DetailController

CNTT và Viễn Thông

Theo lộ trình số hóa - Sau năm 2020 Truyền hình phát sóng tương tự sẽ hoàn toàn dừng phát sóng

21/10/2014 00:00
Theo Quyết định số 2451/QĐ-TTg ngày 27 - 12 - 2011 của Thủ tướng Chính phủ về “Phê duyệt Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020”; nhằm chuyển đổi hạ tầng truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất từ Công nghệ tương tự sang Công nghệ số theo hướng hiện đại, hiệu quả và từng bước mở rộng vùng phủ sóng truyền hình số mặt đất nhằm phục vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và cung cấp các dịch vụ truyền hình đa dạng, phong phú có chất lượng cao; nhằm hình thành và phát triển thị trường truyền dẫn, phát sóng truyền hình số mặt đất nhằm thu hút các nguồn lực xã hội, đồng thời tạo điều kiện để tổ chức và sắp xếp lại hệ thống các đài phát thanh, truyền hình trên cả nước.

 Kế hoạch thực hiện Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020, được thực hiện song song với việc ngừng phát sóng truyền hình tương tự mặt đất, được chia làm 4 giai đoạn: Giai đoạn 1, thực hiện số hóa truyền hình mặt đất tại 5 thành phố trực thuộc Trung ương gồm: Thủ đô Hà Nội (cũ), TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ sẽ kết thúc việc phát sóng tất cả các Kênh chương trình truyền hình trên hạ tầng tương tự chuyển hoàn toàn sang truyền hình số mặt đất trước ngày 31 - 5 - 2015; Giai đoạn 2, tiếp tục thực hiện số hóa tại 26 tỉnh, thành khác: Hà Nội (mới), Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Ninh Bình, Khánh Hòa, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Vĩnh Long, Đồng Tháp và một số tỉnh khác… Các Đài PT-TH những tỉnh này sẽ thực hiện chuyển đổi hoàn toàn sang truyền hình số mặt đất trước ngày 31 - 12 - 2016; Giai đoạn 3 của Kế hoạch sẽ thực hiện mở rộng ra 18 tỉnh, thành khác gồm: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Phú Yên, Bình Phước, Sóc Trăng, Cà Mau…cùng thực hiện chuyển đổi hoàn toàn sang truyền hình số mặt đất trước ngày 31 - 12 - 2018.

          Tỉnh Hòa Bình là một trong những tỉnh được thực hiện giai đoạn 4 của Kế hoạch thực hiện Đề án; trong thời gian từ năm 2017 đến 2020 sẽ tiến hành kết thúc việc phát sóng tất cả các kênh chương trình truyền hình trên hạ tầng truyền dẫn, phát sóng truyền hình tương tự mặt đất để chuyển đổi hoàn toàn sang phát sóng truyền hình số mặt đất đối với tất cả các Đài Phát thanh và Truyền hình của các tỉnh còn lại thuộc vùng sâu, vùng xa ở Miền núi phía Bắc và Tây Nguyên gồm: Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Lạng Sơn, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Nông, Đắk Lắk, Đắk Nông cùng thời hạn cuối cùng để thực hiện  ngày 31 - 12 - 2020.

          Theo thống kê, hiện nay nước ta vẫn còn hơn 12 triệu hộ gia đình sử dụng thiết bị xem truyền hình bằng cách thu sóng thông qua Ăng - ten giàn, 5 triệu hộ gia đình có hợp đồng thuê bao truyền hình trả tiền (như Truyền hình Cáp hoặc qua thiết bị Kỹ thuật số tiếp sóng Truyền hình từ Vệ tinh) còn lại là hoàn toàn dùng thiết bị thu truyền hình mặt đất không phù hợp chuẩn mới; đồng thời, những hộ đang sử dụng dịch vụ trả tiền không cần phải thay đổi thiết bị nếu không phát sinh nhu cầu khác. Ngược lại với số hộ xem truyền hình còn lại, việc chuyển đổi thiết bị và công nghệ là cần thiết, tuy nhiên mức chuyển ở mức độ nào thì phụ thuộc vào nhu cầu cụ thể của họ trong tương lai. Với mục tiêu đến 31 - 12 - 2020 đảm bảo 100% các hộ gia đình có máy thu hình trên cả nước xem được truyền hình số bằng các phương thức khác nhau với chất lượng âm thanh, hình ảnh được cải thiện, tiết kiệm băng thông và tăng hiệu quả đầu tư hệ thống truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất. Người xem truyền hình số mặt đất thay thế cho tín hiệu truyền hình tương tự sẽ được xem rất nhiều kênh truyền hình với chất lượng âm thanh, hình ảnh tốt hơn. Hiệu quả cụ thể nhất là tín hiệu truyền hình số sẽ không còn hiện tượng nhiễu như xem qua tín hiệu truyền hình tương tự, bởi người xem truyền hình khi đó sẽ được xem truyền hình có độ phân giải cao, có thể xem truyền hình 3 chiều và xem truyền hình trên các thiết bị di động.

          Kể từ ngày 01- 4 - 2014, các loại Ti vi sử dụng công nghệ màn hình LED, LCD… và các công nghệ màn hình tiếp theo có kích thước màn hình trên 32 Inches, được sản xuất trong nước hay được nhập khẩu và nước ta đều phải tích hợp chức năng thu tín hiệu truyền hình số mặt đất theo tiêu chuẩn DBV-T2 phù hợp với quy chuẩn Quốc gia; cũng theo Kế hoạch Đề án số hóa trên, từ ngày 01 - 4 - 2015, quy định nói trên sẽ áp dụng cho tất cả các loại Ti vi có kích thước màn hình từ 32 Inches trở xuống. Bởi tiêu chuẩn DBV-T2 (Digital Video Broadcasting - Terrestrial là tiêu chuẩn được Việt Nam lựa chọn), tiêu chuẩn trên với ưu thế sử dụng băng tần cho phép truyền tải khoảng 20 chương trình truyền hình bình thường và chưa kể đến khả năng phát triển các dịch vụ thông tin di động khác. Vì vậy, kể từ đầu năm 2016 những người xem truyền hình bằng cách thu sóng thông qua Ăng - ten giàn ở các tỉnh và thành phố trong những giai đoạn triển khai thực hiện Kế hoạch của Đề án như đã nêu trên, đang sử dụng Ti vi  không theo tiêu chẩu DBV-T2, nhiều khả năng họ sẽ phải mua thêm thiết bị đầu thu kỹ thuật số hoặc chọn thuê bao truyền hình Cáp nếu muốn xem được các chương trình truyền hình, để không phải mua Ti vi mới có tiêu chuẩn DBV-T2.

          Theo lộ trình Đề án số hóa truyền hính là cuộc cách mạng trong ngành truyền hình, khi áp dụng tiêu chuẩn truyền hình số DBV-T2 sẽ đem lại hiệu quả về kinh tế, xã hội, phù hợp với xu thế phát triển công nghệ và đẩy nhanh quá trình số hóa truyền hình mặt đất ở Việt Nam, khi các nhà cung cấp dịch vụ truyền dẫn phát sóng truyền hình số mặt đất khu vực tham gia vào thị trường truyền dẫn, phát sóng, người dân sẽ được xem thêm nhiều kênh truyền hình trong khu vực khi lộ trình triển khai thực hiện Đề án đối với từng tỉnh, thành và khu vực được quy định cụ thể, để kết thúc vào ngày 31 - 12 - 2020.