DetailController

Quốc phòng - An ninh

Thực hiện Nghị định 34 – người dân cần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật giao thông

08/07/2010 00:00

Nghị định 34/2010/NĐ-CP ngày 2/4/2010 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ có hiệu lực thi hành từ ngày 20/5 đến nay đã triển khai thực hiện được hơn một tháng. Với quy định chế tài mạnh hơn đối với các hành vi vi phạm nhằm tăng cường tính nghiêm minh của luật pháp, tăng cường đảm bảo an toàn giao thông đường bộ, việc thực hiện Nghị định đã được triển khai nghiêm túc.

CSGT huyện Lương Sơn kiểm tra giấy tờ người điều khiển phương tiện giao thông

 

Theo số liệu của Phòng CSGT (Công an tỉnh), từ ngày 20/5 (ngày Nghị định 34 bắt đầu có hiệu lực) đến cuối tháng 6, qua tuần tra, kiểm soát, lực lượng CSGT đã lập biên bản 4.155 trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường bộ, xử phạt 3.589 trường hợp với số tiền phạt 862 triệu đồng; tạm giữ 433 xe môtô, 15 ô tô, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 45 trường hợp. Tổng hợp số liệu trong  khoảng 1 tháng từ ngày 20/5 trở về trước có 3.812 trường hợp bị lập biên bản, xử phạt 3.451 trường hợp với số tiền phạt trên 827 triệu đồng; tạm giữ 372 xe mô tô, 11 ô tô, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 51 trường hợp. Với hầu hết các hành vi vi phạm đều tăng mức xử phạt và tăng cao, tuy nhiên, qua số liệu theo dõi cho thấy các trường hợp vi phạm không giảm mà có xu hướng tăng. Các lỗi vi phạm chủ yếu là chạy quá tốc độ cho phép, đi lấn phần đường, tránh vượt sai quy định… đây cũng là những nguyên nhân chính gây tai nạn giao thông.
 
Để triển khai Nghị định 34 có hiệu quả, công tác tuyên truyền đã được quan tâm chú trọng. Các nội dung của Nghị định, nhất là quy định về các hành vi vi phạm khi tham gia giao thông đường bộ và mức xử phạt được phổ biến rộng rãi trong nhân dân và người tham gia giao thông. Lực lượng CSGT tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm, đồng thời qua việc xử lý tuyên truyền trực tiếp cho người vi phạm hiểu biết rõ hơn về các quy định mới của Nghị định 34. 
 
Tuy vậy, dường như đã trở thành “truyền thống” khi lực lượng ra quân làm mạnh thì tình hình vi phạm giảm, nhưng hết đợt ra quân thì vi phạm lại có chiều hướng gia tăng. Và ở khu vực nào có cảnh sát giao thông trực thì việc chấp hành pháp luật giao thông khá nghiêm túc, khi không có cảnh sát giao thông thì người tham gia giao thông vẫn “hồn nhiên” vi phạm. Trên thực tế, khi tham gia giao thông trên đường hiện không khó để bắt gặp những hình ảnh vi phạm luật giao thông.  
 
Xử phạt người uống rượu, bia khi điều khiển xe; người điều khiển xe không thắt dây an toàn khi xe đang chạy; dừng đỗ không đúng quy định; điều khiển xe chạy quá tốc độ; vượt đèn đỏ… là những hành vi vi phạm gây ùn tắc và tai nạn giao thông Nghị định 34 quy định tăng mức xử phạt, tuy vậy vi phạm vẫn khá phổ biến. Mặc dù Nghị định đã tăng gấp đôi mức xử phạt đối với người điều khiển ô tô sử dụng rượu, bia nhưng dạo qua các quán bia hơi đều dễ dàng bắt gặp nhiều người sau khi uống bia vẫn lái xe bình thường. Tại các điểm nút giao thông có hệ thống đèn tín hiệu, khi phần đông người tham gia giao thông nghiêm chỉnh chấp hành tín hiệu đèn thì vẫn có những trường hợp, nhất là thanh niên luồn lách vượt đèn đỏ sang đường. Nhiều khi tai nạn xảy ra chỉ vì người đi phía trước bất ngờ quay xe hoặc rẽ vào ngõ mà không có tín hiệu báo trước… Trước đây chưa có quy định buộc người đi xe máy phải đội mũ bảo hiểm nhưng theo Nghị định, nếu người điều khiển, người ngồi trên xe đạp máy không đội mũ bảo hiểm hoặc đội mũ bảo hiểm không cài quai đúng quy cách khi tham gia giao thông bị phạt tiền từ 100.000 - 200.000 đồng nhưng việc áp dụng trên thực tế nhiều người còn lơ là. Những vi phạm này dường như đã mang tính phổ biến nhưng việc xử lý của các cơ quan chức năng cũng chưa triệt để, thậm chí có những trường hợp chưa xử phạt được như người đi bộ vi phạm quy tắc giao thông.
 
Anh Nguyễn Văn Hiệp, phường Đồng Tiến (TPHB) cho biết: Qua các phương tiện thông tin đại chúng được biết quy định về mức xử phạt mới đối với người vi phạm giao thông. Nhiều khi do chủ quan nên việc chấp hành cũng chưa nghiêm túc, như anh có con gái 6 tuổi nhưng khi chở cháu đi xe máy vẫn không đội mũ bảo hiểm cho cháu. Theo em Đinh Thị Hạnh ở tổ 9, phường Đồng Tiến, mặc dù biết quy định về việc đi xe đạp máy không đội mũ bảo hiểm sẽ bị phạt nhưng một phần vì chưa quen, một phần cũng vì chưa thấy có trường hợp nào không đội mũ bị phạt nên khi đi xe em cũng chưa đội. Nhiều bạn em được bố mẹ mua cho xe đạp điện nhưng hầu như cũng không có bạn nào đội mũ bảo hiểm khi đi xe cả.
 
Với những quy định tăng mức xử phạt, việc xử phạt mang tính răn đe góp phần giảm vi phạm Luật Giao thông đường bộ, để từ đó giảm tai nạn giao thông, người tham gia lưu thông đúng luật hơn, Nghị định 34 đã được tuyên truyền, phổ biến rộng rãi. Tuy nhiên, với điều kiện cơ sở hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, ý thức người tham gia giao thông còn hạn chế thì tình trạng vi phạm vẫn còn xảy ra. Công tác tuyên truyền cần tiếp tục được đẩy mạnh không chỉ ở địa bàn thành phố mà cả ở vùng sâu, vùng xa. Cùng với việc xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm, điều quan trọng là người dân cần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật giao thông, hành xử có văn hoá khi tham gia giao thông vì sự an toàn của mình và mọi người.