DetailController

Trồng trọt

Thực hiện các giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng mía ăn tươi trên địa bàn tỉnh Hòa Bình

17/05/2024 15:03
Ngày 16/5, Sở Nông nghiệp và PTNT ban hành Công văn số 1253/SNN-TTBVTV gửi Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; Các Chi cục: Trồng trọt và Bảo vệ thực vật; Quản lý Chất lượng NLS&TS; Các Trung tâm: Khuyến nông; Giống Cây trồng, Vật nuôi và Thủy sản về việc thực hiện các giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng mía ăn tươi trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.
Công nhân Công ty TNHH đầu tư thương mại Tiến Ngân đóng gói mía trồng tại xã Tân Mỹ (Lạc Sơn) để xuất khẩu

Năm 2023, tổng diện tích mía toàn tỉnh đạt 6.605ha. Trong đó, diện tích mía ăn tươi (mía tím, mía ép nước) là 4.529ha (chiếm 68,6%), năng suất đạt 74,9 tấn/ha, sản lượng gần 34 ngàn tấn; giá mía thương phẩm khá ổn định và ở mức cao, thu nhập bình quân khoảng 200-250 triệu/ha (4,5-5,5 ngàn đồng/cây); tổng lượng mía xuất khẩu năm 2023 sang thị trường Hàn Quốc, EU, Hoa Kỳ...đạt 280 tấn đã giúp đẩy mạnh thị trường tiêu thụ trong nước.

Hiện nay, việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật sản xuất giống mía nuôi cây mô đã bước đầu phát huy được hiệu quả, cho năng suất, chất lượng cao hơn, mẫu mã đẹp hơn; đang tiếp tục duy trì, phát triển nguồn giống gốc thuần chủng để cung cấp vật liệu nhân giống mở rộng diện tích cho các vụ sau. Đã hình thành một số vùng sản xuất mía ăn tươi chủ lực, có chất lượng tốt, có thương hiệu như: Vùng trồng mía các xã: Tây Phong, Nam Phong, Dũng Phong, Thu Phong, Thạch Yên của huyện Cao Phong; vùng trồng mía các xã Phong Phú, Mỹ Hòa, Trung Hòa, Phú Vinh của huyện Tân Lạc; vùng trồng mía các xã: Ân Nghĩa, Tân Mỹ, Yên Nghiệp của huyện Lạc Sơn; xã Tú Sơn huyện Kim Bôi.

Tuy nhiên, việc phát triển cây mía ăn tươi cũng đang đứng trước nhiều khó khăn thách thức như: Diện tích có hướng suy giảm, phải cạnh tranh nhiều cây trồng khác; chất lượng các giống mía cũ đã suy thoái, chưa có đủ nguồn giống bổ sung; bộ giống mía còn ít, chưa phong phú để rải vụ, thâm canh; kỹ thuật canh tác, phòng trừ sâu bệnh của đa số người dân chưa đồng bộ, dẫn đến chất lượng không đồng đều; quy mô phân tán, cản trở việc đầu tư cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất hàng hóa tập trung; đầu ra không ổn định, có thời điểm giá thấp và ứ đọng do việc liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm còn rời rạc, chưa rõ nét; chưa có nhiều nhà đầu tư trong hoạt động sơ chế, chế biến.

Để nâng cao năng suất, chất lượng mía ăn tươi trên địa bàn tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các đơn vị thuộc Sở triển khai các nhiệm vụ, giải pháp với các nội dung cụ thể như sau:

Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố: Chỉ đạo Ủy ban nhân dân các xã rà soát tổng thể thực trạng, có đánh giá cụ thể về giống, năng suất, sản lượng mía. Lựa chọn những khu vực phù hợp theo hướng tập trung, có điều kiện thâm canh, cơ giới hóa và nước tưới để phục vụ sản xuất trong thời gian tới.

Đẩy mạnh việc hỗ trợ thành lập các hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ mía, đảm bảo gắn kết người trồng mía trong chuỗi sản xuất và tiêu thụ mía; Hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nâng cấp, cải tiến dây chuyền công nghệ sơ chế, chế biến mía ăn tươi (nước ép mía, mía đóng gói, mía đóng lon,...).

