DetailController

Thời sự trong ngày

Thực hiện Đề án phát triển Khu du lịch hồ Hòa Bình thành Khu du lịch quốc gia đến năm 2025

19/04/2023 17:04
Ngày 18/4/2023, Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án phát triển Khu du lịch Hồ Hòa Bình thành Khu du lịch quốc gia đã ban hành Kế hoạch số 72/KH-UBND thực hiện Đề án phát triển Khu du lịch hồ Hòa Bình thành Khu du lịch quốc gia đến năm 2025.

Mục tiêu chung: Xây dựng Khu du lịch hồ Hòa Bình cơ bản đạt các điều kiện trở thành Khu du lịch quốc gia; xây dựng Hồ sơ đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận “Khu du lịch hồ Hòa Bình” là “Khu du lịch quốc gia” theo quy định tại Nghị định số 168/2017/NĐ-CP ngày 21/12/2017 của Chính phủ. Mục tiêu cụ thể: Đến năm 2025, Khu du lịch hồ Hòa Bình đón hơn 1 triệu lượt khách, trong đó 51 nghìn lượt khách quốc tế. Tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 580 tỷ đồng tạo việc làm cho 2.100 lao động, trong đó có 700 lao động trực tiếp. Số phòng ngủ đạt khoảng trên 400 phòng; có ít nhất 02 cơ sở lưu trú hạng 4 sao trở lên.

Nhiệm vụ và giải pháp: Các Sở, Ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội của tỉnh và địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức trong các tầng lớp nhân dân về phát triển Khu du lịch hồ Hòa Bình sẽ tạo việc làm, đem lại hiệu quả về kinh tế, xã hội, từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế nâng cao đời sống cho người dân, góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá các dân tộc, bảo vệ môi trường sinh thái thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Nâng cao ý thức của người dân, doanh nghiệp và cộng đồng trong việc chấp hành các quy định của pháp luật trong hoạt động kinh doanh du lịch; xây dựng hình ảnh thương hiệu và tập trung nguồn lực để phát triển Khu du lịch hồ Hòa Bình trở thành Khu du lịch quốc gia. Tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát đối với các hoạt động kinh doanh du lịch như: Dịch vụ lưu trú, ăn uống, hướng dẫn, vận chuyển khách du lịch, đặc biệt là phương tiện vận tải đường thủy trên Khu du lịch hồ Hòa Bình…; đảm bảo công tác an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ, vệ sinh an toàn thực phẩm cho khách du lịch; đảm bảo bố trí chỗ dừng xe đỗ các phương tiện vận chuyển đường bộ, đường thủy vận chuyển khách du lịch; giải quyết kịp thời các đề xuất, kiến nghị của các tổ chức, cá nhân cũng như của khách du lịch; xử lý vi phạm về việc đầu tư, kinh doanh du lịch theo quy định của pháp luật. Tiếp tục triển khai công tác điều tra, đánh giá tài nguyên du lịch; nâng cao hiệu quả công tác quản lý, khai thác tài nguyên, bảo vệ môi trường du lịch, bảo vệ rừng, đặc biệt là rừng phòng hộ… để phát triển du lịch. Phát huy hiệu quả vai trò của Ban Chỉ đạo đề án để tập trung thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về du lịch trên Khu du lịch hồ Hòa Bình.

Tiếp tục chỉ đạo huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng du lịch và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch; tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng và hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật cho các dự án ưu tiên trong quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia hồ Hòa Bình. Tập trung nguồn lực từ Ngân sách nhà nước, huy động; lồng ghép các nguồn vốn để đầu tư các dự án ưu tiên theo Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch hồ Hòa Bình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt như: Đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông trọng điểm kết nối đến các điểm du lịch; xây dựng các tuyến đường ven hồ và một số điểm dừng chân để ngắm cảnh; đầu tư xây dựng nâng cấp các bến tàu, thuyền, bãi đỗ xe phục vụ khách du lịch tại các cảng Thung Nai, Bích Hạ, Ba cấp, Phúc Sạn… đặc biệt là đề xuất bố trí nguồn lực nâng cấp, quản lý và khai thác có hiệu quả cảng Thung Nai và Bích Hạ; xây dựng hệ thống cung cấp điện, hạ tầng thông tin viễn thông cho vùng lõi của Khu du lịch; hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch cho các hộ dân tham gia hoạt động kinh doanh du lịch cộng đồng tại các điểm du lịch cộng đồng trên Khu du lịch hồ Hòa Bình. Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư. Xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách đặc thù, cụ thể nhằm huy động các nguồn lực trong xã hội và thu hút nhà đầu tư chiến lược để phát triển Khu du lịch hồ Hoà Bình và hỗ trợ các nhà đầu tư xây dựng những sản phẩm du lịch độc đáo, tạo thương hiệu cho Khu du lịch hồ Hoà Bình. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, rút ngắn thời gian thẩm định, cấp phép, phê duyệt dự án; tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia đầu tư và hoạt động kinh doanh du lịch trên Khu du lịch hồ Hòa Bình.

Tạo điều kiện giải phóng mặt bằng cho các dự án đầu tư phát triển du lịch trọng điểm theo quy hoạch đã được phê duyệt; hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật giao thông, cấp điện, cấp nước, thông tin liên lạc; ưu tiên các dự án du lịch có đầu tư lớn dịch vụ chất lượng cao, thân thiện với môi trường. Xây dựng cơ chế, chính sách cho công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên và phát triển du lịch bền vững; hỗ trợ đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch; cơ chế hợp tác hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân khi tham gia tuyên truyền quảng bá xúc tiến cho Khu du lịch hồ Hoà Bình; bảo tồn giá trị văn hóa các dân tộc. Mở rộng và phát triển các loại hình dịch vụ ẩm thực, các món ăn truyền thống, dân tộc, đặc sản, sản phẩm OCOP để làm phong phú sản phẩm du lịch; khôi phục một số sản phẩm du lịch đặc sắc để thu hút khách du lịch. Đẩy mạnh công tác số hóa các điểm đến du lịch và tranh thủ sự hỗ trợ của các doanh nghiệp triển khai phủ sóng điện thoại và lắp đặt mạng wifi miễn phí cho một số khu, điểm du lịch trên Khu du lịch hồ Hòa Bình; nâng cao hiệu quả hoạt động Cổng thông tin du lịch thông minh của tỉnh và Trang web quảng bá Khu du lịch hồ Hoà Bình; ứng dụng công nghệ số trong hoạt động truyền thông, quảng bá du lịch bằng công nghệ 360, FLYMCAM, 3D nhằm mang đến những hình ảnh, thông tin đặc sắc, chọn lọc về khu và các điểm du lịch đến với du khách; tranh thủ sự hỗ trợ của các doanh nghiệp triển khai phủ sóng 4G và 5G tại các điểm du lịch./.