Qua quá trình tổ chức thực hiện thời gian qua, Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND đã tạo hành lang pháp lý quan trọng để cho Quốc hội và HĐND triển khai rất tốt. Qua giám sát, rất nhiều vấn đề đã được chỉ ra, kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền xem xét và giải quyết. Từ đó có những sự điều chỉnh pháp luật phù hợp, đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Tuy nhiên, quá trình tổ chức thực hiện còn một số bất cập khó khăn, vướng mắc đã được chỉ ra trong báo cáo tổng kết cũng như qua kết quả giám sát của các Đoàn đã có những đề xuất, kiến nghị. Do đó, đại biểu hoàn toàn thống nhất với sự cần thiết phải sửa đổi Luật này để đáp ứng yêu cầu của hoạt động giám sát trong giai đoạn hiện nay.
Về bổ sung nguyên tắc mới (khoản 2 Điều 3), dự thảo Luật đang quy định 2 phương án. Trong đó, phương án thứ 1 là bổ sung thêm nội dung “bảo đảm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, xây dựng và thực thi pháp luật, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, của địa phương”; phương án 2 “bảo đảm khách quan, công khai, minh bạch, hiệu quả; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, xây dựng và thực thi pháp luật, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, của địa phương”. Thực tiễn hiện nay, việc quy định nguyên tắc choạt động giám sát phải là những tư tưởng chỉ đạo, yêu cầu cơ bản có tính định hướng, chi phối, xuyên suốt các hoạt động giám sát mà mọi chủ thể phải tuân theo khi tiến hành hoạt động giám sát. Việc thực hiện Luật Giám sát thời gian qua không có gì vướng mắc. Do vậy nếu bổ sung nội dung mới theo phương án 1 thành nguyên tắc sẽ chưa phù hợp, khó triển khai.
Đại biểu đề nghị, Ban soạn thảo nghiên cứu nội dung này để có quy định thuận lợi trong quá trình tổ chức thực hiện. Nếu bổ sung thêm nội dung này vào nguyên tắc thì nên tách ra thành mục riêng còn không thì nên giữ theo dự thảo hiện nay là phù hợp.
Về thời điểm Quốc hội xem xét, thảo luận các báo cáo (khoản 2 Điều 13), đại biểu thống nhất với phương án 1. Bởi, phương án này có ưu điểm là quy định rõ ràng thời điểm xem xét từng loại báo cáo tại các kỳ họp (giữa năm, cuối năm, cuối nhiệm kỳ) nhằm nâng cao tính minh bạch, giúp điều hòa hợp lý, giảm tải khối lượng công việc vốn rất lớn của Quốc hội tại các kỳ họp cuối năm, tạo thuận lợi để Chính phủ tổng hợp đầy đủ tình hình, số liệu trong 1 năm, khắc phục tình trạng các cơ quan phải lấy số liệu nhiều lần phục vụ xây dựng báo cáo trình Quốc hội, gây lãng phí về nguồn lực. Đồng thời, phương án này cũng liệt kê trách nhiệm của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, và các cơ quan khác trong việc xây dựng báo cáo gửi Quốc hội hoặc lấy số liệu.
Các quy định mở rộng, tăng tính linh hoạt (như điểm e, g, h) cho phép Quốc hội hoặc Ủy ban thường vụ Quốc hội điều chỉnh thời gian khi cần thiết, phù hợp với tình hình thực tế. Do vậy, việc lựa chọn phương án 1 là một bước tiến cần thiết và phù hợp trong giai đoạn hiện nay.
Về tiêu chí lựa chọn nội dung chuyên đề giám sát, đại biểu cho rằng, nên bổ sung: là những vấn đề cử tri và nhân dân quan tâm mà thực tiễn còn nhiều khó khăn, bất cập. Bởi lẽ, thông qua hoạt động giám sát sẽ giúp ta nhìn nhận đánh giá việc triển khai thi hành Luật những vấn đề còn bất cập, khó khăn, vướng mắc cần phải đưa ra các kiến nghị, đề xuất giải pháp để thực hiện tốt hơn các quy định của pháp luật.
Về chất vấn và xem xét việc trả lời chất vấn tại kỳ họp Quốc hội (Điều 15): mục 4a quy định việc trả lời chất vấn bằng văn bản quy định tại khoản 4, theo đại biểu không nên quy định quá cụ thể các bước thực hiện việc trả lời chất vấn bằng văn bản tại Luật mà nội dung này nên quy định tại văn bản dưới Luật, sẽ phù hợp với quy định và tinh thần xây dựng luật hiện nay.
Về chất vấn và xem xét trả lời chất vấn tại Phiên họp UBTVQH trong thời gian giữa 2 kỳ họp Quốc hội (Điều 26): Về tiêu chí lựa chọn, dự thảo Luật hiện nay đang quy định là các vấn đề mang tính thời sự, xảy ra nhiều vi phạm pháp luật, có nhiều hạn chế trong chỉ đạo, điều hành, quản lý và các vấn đề khác. Theo đại biểu, không nên quy định như vậy, bởi thực tiễn thời gian qua, khi lựa chọn các nội dung chất vấn tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội chủ yếu tập trung vào các nhóm vấn đề mà cử tri và nhân dân quan tâm và cần phải có sự vào cuộc của các bộ, ngành liên quan trong việc đưa ra các giải pháp, lộ trình. Do vậy nên quy định hài hòa hơn, nhất là trong việc sử dụng từ ngữ cho phù hợp vừa bảo đảm yêu cầu của chất vấn, vừa là động lực cho các trưởng ngành hiến kế thêm các giải pháp hiệu quả hơn trong thời gian tới.
Về quy định Đoàn đại biểu Quốc hội giám sát việc thi hành pháp luật ở địa phương (khoản 1 Điều 52), đề nghị nghiên cứu sửa đổi quy định về số lượng thành viên Đoàn giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội (tại khoản 1 Điều 52) theo hướng không quy định cụ thể số lượng tối thiểu đại biểu Quốc hội tham gia Đoàn giám sát để tạo điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức hoạt động giám sát chuyên đề của Đoàn đại biểu Quốc hội tại địa phương.
Bởi, thực tiễn, cơ bản các ĐBQH hoạt động kiêm nhiệm nên việc quy định cứng số lượng người tham gia Đoàn giám sát là rất khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện. Do vậy nên có quy định linh hoạt để nâng cao vai trò, trách nhiệm của Đoàn giám sát tại địa phương.
Về Điều 52a bổ sung quy định Đoàn ĐBQH giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân, hoàn toàn nhất trí với việc bổ sung quy định này để bảo đảm tính thống nhất của dự thảo Luật với Luật hiện hành và Luật Tổ chức Quốc hội.
Về giải pháp đảm bảo thực hiện kết luận, kiến nghị giám sát (Điều 89), đại biểu Ngọc cho rằng, quy định này giúp nâng cao tính thực thi của các nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát, tránh tình trạng “giám sát cho có”, không đạt được kết quả thực tiễn. Do vậy trong dự thảo Luật phải có những quy định để khi đề xuất, kiến nghị của các Đoàn giám sát ban hành thì các cơ quan phải vào cuộc, có thông tin trả lời những nội dung Đoàn giám sát đã chỉ ra. Mong rằng, trong dự thảo Luật sẽ thể hiện rõ nét để nâng cao chất lượng hiệu quả của các Đoàn giám sát, giải quyết được những bất cập, vướng mắc. Những nội dung nào cần phải kiến nghị sửa đổi, bổ sung như các văn bản quy phạm pháp luật sẽ tiếp thu và chỉnh lý để đáp ứng yêu cầu thực tiễn.