khẩu, nhất là các mặt hàng có giá trị gia tăng cao và lợi thế của tỉnh. Hỗ trợ trưng bày, giới thiệu và quảng bá sản phẩm nông sản đặc trưng của tỉnh đến với người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh. Xây dựng và triển khai chương trình đưa hàng Việt về các khu công nhân, nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa. Đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát triển khai, thực hiện Cuộc vận động; công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và việc thực hiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm theo đúng quy định của pháp luật; tăng cường công tác quản lý nhà nước về thị trường, giá cả sản phẩm…/.