DetailController

Chăn nuôi

Thúc đẩy sản xuất chăn nuôi theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững

08/08/2022 00:00
Thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TU ngày 25/7/2017 của BCH Đảng bộ tỉnh về phát triển chăn nuôi bền vững trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, giai đoạn 2017-2025, định hướng 2030, các cấp ủy, chính quyền đã luôn lãnh đạo, chỉ đạo, thúc đẩy sản xuất chăn nuôi theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững. Đến nay, cơ cấu ngành Chăn nuôi đã chuyển dần từ phân tán nhỏ lẻ sang tập trung quy mô lớn; tổng đàn gia súc, gia cầm phát triển ổn định; chất lượng và giá trị đàn tăng dần các năm.
Năm 2021, giá trị sản xuất của ngành Chăn nuôi đạt 3.600 tỷ đồng, chiếm 30% cơ cấu ngành Nông nghiệp.

Ngay sau khi Nghị quyết được ban hành, các cấp ủy, chính quyền đã nghiêm túc phổ biến, quán triệt, triển khai các nội dung, nhiệm vụ. Thông qua các cuộc họp chi bộ, hội nghị, hội thảo ở từng cơ sở đã góp phần nâng cao nhận thức, hành động của cán bộ, đảng viên và Nhân dân đối với nhiệm vụ phát triển chăn nuôi bền vững. Để phát triển đàn gia súc theo hướng nâng cao giá trị, cơ quan chức năng đã chỉ đạo các phòng chuyên môn tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, hướng dẫn người dân các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm; tận dụng các phế phẩm nông nghiệp làm thức ăn; xây dựng chuồng nuôi kiên cố. Qua đó, nhiều tập quán chăn nuôi lạc hậu cơ bản xóa bỏ. Người chăn nuôi đã đầu tư xây dựng chuồng trài chăn nuôi đảm bảo vệ sinh môi trường. Đến năm 2021, hộ chăn nuôi có trang trại đảm bảo vệ sinh môi trường chiếm 74%.

Công tác quản lý thức ăn chăn nuôi được tiến hành thường xuyên, nghiêm ngặt. Giai đoạn 2017-2021, cơ quan chức năng đã tiến hành kiểm tra 35 mẫu thức ăn và 160 mẫu nước tiểu lợn tại các cơ sở chăn nuôi. Tất cả các mẫu đề âm tính với chất câm. Đồng thời, kiểm tra, đánh gia 4 cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi và 30 cửa hàng, đại lý kinh doanh thức ăn chăn nuôi. Qua kiểm tra, các cơ sở đều đáp ứng đầy đủ theo quy định.

Nhiều cơ sở chăn nuôi đang chuyển dần từ quy mô nhỏ lẻ sang chăn nuôi quy mô lớn, vừa và nhỏ. Chăn nuôi nông hộ đang từng bước tổ chức lại sản xuất, người dân có ý thức phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, hạn chế dịch bệnh xảy ra trên địa bàn. Công tác tổ chức sản xuất thực hiện theo chuỗi khép kín, đáp ứng nhu cầu thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng. Tỷ trọng chăn nuôi trang trại năm 2016 đạt khoảng 7,64% số đầu con và 11,17% sản lượng. Đến năm 2021 tăng 20% số đầu con và 25% về sản lượng. Việc xây dựng nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm vật nuôi có lợi thế của địa phương được quan tâm, triển khai thực hiện. Toàn tỉnh đã có 15 sản phẩm OCOP chăn nuôi. Đồng thời, tỉnh đã cấp Giấy chứng nhận các nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm: “Gà Lạc Sơn”, “Gà Lạc thủy”, “Lợn bản địa Đà Bắc”, “Dê Lạc Thủy”, “Dê núi Lương Sơn” có truy xuất nguồn gốc.

Công tác chăn nuôi thú y luôn được tỉnh quan tâm triển khai kịp thời. Các địa phương tiến hành tiêm phòng cho đàn gia súc được thực hiện theo đúng kế hoạch, do đó đàn gia súc ít bệnh tật và phát triển tương đối ổn định. Theo số liệu của Cục Thống kê, năm 2021, tổng đàn trâu là hơn 114,5 nghìn con, đạt 104,15% so với mục tiêu của Nghị quyết; đàn bò là hơn 87,4 nghìn con, đạt 76,03% , đàn gia cầm hơn 8 triệu con, đạt 92,29%; đàn dê là hơn 51,8 nghìn con, đạt 86,34%; đàn lợn đạt hơn 456,6 nghìn con, đạt 60,90%. Toàn tỉnh hiện có 5 cơ sở được chứng nhận đủ điều kiện trang trại chăn nuôi quy mô lớn.

Với sự phát triển về số lượng đàn và mở rộng quy mô sản xuất đã đưa tốc độ tăng trưởng ngành Chăn nuôi đạt bình quân 6,7%. Giá trị sản xuất của ngành có chuyển biến tích cực. Trong đó, năm 2017, giá trị sản xuất của ngành đạt 1.561 nghìn tỷ đồng; đến năm 2021, đã nâng lên là 3.600 tỷ đồng, chiếm 30% cơ cấu ngành Nông nghiệp./.