Chủ động bố trí lồng ghép các nguồn kinh phí, đặc biệt kinh phí từ các nguồn chương trình Mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số; Chương trình giảm nghèo bền vững, các chính sách khuyến khích phát triển vùng trồng mía tập trung để áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất; đầu tư thâm canh nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Ưu tiên hỗ trợ nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, hệ thống thủy lợi tại các vùng trồng mía trọng điểm.

Tiếp tục mở rộng diện tích mía từ giống nuôi cấy mô để nâng cao năng suất, cải thiện chất lượng mía thương phẩm. trong đó chú trọng hỗ trợ người trồng mía giống trong vụ Thu và có cơ chế thu mua lại để hỗ trợ cho sản xuất đại trà trong vụ Xuân.

Phổ biến và chỉ đạo thực hiện rộng rãi quy trình kỹ thuật canh tác mía tím, đã được Sở Nông nghiệp và PTNT ban hành kèm theo Quyết định số 755/QĐ-SNN, ngày 02/12/2020.  Đối với mía trồng vụ Xuân, cần đẩy mạnh các hình thức tưới chủ động để tăng tỷ lệ mọc mầm và thúc đẩy sinh trưởng của cây ngay từ đầu vụ. Đối với mía lưu gốc cần chú trọng tuyên truyền, hướng dẫn cụ thể cách lưu gốc đúng kỹ thuật nhằm phát huy lợi thế về sinh trưởng sớm, năng suất cao của mía lưu gốc; tại những khu vực trồng mía truyền thống, cần bố trí và hỗ trợ diện tích nhất định (khoảng 7-10% tổng diện tích mía) trồng mía vụ Thu để làm giống cho vụ xuân; tiến tới loại bỏ hoàn toàn việc dùng mía cỏ, mía sâu bệnh, gãy đổ để làm giống.

Tổ chức xây dựng, quản lý tốt các chợ mía ở các vùng sản xuất tập trung, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc thông thương. Đẩy mạnh hoạt động quảng bá thương hiệu sản phẩm mía tím, mía trắng Hòa Bình; thông qua các phương thức hội chợ, tiếp thị, quảng cáo, xúc tiến thương mại, liên doanh và hợp đồng tiêu thụ sản phẩm.

Yêu cầu các đơn vị thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT:

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật là đầu mối trong kết nối, hỗ trợ đồng bộ các giải pháp để tăng năng suất, chất lượng mía: Áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong thâm canh (sử dụng các giống nuôi cấy mô, giống mới); kiểm tra, đánh giá các vùng trồng mía tập trung, có cảnh báo và hướng dẫn kịp thời việc phòng ngừa các đối tượng dịch hại nguy hiểm trên cây mía (bệnh chồi cỏ mía, rệp sáp hại thân, gốc mía, bệnh than đen hại mía vv); hỗ trợ hoạt động cấp và quản lý mã số vùng trồng.

Chi cục Quản lý Chất lượng nông lâm sản và Thủy sản hỗ trợ địa phương các thủ tục cấp chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, chứng nhận GAP.

Trung tâm Giống cây trồng vật nuôi và Thủy sản chủ trì, phối hợp với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật xây dựng mô hình đưa các giống mía mới, năng suất, chất lượng cao, kháng sâu bệnh; hỗ trợ nhân rộng giống mía nuôi cấy mô, mở rộng vùng sản xuất giống. Có kế hoạch nhân giống để trồng mới và trồng thay thế các giống thoái hóa.

Trung tâm Khuyến nông tiếp tục thực hiện các mô hình khuyến nông hỗ trợ phát triển sản xuất. Xây dựng các clip về kỹ thuật canh tác, phòng trừ sâu bệnh trên cây mía và phổ biến rộng rãi đến người sản xuất.

Các Công ty, doanh nghiệp, HTX nông nghiệp: Có kế hoạch cụ thể về nhu cầu, khả năng tiêu thụ các loại nông sản của địa phương. Chủ động kết nối với tổ chức đại diện của nông dân để đặt hàng, thu mua sản phẩm.

Xác định rõ yêu cầu về số lượng, tiêu chuẩn mẫu mã, chất lượng sản phẩm trong niên vụ 2024 (cụ thể cho tiêu thụ trong nước và xuất khẩu). Hợp đồng với tổ chức đại diện của nông dân trong đầu tư vùng nguyên liệu và cơ chế thu mua sản phẩm./.