DetailController

Tin từ các đơn vị

Thúc đẩy phát triển nông nghiệp hữu cơ theo xu thế hiện đại

14/04/2020 00:00
Hiện nay sản xuất nông nghiệp hữu cơ đã và đang trở thành xu hướng tất yếu của nông nghiệp thế giới, ngành nông nghiệp Việt Nam cũng không đứng ngoài cuộc. Đây được xác định là hướng đi góp phần đưa nông nghiệp phát triển bền vững.
Ổi là một trong những sản phẩm được lựa chọn là sản phẩm phát triển nông nghiệp hữu cơ trong giai đoạn tới

Tại tỉnh Hòa Bình, ngày 30/12/2019, UBND tỉnh ban hành Quyết định 2987/QĐ-UBND về việc phê duyệt đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ tỉnh Hòa Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Do vậy, bắt đầu từ năm 2020 sẽ bắt đầu triển khai xây dựng quy trình chuyển hóa đất canh tác hiện có sang canh tác đáp ứng các tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ, các huyện, thành phố xây dựng chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản hữu cơ có lợi thế. Kết quả thực hiện trong năm 2020 sẽ là cơ sở để tiếp tục nhân rộng các chuỗi liên kết tiếp theo gắn với vùng sản xuất hàng hóa tập trung, tạo thêm động lực để phát triển mạnh mẽ nông nghiệp hữu cơ.

Theo Sở NN&PTNT, hiện toàn tỉnh có khoảng 88,5 nghìn ha đất sản xuất nông nghiệp, chiếm trên 19,2% diện tích đất tự nhiên nhưng là tư liệu sản xuất của 71,5 vạn dân khu vực nông thôn. Những năm qua, tốc độ tăng trưởng trung bình của ngành nông nghiệp đạt trên 4%/năm, song chủ yếu thông qua tăng vụ, tận dụng các yếu tố đầu vào để tăng năng suất và giá trị cây trồng. Theo đó, đã sử dụng rộng rãi 182 loại phân bón vô cơ, 151 hoạt chất với 226 tên thương phẩm thuốc BVTV, 114 hoạt chất với 171 thương phẩm thuốc trừ bệnh, 37 hoạt chất với 70 tên thương phẩm thuốc trừ cỏ và nhiều loại thuốc diệt chuột, điều hòa sinh trưởng, dẫn dụ côn trùng, thuốc trừ ốc... làm thoái hóa đất, tăng nguy cơ mất an toàn thực phẩm, phá hủy hệ môi trường sinh thái và ảnh hưởng tới sức khỏe con người. Xác định cần từng bước thay đổi thực tế này, Sở NN&PTNT cho rằng, việc chuyển dịch sản xuất nông nghiệp sang an toàn, hữu cơ là yêu cầu bức thiết. Thông qua không sử dụng phân và hóa chất vô cơ, người tiêu dùng được sử dụng nông sản an toàn và chất lượng. Đây chính là động lực quan trọng để toàn tỉnh đẩy mạnh phát triển nông nghiệp hữu cơ, bám sát xu hướng đang được cho là tất yếu của sản xuất nông nghiệp hiện đại.

Tại Hòa Bình, đến thời điểm này đã có các cơ sở đầu tiên được chứng nhận sản xuất đạt tiêu chuẩn hữu cơ là Liên nhóm hữu cơ Lương Sơn (gồm 15 nhóm và 1 HTX), nông trại hữu cơ Linh Dũng (Kim Bôi), trang trại Thủy Thiên Nhu (Lạc Thủy), trang trại Hòa Bình Organic (Yên Thủy)...

Nhận định chung hiện nay thị trường đang rộng mở đối với các nông sản chủ lực đã được chứng nhận của tỉnh ta, trong đó, nông sản hữu cơ luôn khẳng định được sức hút nổi bật. đó là các sản phẩm được sản xuất trong môi trường sản xuất sạch, hệ sinh thái sạch, sản phẩm sạch, tuyệt đối an toàn cho người sản xuất cũng như người tiêu dùng. Chính vì thế, trong giai đoạn 2018 – 2020 định hướng đến năm 2030, tỉnh đã chú trọng triển khai các cơ chế, chính sách đặc thù để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hữu cơ, coi đây là một trong những giá trị cốt lõi nhất để ngành nông nghiệp tăng trưởng mạnh hơn, bám sát xu hướng tất yếu của nền sản xuất nông nghiệp hiện đại.

Đề án được triển khai trên địa bàn tỉnh, áp dụng đối với các sản phẩm trồng trọt gồm rau xanh, quả có múi, nhãn, ổi, na, mía ăn tươi, dược liệu, lúa, chè, lâm sản ngoài gỗ; các sản phẩm chăn nuôi gồm cá nuôi lồng, đại gia súc, dê lai, lợn bản địa, gà thả vườn. Đối tượng thực hiện là các doanh nghiệp, HTX, hộ gia đình trực tiếp thực hiện hoặc tham gia các mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ nông nghiệp hữu cơ thuộc phạm vi Đề án. 

Với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 932 tỷ đồng, Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh định hướng hình thành các chuỗi liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ nông nghiệp hữu cơ, nâng cao năng lực sản xuất, sức cạnh tranh của nông sản lợi thế. Trong khuôn khổ đề án, các huyện, thành phố đều vào cuộc với nỗ lực thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Trước mắt, trong năm 2020, huyện Lương Sơn sẽ xây dựng sản phẩm rau hữu cơ quy mô 20 ha, sản phẩm dê hữu cơ quy mô 500 con; huyện Tân Lạc xây dựng sản phẩm bưởi hữu cơ tại 2 xã Đông Lai, Thanh Hối; huyện Đà Bắc xây dựng sản phẩm gạo hữu cơ tại xã Mường Chiềng; các huyện Cao Phong, Kim Bôi xây dựng sản phẩm cam hữu cơ; huyện Mai Châu và thành phố Hòa Bình xây dựng sản phẩm cá hữu cơ, quy mô khởi động là 100 lồng/địa bàn… Kết quả thực hiện các mô hình chuỗi trong năm 2020 sẽ được đánh giá để làm cơ sở mở rộng, hình thành mới các chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản hữu cơ gắn với xây dựng một số nông sản chủ lực tại các vùng sản xuất tập trung. Phấn đấu đến năm 2025, phát triển được 16 loại sản phẩm hữu cơ lợi thế, mỗi huyện/thành phố có ít nhất 1 chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản hữu cơ được chứng nhận, xây dựng được quy trình chuyển hóa đất canh tác hiện có sang canh tác đáp ứng các tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ … Với những kết quả quan trọng đó, toàn tỉnh sẽ thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2026 – 2030, tạo đà thuận lợi để hướng tới một nền sản xuất nông nghiệp hiện đại./.