Đến hết năm 2025, phấn đấu đạt được những mục tiêu sau: Nghiên cứu, hoàn thiện và triển khai các văn bản hướng dẫn cơ chế, chính sách liên quan tới các hoạt động nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng trên toàn địa bàn tỉnh; Đội ngũ giảng viên, tập huấn viên các cấp được trang bị kiến thức về thiên tai và năng lực để tổ chức, triển khai thực hiện các hoạt động nâng cao nhận thức về thiên tai, kỹ năng ứng phó thiên tai tại cộng đồng; Người dân ở các khu vực thường xuyên xảy ra mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất, lũ, ngập lụt được phổ biến kiến thức, kỹ năng phòng, tránh, ứng phó thiên tai.
Trong đó sẽ triển khai các nội dung như: Nghiên cứu, áp dụng, xây dựng, hoàn thiện các văn bản hướng dẫn, cơ chế, chính sách liên quan tới các hoạt động nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng; Nâng cao năng lực cho lực lượng làm công tác phòng, chống thiên tai, cán bộ chính quyền các cấp về quản lý, triển khai các hoạt động nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng; Tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức; tăng cường năng lực, kỹ năng cho cộng đồng về giảm nhẹ rủi ro thiên tai.
UBND tỉnh giao Sở NN&PTNT là cơ quan thường trực Phòng chống thiên tai tỉnh chịu trách nhiệm điều phối chung, đôn đốc, hướng dẫn việc triển khai kế hoạch thực hiện Đề án tới các sở, ngành, đơn vị và các địa phương trên địa bàn tỉnh; Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan rà soát, hoàn thiện và triển khai các quy định pháp luật để nâng cao hiệu quả của các hoạt động nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn; Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng, biên tập, triển khai các tài liệu hướng dẫn, nội dung giảng dạy về nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng để đưa vào các chương trình, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng; tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng; hỗ trợ tập huấn theo đề nghị của địa phương hoặc các cơ quan, tổ chức, đoàn thể;
Giao UBND các huyện, thành phố chủ động bố trí kinh phí từ nguồn vốn ngân sách địa phương trong kế hoạch hàng năm, đồng thời huy động các nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật (vốn xã hội hóa, vốn hỗ trợ, tài trợ của các tổ chức, cá nhân...) để triển khai thực hiện các nội dung của Đề án trên địa bàn, tập trung một số nhiệm vụ như: Rà soát, thống nhất danh sách các phường, xã, thị trấn theo thứ tự ưu tiên để thực hiện; chuẩn bị các điều kiện cần thiết đáp ứng tiến độ thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án; Tổ chức các lớp tập huấn, các hoạt động nâng cao nhận thức cộng đồng; phổ biến kiến thức về thiên tai, những tác động của thiên tai và biện pháp phòng chống; Thực hiện lồng ghép nội dung của Đề án với các hoạt động có liên quan của các chương trình, dự án khác trên địa bàn, trong đó có việc thiết lập các hệ thống tiếp nhận tin, truyền tin thông báo, cảnh báo thiên tai và xây dựng các công trình quy mô nhỏ phục vụ công tác phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai tại cộng đồng./.